02/04/2015 - 14:13

Mỹ báo động nguy cơ khủng bố

Heritage Foundation (HF) - viện nghiên cứu chính sách có trụ sở tại Washington vừa công bố bản báo cáo mới cho biết kể từ sau sự kiện ngày 11-9-2001, những phần tử Hồi giáo cực đoan vẫn cố gắng thực hiện âm mưu khủng bố ngay trên đất Mỹ với 64 trường hợp bị phá vỡ.

Hôm 25-3, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) cho biết đã tiến hành bắt giữ binh sĩ thuộc lực lượng Vệ binh Quốc gia của bang Illinois Hasan Edmonds, 22 tuổi, do người này có ý định tham gia lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS). Hasan bị tóm gọn tại sân bay quốc tế Chicago Midway International khi đang tìm cách trốn sang Trung Đông. Cùng ngày, anh họ của y là Jonas Edmonds, 29 tuổi, cũng bị bắt với cáo buộc tìm cách sử dụng quân phục và vũ khí để tấn công căn cứ quân sự nơi đơn vị Hasan đóng quân.

Hasan Edmonds (trái) và Jonas Edmonds bị bắt khi âm mưu gia nhập IS và tấn công khủng bố. Ảnh: Reuters

Đây là âm mưu mới nhất bị phá vỡ. Mặc dù các vụ trước đó cũng thất bại tương tự, nhưng giới phân tích sau khi theo dõi từng trường hợp cho biết hoạt động khủng bố trên đất Mỹ vẫn thường trực, thậm chí những nỗ lực này sẽ không ngừng gia tăng với tỷ lệ thành công cao hơn. Đồng ý với quan điểm này, chuyên gia an ninh thuộc Viện Nghiên cứu Clarion Project, Ryan Mauro thừa nhận âm mưu và số người Mỹ bị phát hiện tìm cách tham gia các nhóm khủng bố Hồi giáo đã tăng đáng kể trong những năm gần đây, đặc biệt với sự xuất hiện của IS.

Theo lập luận của tác giả báo cáo David Inserra, nguyên nhân là chừng nào các nhóm khủng bố còn tiếp tục kiểm soát lãnh thổ và thực hiện những vụ tấn công gây chú ý, thì họ vẫn tiếp tục truyền cảm hứng cho các phần tử cực đoan khác trên toàn thế giới. Do đó, hoạt động chống chủ nghĩa cực đoan ở nước ngoài phải được giải quyết cùng lúc với những thách thức khủng bố nội địa. Cụ thể theo cảnh báo của HF, không chỉ tại Iraq và Syrie, ảnh hưởng của IS cũng cần phải được xử lý ngay tại Mỹ và những quốc gia khác. "Chỉ đến khi Washington có thể ngăn chặn hiệu quả và tiêu diệt IS, bằng không Mỹ sẽ vẫn là mục tiêu của những kẻ khủng bố lấy cảm hứng từ hệ tư tưởng cực đoan của lực lượng này" - Inserra và đồng tác giả Peter Brookes cho hay.

Quan điểm của HF cho rằng, các chương trình giám sát hợp pháp của chính phủ và chiến lược chống khủng bố toàn diện là những yếu tố quan trọng đối với an ninh quốc gia trong và ngoài nước. Đặc biệt, Inserra và Brookes cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng lòng tin trong cộng đồng địa phương. Bởi theo hai tác giả, "trừ khi thay đổi được nhận thức về hành vi tàn bạo của các nhóm khủng bố vốn được xem là động lực mạnh mẽ cho tính cực đoan cùng bạo lực, bằng không các nhóm như IS hay al Qaeda sẽ tiếp tục thu hút các tín đồ trong và ngoài nước".

MAI QUYÊN (Theo Fox News)

Chia sẻ bài viết