04/08/2024 - 07:55

Nâng cao chất lượng tín dụng, đảm bảo dòng vốn ra thị trường 

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Chi nhánh TP Cần Thơ, tăng trưởng tín dụng trên địa bàn thành phố đến cuối tháng 7-2024 ước tăng 5,85% so với tháng 12-2023. Các tổ chức tín dụng (TCTD) đều chú trọng hỗ trợ doanh nghiệp (DN), nên tín dụng cho sản xuất tăng tốt hơn dự báo. Chi nhánh còn duy trì Tổ hỗ trợ DN để lắng nghe, giải quyết khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của DN trong quan hệ vay vốn với ngân hàng, góp phần gỡ khó cho nền kinh tế.

Các TCTD kỳ vọng tăng trưởng tín dụng khả quan hơn (ảnh minh họa). Ảnh: T.H

Tín dụng tăng trưởng tốt hơn

Tăng trưởng tín dụng 3 tháng đầu năm 2024 thấp so với cùng kỳ các năm gần đây, do tác động của tổng cầu thế giới sụt giảm, tiêu dùng trong nước chậm phục hồi làm ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của DN. Tuy nhiên, theo NHNN, từ cuối tháng 3-2024, tín dụng có dấu hiệu khởi sắc, nhờ đơn hàng mới tăng, nhu cầu tiêu dùng trong nước tốt lên. Tính đến cuối quý II-2024, tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 6% so với cuối năm 2023, nhưng mức tăng không đồng đều giữa các TCTD. Sang tháng 7-2024, tăng trưởng tín dụng khả quan hơn nhờ niềm tin kinh doanh của DN phục hồi, đơn hàng mới và đơn hàng xuất khẩu tăng. Ðây cũng là tín hiệu tích cực để đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng mà NHNN đặt ra là 15% năm 2024.

Theo chỉ đạo của NHNN, NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố đã tích cực, chủ động trong triển khai các nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng năm 2024, tăng các giải pháp gỡ khó việc tiếp cận tín dụng cho các DN, người dân, góp phần tăng trưởng kinh tế địa phương. Ông Trần Quốc Hà, Giám đốc NHNN Chi nhánh TP Cần Thơ, cho biết khi Luật TCTD có hiệu lực ngày 1-7-2024, NHNN đã ban hành Thông tư hướng dẫn với nhiều quy định mới về hoạt động tín dụng như bảo hiểm, vay tiêu dùng… tạo cơ sở pháp lý rõ ràng, minh bạch cho hoạt động của TCTD. Chi nhánh cũng chỉ đạo các TCTD trên địa bàn thành phố triển khai quyết liệt về hỗ trợ tín dụng như gia hạn nợ, định kỳ hạn nợ… theo Thông tư 06 của NHNN; tăng các hoạt động kết nối Ngân hàng - DN; chỉ đạo các TCTD cắt giảm thủ tục hành chính…, nên dư nợ cho vay nền kinh tế tăng tháng sau cao hơn tháng trước. Tại TP Cần Thơ, các TCTD tập trung hỗ trợ DN thế mạnh thành phố như chế biến nông, thủy sản; xuất khẩu, nhất là mặt hàng gạo. Cùng với đó, sản xuất phục hồi, đơn hàng mới tăng trong những tháng gần đây và tiếp tục duy trì xu hướng tăng các tháng cuối năm, nên tín dụng cho sản xuất tăng tốt hơn dự báo.

Thống kê của NHNN Chi nhánh TP Cần Thơ, tổng dư nợ cho vay ước đến cuối tháng 7-2024 trên địa bàn thành phố đạt 165.600 tỉ đồng, tăng 5,85% so với tháng 12-2023. Trong đó, dư nợ cho vay VNÐ chiếm 95,83%, tăng 6,83% so với cuối năm 2023. Theo đánh giá của NHNN Chi nhánh thành phố, các TCTD trên địa bàn tuân thủ các quy định về đảm bảo an toàn, phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro theo quy định và triển khai đồng bộ các giải pháp khác nhằm hạn chế nợ xấu mới phát sinh. Nợ xấu của các TCTD trên địa bàn chiếm dưới 3% trên tổng dư nợ cho vay. Về lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa đối với các lĩnh vực ưu tiên là 4%/năm; lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến đối với các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường phổ biến đối với ngắn hạn từ 5,7%-8%/năm; trung, dài hạn từ 7,6%-10%/năm đối với VNÐ. Mặt bằng lãi suất nhìn chung đã giảm so với năm 2023.

Kỳ vọng đạt mục tiêu

Ông Trần Quốc Hà, Giám đốc NHNN Chi nhánh TP Cần Thơ cho biết, theo chỉ đạo của Thống đốc NHNN, các TCTD trên địa bàn thành phố đều quan tâm tập trung vốn cho các lĩnh vực ưu tiên, tháo gỡ khó khăn đối với DN. Một số lĩnh vực có dư nợ tăng so với cuối năm 2023. Cụ thể, tính đến cuối tháng 7-2024, dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp nông thôn tăng 2,35% (dư nợ khoảng 47.800 tỉ đồng); cho vay xuất khẩu tăng 12,22% (dư nợ đạt 18.500 tỉ đồng); cho vay hỗ trợ DN nhỏ và vừa tăng 2,88% (đạt 36.200 tỉ đồng); cho vay nuôi trồng và thu mua, chế biến thủy sản tăng 8,49%; cho vay thu mua lúa, gạo tăng 17,53% so với tháng 12-2023... Tín dụng chính sách cũng tăng 2,97% so với cuối năm 2023. Chi nhánh tiếp tục duy trì đường dây nóng, chỉ đạo các TCTD hỗ trợ, tổ chức đối thoại, kết nối với DN nhằm hỗ trợ tốt nhất cho DN, góp phần tăng trưởng kinh tế thành phố.

Theo đó, các TCTD trên địa bàn TP Cần Thơ đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN của Thống đốc NHNN đến cuối tháng 6-2024, tổng giá trị nợ (gốc và/hoặc lãi) được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ lũy kế là 2.448,1 tỉ đồng, với 564 lượt khách hàng được cơ cấu; dư nợ (gốc và/hoặc lãi) được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ là 1.731,7 tỉ đồng cho 333 khách hàng vay; số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ không bị chuyển sang nhóm nợ xấu là 1.436,2 tỉ đồng cho 142 khách hàng. Ngoài ra, thực hiện Chương trình kết nối Ngân hàng - DN, các TCTD trên địa bàn thành phố đã cam kết cho vay với số tiền là 2.360 tỉ đồng, doanh số cho vay lũy kế từ đầu năm 2024 đến nay đạt 3.064 tỉ đồng, dư nợ cho vay là 2.216 tỉ đồng đối với 87 khách hàng DN.

Trong nửa đầu năm nay, NHNN tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành nhằm tạo điều kiện cho các TCTD tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp để góp phần hỗ trợ nền kinh tế, giảm thêm lãi suất cho vay. Trên cơ sở này, mặt bằng lãi suất cho vay đã có xu hướng giảm so với năm 2023, các TCTD còn đưa ra nhiều chương trình, gói tín dụng với lãi suất ưu đãi cho các DN xếp hạng tài chính tốt, minh bạch. Lãnh đạo NHNN cũng cho biết, các tháng cuối năm 2024, NHNN tiếp tục triển khai các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và tăng cường tháo gỡ khó khăn cho DN, người dân; chỉ đạo các TCTD tiếp tục cắt giảm thủ tục hành chính, cân đối các hoạt động để giảm thêm lãi suất, hỗ trợ nền kinh tế. Ðồng thời tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, chủ động; nâng cao chất lượng dòng vốn ra thị trường, đảm bảo đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng đã đề ra.

GIA BẢO

Chia sẻ bài viết