17/01/2008 - 10:26

Năm Hồ - “Sát thủ cá ngát”

Cá ngát là loại cá quý, có hình dáng giống cá trê nhưng lớn hơn. Hai bên hông và trên lưng chúng có gai sắc nhọn, khi bị chúng đâm sẽ nhức nhối vô cùng. Người ta thường câu cá ngát, tuy nhiên, săn bắt bằng tay mới đạt kết quả cao. Ở vùng sông nước này, ngoài ông Hạnh ở Phụng Hiệp (Hậu Giang) nổi tiếng “sát thủ cá ngát”, còn có ông Năm Hồ cũng là một cao thủ trong nghề.

Ông Năm Hồ tên thật là Hồ Văn Năm, sinh sống tại ấp Thanh Sơn 1, xã Thanh Tân, huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre. Dù ở xứ dừa nhưng đất nhà ông Năm Hồ lại trồng các loại cây ăn trái khác: vú sữa Lò Rèn, lê-ki-ma, nhãn, ổi, mận... Tôi đến nhà ông trong tâm trạng hồi hộp, không biết ông có nhà hay đã theo “tiếng gọi giang hồ” đi săn bắt cá ngát. May quá, ông xuất hiện sau mấy tiếng kêu của tôi. Đó là một người cao to, đầu hói, tóc trắng như cước. Ông Năm cho biết: “Tui đã nghỉ làm từ 4-5 tháng nay, do mấy đứa con khuyên dưỡng già. 70 tuổi rồi, dù vẫn còn có thể “thò tay” bắt cá ngát như chơi. Lý do nữa là cái nghề “dọc ngang sông nước” này của tui bây giờ đã có đứa con kế nghiệp”.

Ông Năm Hồ bắt đầu hành nghề bắt cá ngát từ năm 30 tuổi. Trước năm 1968, ông làm ruộng kèm việc chài lưới để có thêm tiền chi tiêu trong gia đình. Từ cái nghề phụ này, ông nghiệm ra rằng dù có bắt được con cá sông gì cũng không “ngon ăn” bằng con cá ngát. Tự thân tích lũy kinh nghiệm, cộng thêm những hiểu biết về môi trường và tập tính của con cá ngát, ông bắt tay vào việc săn loại cá này.

Ông Hồ Văn Năm với “cây vợt thần” trong sân nhà. 

Vẫn không quên chuyện cũ, ông hồi tưởng, lúc bấy giờ một mình ông, có khi cùng mấy đứa con, rong ruổi các sông rạch miệt hạ lưu sông Cửu Long. Ở đâu cũng có dấu dầm của ghe ông. Dừng ghe, ông “thả bộ” dài theo mé bờ, vừa đi vừa dò dẫm hang cá. Vùng sông nhỏ, cá “đóng” cạn nước tới đầu gối là cùng, chỉ cần khom lưng bắt. Miệng hang cá ngát bự lắm, thò tay rờ là biết ngay. Trúng nhằm hang rồi, trước kia, ông dùng miệng chài trùm lại rồi thụt bắt cá. Bản năng tự vệ khiến cá ngát ngoài miệng hang chính, còn có 3 - 4 ngách. Những ngách này giúp chúng thoát hiểm. Thụt bắt cá là dùng chân bịt mấy ngách phụ, ngách duy nhất còn lại dùng chân đạp hoặc lấy cây thụt cho hơi nhồi vào hang, cá không ở yên phải trồi ra miệng hang, bị bắt. Bắt cá ngát kiểu này “năm ăn năm thua”, vì không đúng “kỹ thuật”.

Ông Năm mỉm cười thú vị, nhắc: “Một lần, tui xuống Tiệm Tôm (Giồng Trôm, Bến Tre) thăm người bạn đóng đáy sông là Đỗ Văn Hưng. Trong câu chuyện “trên trời dưới đất”, tự nhiên tui than thở về việc bắt cá ngát “con được con không” của mình. Bạn tui nghe xong, cười khà khà buông hai tiếng “dễ ợt” rồi nhanh chưn lấy lưới dạt đươn cho tui 3-4 cây vợt trùm hang bắt cá ngát. Vợt “hay như thần”. Đã thiệt!”. Vợt bắt cá ngát có đường kính chừng 5 tấc, mành lưới dài 1,2 thước. Cũng giống như hang cá khác, cá ngát hang bự có cá bự, hang nhỏ là cá nhỏ ở. Vợt “thần” này bắt được hết các cỡ cá ngát. Vòng tròn sắt miệng vợt có một đoạn sắt dài chừng 5 tấc và một sợi dây dụi. Cặm đoạn cây sắt này xuống đất, úp miệng vợt sát miệng hang, cầm dây dụi, thụt ngách cá. Cá vô vợt, sợi dây dụi bị động, báo cho biết cá đã vào vợt, tóm gọn, không sót con nào. Khấm khá, ông sắm chiếc ghe 1,5 tấn, gắn máy dầu D 9 đi làm ăn.

Làm ăn càng lên, ông càng cần có người tiếp là mấy đứa con trai. Nhưng trong số 8 người con trai (ông có 3 con gái) chỉ duy nhất có anh Hồ Văn Thành (trên 40 tuổi) là tay “sát cá”. Cha con ông đi khắp mọi nơi, từ Bến Tre qua Cầu Quan (Tiểu Cần, Trà Vinh), Tân Dinh (Cầu Kè, Trà Vinh); tới Cần Thơ; xuống Đại Ngãi, Long Phú (Sóc Trăng); đặc biệt Vịnh Cậu (Cái Bè, Tiền Giang) là nơi có nhiều cá ngát nhất. Riêng vùng thượng lưu sông Cửu Long chưa bao giờ cha con ông tới. Khi bắt cá ở vùng gần biển, nước sâu, phải lặn. Ông lặn một hơi 40 giây, nhằm hang “nghiệt”, cố gắng kéo dài tới cả phút. Lặn nước sâu 4 sải (6m) là thường. Để bắt nhiều cá, ông lặn liên tiếp khoảng 4 tiếng đồng hồ. Lặn theo con nước. Nước lớn ông không dám lặn, sợ gặp nguy hiểm. Mỗi chuyến đi của cha con ông dài cả tháng trời.

Rồi ông Năm hào hứng khi “nói chuyện đời xưa”: Với chiếc ghe, hai cha con ông đi khắp nơi. Cá ngát bắt được, khi “thịnh” được tới 30kg - 40kg một ngày, cá bự có con nặng tới 15kg, cha con ông phải đem về thành thị lớn, nhất là Cần Thơ để bán. Cá nhiều, cha con ông gánh từ ghe lên bờ ra xe (để bán nơi xa cho kịp cá còn tươi), thiên hạ thấy cá bự và nhiều, kéo nhau coi rần rần.

Ông Năm Hồ kể: “Thịt cá ngát ngon thấu trời. Ngon nhất là cái mỏ của nó, béo mà không ngậy. Ngon “nhì” là trứng. Cá ngát nấu lẩu, đùm trứng bự tổ chảng, vàng hươm, rất đẹp mắt, gợi thèm. Còn được làm chả thì trứng cá ngát ngon vô địch. Nghiền cho trứng bể bằng muỗng. Cứ 1 chén trứng thì trộn 3 chén nước cùng gia vị rồi đem chưng hoặc chiên. Đặc biệt, nếu được “bổ sung” nấm mèo, nấm đông cô, tàu hủ ki, bún tàu, thịt nạt băm... thì món trứng cá ngát chiên sẽ là món tuyệt cú mèo”.

Bên cạnh kỷ niệm vui cũng có kỷ niệm buồn: bắt cá ngát mấy ai không bị cá đâm. Cá ngát đâm đâu chỉ đau thấu trời, thậm chí có khi có người còn có nguy cơ tử vong. Riêng ông chỉ bị đau nhức sương sương rồi thôi. Bù lại cuộc sống “gạo chợ nước sông” rất vui, được đi đây đi đó. Đệ tử của ông là Tám Hòa, theo ông hồi anh ta mới 15-16 tuổi. “Riêng đứa con trai thứ tư tên Thành mới là “đệ tử chân truyền”. Vợ Thành cũng đam mê nghề, đi theo”- ông hãnh diện nói.

Bây giờ ở nhà loanh quanh với miếng vườn rộng 4 công, chủ yếu trồng vú sữa Lò Rèn, chiết nhánh bán, mỗi năm thu hoạch trên 20 triệu đồng, cộng với “tiền cà phê” mấy đứa con cho, ông sống khỏe thân già. Nhưng “lão ngư” Năm Hồ vẫn nhớ đến nghề mưu sinh năm xưa.

Bài, ảnh: PHƯƠNG KIỀU

Chia sẻ bài viết