(CT)- Trong 2 ngày (25 và 26-12), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chủ trì Hội nghị trực tuyến với các tỉnh, thành cả nước triển khai Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2013.
 |
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì Hội nghị.
Ảnh: ĐỨC TÁM (TTXVN) |
Thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP (ngày 3-1-2012) của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kinh tế- xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2012; Nghị quyết 13/NQ-CP (ngày 10-5-2012) về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường và thúc đẩy đầu tư phát triển, lạm phát được kiềm chế đúng hướng, bảo đảm ổn định thị trường trong nước, ổn định kinh tế vĩ mô. Năm 2012, tốc độ tăng trưởng GDP cả nước ước đạt 5,03% (kế hoạch đề ra là 6-6,5%); trong đó, công nghiệp và xây dựng tăng khoảng 4,52%, nông-lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,72%, dịch vụ tăng 6,42%. CPI năm 2012 được kiềm chế ở mức 6,81%, thấp hơn dự tính ban đầu là 8%. Chính sách tiền tệ được điều hành chặt chẽ và linh hoạt, kết hợp hài hòa với chính sách tài khóa, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Tính đến 20-12, tổng huy động vốn ước tăng 20,29%; dư nợ tính dụng đối với nền kinh tế ước tăng 6,45% so với cuối năm 2011
Thực hiện quản lý chặt chẽ đầu tư công và tăng hiệu quả sử dụng vốn ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu chính phủ theo Chỉ thị 1792 của Thủ tướng Chính phủ, các cấp, ngành, địa phương đã khẩn trương, nghiêm túc rà soát dự án. Kế hoạch năm 2013 có tới 96,5% vốn ngân sách Trung ương phân bổ cho bộ, ngành, địa phương đảm bảo thực hiện theo Chỉ thị 1792. Về xuất- nhập khẩu, năm 2012 cả nước xuất siêu 248 triệu USD (xuất khẩu 114,6 tỉ USD; nhập khẩu 114,35 tỉ USD); tuy nhiên, thực tế xuất siêu nhưng khu vực trong nước gần như không tăng, chủ yếu tăng từ doanh nghiệp FDI; nhập khẩu giảm do sản xuất trong nước giảm. Hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, tính đến 20-12, cả nước khoảng 51.800 doanh nghiệp gặp khó khăn phải giải thể, tạm ngừng hoạt động.
Theo dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về thực hiện chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế- xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2013, với các chỉ tiêu chủ yếu: GDP tăng khoảng 5,5%; kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10%; tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu khoảng 8%; bội chi ngân sách nhà nước không quá 4,8% GDP; CPI thấp hơn năm 2012; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 30% GDP; tỷ lệ hộ nghèo giảm 2%, riêng các huyện nghèo giảm 4%. Tạo việc làm cho khoảng 1,6 triệu lao động; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 49%; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng giảm xuống dưới 16%; số giường bệnh trên một vạn dân (không tính giường trạm y tế xã) đạt 22 giường; tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý đạt 84%; tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 75%; tỷ lệ che phủ rừng đạt 40,7%. Để thực hiện có kết quả các Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2013, Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan Trung ương, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện 9 nhóm giải pháp quan trọng. Trong đó, xác định ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát là mục tiêu hàng đầu. Nhóm giải pháp thứ 2 là tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh được ưu tiên thực hiện với những lộ trình cụ thể (tập trung gỡ vốn cho doanh nghiệp, giải quyết hàng tồn kho, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi
). Để điều hành chỉ đạo thực hiện các chỉ tiêu kinh tế- xã hội năm 2013 đạt hiệu quả, Chính phủ đã có kiểm điểm nhiệm vụ trong việc chỉ đạo, điều hành năm 2012 và thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế trong điều hành, do từng lúc công tác dự báo thiếu chính xác, nên chỉ đạo giải quyết những bất cập thiếu kịp thời
Tại Hội nghị trực tuyến, các địa phương cả nước đã thông tin những kết quả đạt được trong năm 2012, đồng thời đề xuất Chính phủ cho phép ứng vốn năm 2013-2015 để bố trí công trình xây dựng trọng điểm, xin cơ chế đặc thù huy động vốn FDI, vay vốn ODA
Hỗ trợ các địa phương xúc tiến thương mại, tiêu thụ hàng hóa; xuất nhập khẩu, chính sách tiêu thụ nông sản hàng hóa hỗ trợ nông dân. Các địa phương Đồng bằng sông Cửu Long đề xuất Chính phủ chỉ đạo thu mua tạm trữ lúa gạo ngay trong vụ đông xuân 2012-2013 để tiêu thụ hết lúa gạo trong dân, ổn định giá lúa gạo, góp phần giữ vững an ninh lương thực quốc gia. Kiến nghị các bộ, ngành Trung ương xem xét trình Chính phủ bố trí vốn chương trình mục tiêu cho xây dựng hạ tầng cơ sở, phục vụ phát triển kinh tế- xã hội các địa phương. Về vấn đề tạm trữ lúa gạo, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ đạo lãnh đạo Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ phối hợp cùng các địa phương rà soát và đề xuất lên Chính phủ để thực hiện ngay việc tạm trữ.
Tham gia Hội nghị trực tuyến, thay mặt đoàn lãnh đạo TP Cần Thơ, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thanh Sơn đã đề xuất các bộ ngành Trung ương xem xét trình Chính phủ cho ứng vốn để thực hiện các công trình, dự án theo Quyết định 366 của Thủ tướng (tiếp tục thực hiện Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị về xây dựng TP Cần Thơ). Đồng thời, Bộ Kế hoạch- Đầu tư, Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao hỗ trợ thành phố xúc tiến các thủ tục cho gói dự án hỗ trợ kỹ thuật trình Chính phủ phê duyệt để tiến hành ký kết với Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) tài trợ dự án "Đầu tư trang thiết bị Bệnh viên Đa khoa TP Cần Thơ"; thủ tục ký kết hiệp định vay tài trợ dự án "Bệnh viện ung bướu"
Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết: về nguồn vốn ngân sách giai đoạn 2013-2015, bộ sẽ xem xét cho Cần Thơ, AFD đã viện trợ không hoàn lại 60.000 euro cho gói "Đầu tư trang thiết bị Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ", nguồn vốn này sẽ đưa về Cần Thơ sớm
Hôm nay (26-12) Hội nghị trực tuyến tiếp tục diễn ra để lắng nghe ý kiến, kiến nghị của các địa phương và giải đáp của các bộ, ngành về chính sách.
GIA BẢO