05/09/2016 - 21:47

Nâng cao chất lượng giáo dục, chăm sóc trẻ

Thời gian qua, công tác giáo dục chăm sóc trẻ được ngành giáo dục TP Cần Thơ chú trọng. Qua đó giúp những chủ nhân tương lai của đất nước phát triển toàn diện về trí tuệ lẫn thể chất và nhân cách…

Giờ ăn của các bé Trường Mẫu giáo Tân Hưng, quận Thốt Nốt vui vẻ, giúp trẻ ngon miệng, ăn nhanh. Trước khi ăn, cô giáo giới thiệu món ăn kích thích vị giác, trẻ luôn được động viên khích lệ ăn hết suất bằng những lời khen, tràng pháo tay tán thưởng. Ngoài việc tạo sinh khí hào hứng, các cô thường xuyên nâng cao chất lượng bữa ăn, đảm bảo đủ dinh dưỡng cho trẻ, cân đối thời gian nấu và chế biến đủ độ nóng của thức ăn. Nhà trường ký hợp đồng cung cấp rau an toàn và các thực phẩm rõ nguồn gốc để đảm bảo bữa ăn an toàn cho các bé. Bếp ăn bán trú được trường trang bị theo quy tắc một chiều, tránh chồng chéo trong các khâu nấu nướng hoặc va chạm giữa các thực phẩm sống, chín, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Cô Lê Thị Kiều Mỵ, Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Tân Hưng, cho biết: "Việc xây dựng chế độ ăn hợp lý, khoa học, đảm bảo chế độ dinh dưỡng, khẩu phần ăn, nhờ đó tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng giảm so với đầu năm học".

 Các bé Trường Mầm non Thị trấn Thới Lai trong giờ hoạt động ngoài trời.

Trường Mầm non Thạnh Lộc 2, huyện Vĩnh Thạnh, chú trọng bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng đồng thời thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe cho trẻ. Trường phối hợp với trạm y tế xã khám sức khỏe cho trẻ; hướng dẫn, tư vấn cho phụ huynh và nhà trường chăm sóc trẻ tốt hơn. Ban Giám hiệu phân công nhân viên y tế xuống nhóm lớp kiểm tra, đảm bảo vệ sinh môi trường, cá nhân cho trẻ. Trường thường xuyên triển khai phòng, chống dịch bệnh, giúp trẻ có sức khỏe để phát triển tốt.

Với cơ sở vật chất được đầu tư xây dựng mở rộng, Trường Mầm non Thới Thạnh, huyện Thới Lai, đáp ứng các điều kiện nuôi dưỡng chăm sóc giáo dục trẻ. Trường có sân chơi rộng rãi, khu phát triển vận động với đầy đủ thiết bị đồ chơi, nhà bếp có kho thực phẩm, có vườn cây dành riêng cho bé chăm sóc bảo vệ, tạo cơ hội cho trẻ khám phá học tập… Những năm qua, trường huy động mọi nguồn lực, vận động tuyên truyền phụ huynh tổ chức cho 100% trẻ được ăn bán trú và học 2 buổi/ngày. Cô giáo đẩy mạnh truyền thông với phụ huynh về tăng cường dinh dưỡng tại gia đình thông qua tranh, ảnh, nội dung buổi họp của lớp hay qua trao đổi trực tiếp với phụ huynh trong giờ đón, trả trẻ. Trẻ suy dinh dưỡng, béo phì đều được theo dõi, có biện pháp tăng cường chế độ dinh dưỡng hợp lý. Đối với trẻ béo phì, các cô luôn cân đối khẩu phần dinh dưỡng hợp lý, tăng cường cho trẻ vận động. Ban giám hiệu có kế hoạch phòng, chống suy dinh dưỡng cụ thể cho từng loại (cân nặng, thấp còi); triển khai, giao nhiệm vụ xuống từng nhóm lớp có trẻ suy dinh dưỡng để theo dõi và khắc phục. Nhà trường thay đổi thực đơn giúp trẻ ăn ngon miệng, đảm bảo đủ chất dinh dưỡng hợp lý, hạn chế tốc độ tăng cân và theo dõi sức khỏe trẻ béo phì. Với nỗ lực tận tâm chăm sóc, nuôi dưỡng, trường nâng cao tỷ lệ trẻ chuyên cần; 96,7% trẻ phát triển bình thường về cân nặng và 97,1% về chiều cao.

Việc đảm bảo an toàn cho trẻ mầm non là một nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, quyết định chất lượng chăm sóc trẻ. Ngành giáo dục thành phố luôn đổi mới hoạt động chăm sóc, giáo dục; nâng cao chất lượng thực hiện chương trình giáo dục mầm non. Các cơ sở giáo dục mầm non củng cố nâng cao chất lượng giáo dục vệ sinh, chăm sóc sức khỏe và đảm bảo an toàn cho trẻ, đổi mới phương pháp tổ chức hoạt động, nâng chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ. Các trường tổ chức môi trường giáo dục thân thiện, gần gũi, tạo cơ hội cho trẻ chủ động tham gia các hoạt động vui chơi, khám phá, trải nghiệm theo phương pháp "chơi mà học, học mà chơi" phù hợp với độ tuổi.

Năm học qua, Sở Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với ngành y tế trong công tác chăm sóc sức khỏe, phòng chống dịch bệnh, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Đến nay không để xảy ra ngộ độc thực phẩm trong cơ sở giáo dục mầm non. 100% trẻ em trong cơ sở giáo dục mầm non được khám sức khỏe định kỳ và theo dõi sự phát triển bằng biểu đồ tăng trưởng về cân nặng và chiều cao. Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục tổ chức bữa ăn bán trú cho trẻ tại trường, lớp mầm non với nhiều hình thức sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tế địa phương. Các trường mầm non đã thực hiện việc xây dựng khẩu phần ăn cho trẻ bằng phần mềm dinh dưỡng, đảm bảo chế độ ăn cân đối, đa dạng, hợp lý và phù hợp với độ tuổi của trẻ. Năm học 2015-2016, toàn thành phố có 155/169 trường mầm non, mẫu giáo tổ chức ăn bán trú (tăng 6 trường so với cùng kỳ); 100% trẻ mẫu giáo và nhà trẻ được tổ chức khám sức khỏe định kỳ, cân đo và theo dõi sức khỏe của trẻ bằng biểu đồ tăng trưởng về cân nặng và chiều cao.

Bà Thiệu Thị Kim Chi, Trưởng phòng Giáo dục mầm non, Sở Giáo dục và Đào tạo TP Cần Thơ, nói: Nhờ thực hiện các giải pháp đồng bộ, chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ nâng lên rõ rệt. Thời gian tới, ngành giáo dục tập trung quản lý chất lượng chăm sóc, giáo dục trong các cơ sở giáo dục mầm non; nâng cao chất lượng tổ chức bữa ăn bán trú cho trẻ; đổi mới hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ theo quan điểm "lấy trẻ làm trung tâm"…

Bài, ảnh: M.HOÀNG

Chia sẻ bài viết