05/10/2022 - 07:58

Nâng cao chất lượng lúa gạo đáp ứng yêu cầu xuất khẩu 

Dù đối mặt với nhiều khó khăn nhưng xuất khẩu gạo của nước ta vẫn đạt được kết quả rất tích cực, góp phần tạo nguồn thu ngoại tệ cho đất nước và giúp nông dân tiêu thụ lúa gạo. Bên cạnh đẩy mạnh sản xuất các giống lúa thơm, đặc sản và lúa chất lượng cao để bán được giá, nước ta đã nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm để mở rộng thị trường, tăng xuất khẩu vào các thị trường khó tính.

Xuất khẩu khả quan

Chế biến lúa gạo phục vụ xuất khẩu tại một doanh nghiệp ở quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ.

Chế biến lúa gạo phục vụ xuất khẩu tại một doanh nghiệp ở quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ.

Gạo Việt Nam đã xuất khẩu đi hầu hết các khu vực trên thế giới. Nhiều loại gạo thơm và gạo chất lượng cao của nước ta như Đài Thơm 8, Jasmine 85, OM 18, OM 5451…đang được nhiều thị trường trên thế giới ưa chuộng nên sản phẩm có sức cạnh tranh khá tốt. Hiện nhiều thị trường nhập khẩu gạo chủ lực của nước ta như Philippines, Trung Quốc, Bờ Biển Ngà, Ghana… cũng đang tăng cường mua các loại gạo thơm và gạo chất lượng cao.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, qua 8 tháng năm 2022, nước ta đã xuất khẩu gạo đạt gần 4,8 triệu tấn, trị giá 2,332 tỉ USD, tăng 20,7% về số lượng và tăng 9,89% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Trong 4 tháng còn lại của năm 2022, nước ta dự kiến xuất khẩu thêm từ 1,5-1,7 triệu tấn gạo, nâng lượng gạo xuất khẩu cả năm đạt từ 6,3-6,5 triệu tấn, cao hơn từ 100.000-200.000 tấn so với năm 2021. Ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, cho biết: "Xuất khẩu gạo năm 2022 dự báo đạt và vượt kế hoạch đề ra. Năm nay, các loại gạo thơm và gạo chất lượng cao tiếp tục chiếm tỷ trọng chủ yếu trong cơ cấu xuất khẩu gạo". Theo ông Nam, năm 2021 vừa qua, nước ta đã xuất khẩu gạo đạt 6,2 triệu tấn, trong đó gạo thơm đạt được 2,5 triệu tấn, chiếm 41,2%, gạo trắng chất lượng cao đạt 2,3 triệu tấn, chiếm 37,63%, gạo nếp chiếm tỷ trọng 16,37%. Nhìn vào cơ cấu chủng loại gạo xuất khẩu cho thấy, xuất khẩu gạo nước ta chuyển dần sang gạo thơm và gạo chất lượng cao là chủ yếu, đây là thắng lợi của gạo Việt Nam".

Hiện nay, Ấn Độ hạn chế xuất khẩu đối với một số mặt hàng gạo, Thái Lan nâng ngân sách hỗ trợ cho ngành hàng lúa gạo trong nước và Philippines kiểm soát chặt chẽ hoạt động nhập khẩu gạo là những nhân tố chính đang chi phối thị trường thương mại gạo thế giới. Giá chào bán gạo và tình hình thương mại gạo thế giới nhìn chung hiện vẫn khá ổn định. Tuy nhiên, các địa phương và đơn vị, doanh nghiệp cần theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường trong và ngoài nước để có các giải pháp chủ động trong sản xuất, kinh doanh lúa gạo. Theo ông Nguyễn Ngọc Nam, sau khi Ấn Độ áp thuế xuất khẩu gạo trắng và cấm xuất khẩu tấm, họ sợ nguồn cung toàn cầu bị ảnh hưởng.

Nâng sức cạnh tranh sản phẩm

Dù tình hình thị trường lúa gạo toàn cầu đang có những sự thay đổi liên tục và khó đoán. Tuy nhiên, theo nhận định của một số chuyên gia, năm nay cung-cầu gạo trên thế giới dự báo không có biến động lớn, do vậy việc giá gạo tăng cao là khó xảy ra. Thiếu hụt lương thực trên thế giới có thể diễn ra nhưng không kéo dài bởi các quốc gia có thể xuất gạo dự trữ quốc gia. Đáng chú ý, Trung Quốc và Ấn Độ là hai quốc gia có lượng gạo dự trữ tương đương với lượng gạo hàng hóa một năm trên toàn cầu, với khoảng 50 triệu tấn gạo. Mặt khác, mùa vụ lúa của các quốc gia sản xuất lúa luôn luôn liên tục, nhất là Việt Nam hầu như lúc nào cũng có lúa xuống giống và thu hoạch. Hiện trên thế giới cũng có nhiều nước sản xuất lúa gạo xuất khẩu như Thái Lan, Campuchia, Bangladesh…Ngoài ra, diễn biến của giá gạo xuất khẩu trên thế giới còn tùy tình hình nhập khẩu của các nước và việc các quốc gia thay đổi chính sách nhập khẩu để hạn chế tối đa việc giá tăng cao.

Theo ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), đối với bà con nông dân, vấn đề chờ đợi giá lúa gạo tăng cao là điều rất khó, muốn tăng thu nhập cho mình thì việc giảm chi phí sản xuất là rất quan trọng. Hiện nay, chìa khóa để giảm chi phí sản xuất lúa gạo là giảm lượng giống gieo sạ xuống còn 80kg/ha là cần thiết, giảm giống sẽ tạo tiền đề giảm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và nhiều chi phí khác. Qua đó, giá thành sản xuất giảm, giúp lợi nhuận của nông dân tăng lên. Một ý nghĩa lớn hơn là chúng ta đang phải cạnh tranh xuất khẩu gạo với nhiều quốc gia, nếu giá thành sản xuất của chúng ta thấp, doanh nghiệp có những thuận lợi để mua lúa gạo xuất khẩu, tạo thuận lợi đẩy mạnh xuất khẩu. Việc giảm sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật sẽ làm cho mức độ an toàn thực phẩm được nâng lên, thuận lợi cho việc đáp ứng các tiêu chí về chất lượng sản phẩm của các thị trường khó tính và góp phần xây dựng thương hiệu, hình ảnh gạo Việt Nam an toàn, thân thiện và tốt hơn trên thị trường quốc tế.

Nắm bắt thông tin và các tín hiệu từ thị trường để điều chỉnh sản xuất cho phù hợp, các bộ ngành Trung ương và địa phương vùng ĐBSCL cũng đang tiếp tục hỗ trợ, hướng dẫn nông dân thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng để ổn định và mở rộng được thị trường tiêu thụ. Ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, cho biết: "Ngành Nông nghiệp thành phố tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, tập trung sản xuất các loại lúa thơm, đặc sản và sản xuất đảm bảo chất lượng để có đủ điều kiệt xuất khẩu vào các thị trường tiềm năng và khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản… Đó cũng là điều kiện để thúc đẩy nâng cao giá trị sản xuất trong ngành hàng lúa gạo". Theo ông Nghiêm, lúa vụ thu đông 2022 trên địa bàn thành phố đang được tập trung thu hoạch, đến cuối tháng 9-2022 thu hoạch hơn 50.000ha/66.839ha, với cơ cấu giống tập trung chủ yếu ở các giống lúa chất lượng cao. Các diện tích lúa đã thu hoạch đạt năng suất bình quân khoảng 5,9-6,1 tấn/ha. Nông dân bán lúa giá 5.300-5.500 đồng/kg. Hiện nay, dù một số nước có điều tiết hạn chế xuất khẩu nhưng giá lúa trên đồng ruộng chưa có biểu hiện tăng giá mạnh. Song, chúng tôi nhận thấy, đây cũng là cơ hội để có thể tăng xuất khẩu lúa gạo.

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Chia sẻ bài viết