25/03/2011 - 08:45

Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XII

Nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội

* Quốc hội thảo luận dự án Luật Kiểm toán độc lập

Sáng 24-3, Quốc hội làm việc tại tổ, thảo luận về báo cáo tổng kết hoạt động của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XII (2007-2011).

Trong bối cảnh nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII sắp kết thúc, nhiệm kỳ khóa XIII sắp bắt đầu và sẽ hoạt động trong khi đất nước ta tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới, các đại biểu Quốc hội đã đóng góp ý kiến, đề xuất để góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, bảo đảm Quốc hội thực sự là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực cao nhất.

Các đại biểu cơ bản nhất trí với những đánh giá trong Báo cáo tổng kết hoạt động của Quốc hội khóa XII trên các khía cạnh: Hoạt động lập pháp tiếp tục được đẩy mạnh, có nhiều tiến bộ cả về số lượng, chất lượng và quy trình, thủ tục; cơ bản đáp ứng được yêu cầu đổi mới, xây dựng và bảo vệ đất nước. Hoạt động giám sát được tăng cường, có nhiều đổi mới về cách thức tiến hành, nhất là chất vấn và giám sát chuyên đề. Việc quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước ngày càng có chất lượng, đáp ứng đúng yêu cầu của thực tiễn vì lợi ích quốc gia, phù hợp với ý chí và nguyện vọng của nhân dân. Hoạt động đối ngoại tiếp tục được đẩy mạnh, góp phần quan trọng nâng cao vị thế của đất nước và Quốc hội Việt Nam trên trường quốc tế. Tổ chức, bộ máy được củng cố, kiện toàn, từng bước ổn định, cơ bản đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Phương thức, chế độ làm việc từng bước được cải tiến, tăng tính chủ động, sáng tạo, phối hợp tốt hơn giữa các đơn vị, cơ quan hữu quan...Nhiều đại biểu đánh giá cao bản lĩnh, tính khách quan, trách nhiệm, tính dân chủ và vì dân trong hoạt động của Quốc hội khóa XII.

Đánh giá việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội, các đại biểu cho rằng nhìn một cách tổng thể, kết quả nổi bật trong nhiệm kỳ khóa XII là Quốc hội đã hoạt động ngày càng dân chủ, thiết thực và hiệu quả, có nhiều đổi mới trong tư duy và thực tiễn hành động. Nhiều đại biểu cũng đã thẳng thắn chỉ ra những điểm còn hạn chế cả về tổ chức, hoạt động và phương thức, lề lối làm việc của Quốc hội. Trong đó, đáng quan tâm là về sự thiếu đồng bộ và chưa thực sự hợp lý trong quy trình lập pháp; về hiệu lực, hiệu quả của giám sát; kết quả xem xét, giải quyết kiến nghị sau giám sát; điều kiện hoạt động của đại biểu; mối liên hệ giữa đại biểu với cử tri; hoạt động của các cơ quan tham mưu, giúp việc của Quốc hội...

Theo đại biểu Vũ Quang Hải (Hưng Yên), quy trình xây dựng luật của Quốc hội nên được cải tiến theo hướng dựa trên một quy hoạch đã được nghiên cứu trước, dự báo trước, chủ động tính toán trước các yếu tố. Như vậy, chương trình xây dựng luật, pháp lệnh sẽ không có những vướng mắc như nhiệm kỳ qua, không còn tình trạng đưa và rút dự án ra khỏi chương trình một cách tùy tiện.

Nhiều đại biểu khác đồng tình, một số quy định của Luật hoạt động giám sát còn thiếu cụ thể hoặc chưa thật phù hợp nhưng chưa được sửa đổi, bổ sung hoặc hướng dẫn kịp thời, nhất là cơ chế tiếp thu những kết luận, giải quyết các kiến nghị sau giám sát; thực hiện việc bỏ phiếu tín nhiệm đối với chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Công tác đảm bảo cho việc thực hiện các hoạt động giám sát của cá nhân đại biểu Quốc hội cũng còn một số bất cập; thiếu cơ chế hỗ trợ về mặt chuyên môn, bộ máy giúp việc khi tiến hành giám sát. Đại biểu Trần Đình Long (Đăk Lắk) chưa hài lòng vì Quốc hội mới dừng lại ở mức đề nghị, kiến nghị xem xét giải quyết đối với những vấn đề trong giám sát. Đại biểu Nguyễn Lân Dũng (Đắk Lắk) cũng đề nghị Quốc hội tiếp tục phát huy dân chủ, nhất là trong tiếp xúc cử tri; khắc phục hiện tượng áp đặt...Theo đại biểu, đoàn đại biểu Quốc hội các địa phương cần tích cực đấu tranh, giải quyết những vấn đề liên quan đến cử tri của địa phương mình hơn nữa để Quốc hội thực sự là nơi phản ánh ý chí, nguyện vọng của nhân dân.

* Chiều 24-3, Quốc hội khóa XII tiếp tục làm việc với phần thảo luận về Dự án Luật Kiểm toán độc lập. Theo đánh giá của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc ban hành Luật Kiểm toán độc lập nhằm tạo khuôn khổ pháp lý hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước đối với hoạt động kiểm toán độc lập, đáp ứng cam kết thương mại quốc tế, tăng cường tính minh bạch trong hoạt động của doanh nghiệp và của nền kinh tế nói chung.

Cuối buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh đã phát biểu tiếp thu các ý kiến đóng góp của các ĐBQH và cho biết sẽ tiếp tục hoàn chỉnh, bổ sung sửa đổi để dự thảo Luật Kiểm toán độc lập đạt hiệu quả và chất lượng cao nhất.

THANH HÒA-QUANG VŨ (TTXVN)

Chia sẻ bài viết