05/11/2012 - 20:44

THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH ĐẶC THÙ TRONG TUYỂN SINH ĐẠI HỌC, CAO ĐẲNG

Mừng hay lo?!

Thí sinh dự thi kỳ thi tuyển sinh ĐH năm 2012 tại cụm thi Cần Thơ. Ảnh: B.NG

Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho phép hạ điểm xét tuyển Đại học (ĐH), Cao đẳng (CĐ) đối với những thí sinh ở 3 khu vực Tây Bắc , Tây Nguyên và Tây Nam Bộ, một số trường CĐ, ĐH ở ĐBSCL tiếp tục thông báo tuyển sinh với số lượng chỉ tiêu khá lớn. Tuy nhiên, nhiều ý kiến quan ngại về những xáo trộn do quy định này mang lại khi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2012 đang vào hồi kết. Đồng thời, vấn đề chất lượng đào tạo cũng được đặt ra.

* Nơi thực hiện, nơi không

Sau khi Bộ GD&ĐT ban hành Công văn số 6977, nhiều trường ĐH, CĐ vùng Tây Nam bộ đã rục rịch tuyển sinh bổ sung hàng trăm, thậm chí cả ngàn chỉ tiêu. Đơn cử như, Trường ĐH Tây Đô (TP Cần Thơ) thông báo xét tuyển bổ sung 2.200 sinh viên cho các ngành ĐH và 1.200 sinh viên cho các ngành CĐ, với điểm xét tuyển dưới điểm sàn 1 điểm. Như vậy, mức điểm mà trường nhận hồ sơ xét tuyển bổ sung từ 12-13,5 điểm, tùy ngành bậc ĐH; từ 9-10 điểm, tùy ngành xét tuyển bậc CĐ. Đối với thí sinh dự tuyển dưới điểm sàn, khi nhập học phải học bổ sung kiến thức các môn học theo từng khối thi với thời lượng 300 tiết. Hội đồng tuyển sinh của trường cũng ưu tiên xét tuyển cho vào học ĐH đối với các học sinh đã tốt nghiệp THPT thuộc các đối tượng: Học sinh là người dân tộc thiểu số, học sinh có hộ khẩu thường trú từ 3 năm trở lên (tính đến ngày nộp hồ sơ xét tuyển) tại các huyện, thị xã của tỉnh: Long An, Đồng Tháp, An Giang... Khi nhập học, các học sinh theo diện nêu trên phải học bổ sung kiến thức với thời lượng 600 tiết tương đương với 2 học kỳ.

Tương tự trên website của các trường ĐH khác cũng đăng thông tin tuyển sinh bổ sung. Trường ĐH Cửu Long xét tuyển nguyện vọng (NV) bổ sung 1.500 chỉ tiêu; ĐH Trà Vinh tuyển 280 chỉ tiêu NV bổ sung; Trường ĐH Tiền Giang tuyển bổ sung trên 1.500 sinh viên cho 6 ngành ĐH và 16 ngành CĐ (riêng các ngành sư phạm không tuyển bổ sung)... Một số trường CĐ cũng tuyển sinh bổ sung. Trường CĐ Cơ điện và Nông nghiệp Nam bộ (TP Cần Thơ) cũng áp dụng quy định này và hạ điểm chuẩn xét tuyển bổ sung.

Song, một số trường vẫn chưa hoặc không áp dụng quy định này, như: ĐH Cần Thơ, ĐH Võ Trường Toản (Hậu Giang), CĐ Cần Thơ, CĐ Kinh tế- Kỹ thuật Cần Thơ... Theo một cán bộ trường ĐH ngoài công lập ở tỉnh Hậu Giang, trường sẽ áp dụng qui định này cho kỳ tuyển sinh năm 2013, bởi hiện nay trường đã kết thúc tuyển sinh, các tân sinh viên đã bắt đầu nhập học. Còn ông Huỳnh Ngọc Chinh, Trưởng phòng Đào tạo Trường CĐ Kinh tế- Kỹ thuật Cần Thơ, cho rằng: "Trường đã kết thúc việc xét tuyển năm 2012 và các tân sinh viên đã nhập trường. Vả lại, trường đã tuyển đủ chỉ tiêu nên thấy rằng không cần thiết áp dụng qui định này".

* Vẫn lo nguồn tuyển…

Mục đích của Bộ GD&ĐT khi ban hành văn bản đặc thù trong tuyển sinh ĐH, CĐ là giúp các trường đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế- xã hội ở địa phương trong điều kiện còn khó khăn nhưng thực tế còn là để "cứu" các trường thiếu nguồn tuyển, nhất là trường ngoài công lập. Tuy nhiên, theo lãnh đạo các trường ĐH, CĐ, văn bản ban hành khá trễ nên việc thực hiện khó mang lại hiệu quả, bởi các trường đã gần kết thúc công tác tuyển sinh và các thí sinh đã có "bến đậu".

Mặt khác, nhiều thí sinh vẫn "chuộng" ĐH nên sẽ có trường hợp xin rút hồ sơ xét tuyển ở trường CĐ. Ông Huỳnh Ngọc Chinh, Trưởng phòng Đào tạo Trường CĐ Kinh tế- Kỹ thuật Cần Thơ, phân tích: "Nếu áp dụng qui định mới này thì thí sinh sẽ được hưởng thêm điểm ưu tiên 1 điểm, thậm chí cao hơn. Giả sử thí sinh ở khu vực 1, đối tượng người Hoa sẽ được cộng thêm 6 điểm. Như vậy, thí sinh chỉ cần đạt điểm 5 điểm/ 3 môn là đủ điểm xét tuyển bậc CĐ". Theo Trường CĐ Kinh tế- Kỹ thuật Cần Thơ, đã có trường hợp thí sinh xin rút hồ sơ để nộp xét tuyển vào một trường ĐH khác, nhưng số lượng rất ít. Có trường hợp thí sinh liên hệ với trường xin lại phiếu báo điểm thi năm 2012 (mặc dù điểm thi dưới sàn CĐ) để nộp xét tuyển vào Trường ĐH khác. Theo ông Nguyễn Thành Long, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ, trong phiếu báo trúng tuyển, trường có ghi rõ, sau ngày 25-10-2012, thí sinh rút hồ sơ sẽ không hoàn trả tiền học phí. Quy định là vậy nhưng tùy vào từng trường hợp, trường tạo điều kiện để các thí sinh rút hồ sơ.

Theo Công văn số 6977/BGDĐT-GDĐH ngày 19-10-2012 của Bộ GD&ĐT về Chính sách đặc thù trong tuyển sinh ĐH, CĐ cho các tỉnh, thành phố thuộc khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ, các trường ĐH, trường CĐ có trụ sở chính đặt tại các tỉnh, thành phố trong 3 khu vực trên được xét tuyển bổ sung đối với các thí sinh có hộ khẩu thường trú từ 3 năm trở lên tại các tỉnh, thành phố thuộc khu vực và có kết quả điểm thi ĐH (hoặc CĐ) hệ chính quy năm 2012 (đã cộng điểm ưu tiên đối tượng và khu vực) dưới điểm sàn đại học (hoặc cao đẳng) không quá 1 điểm. Các thí sinh được xét tuyển thuộc diện này phải học bổ sung kiến thức 1 học kỳ. Chương trình, nội dung và cách thức tổ chức học bổ sung kiến thức cho sinh viên thuộc diện này do Hiệu trưởng trường đại học, cao đẳng quyết định...

Ghi nhận tại Trường CĐ Cần Thơ, chưa có trường hợp thí sinh nào xin rút hồ sơ để chuyển sang trường khác, sau khi có văn bản của Bộ GD&ĐT. Tuy nhiên, trường sẽ rất khó giải quyết các trường hợp xin rút hồ sơ đối với thí sinh đã trúng tuyển và đang nhập học chính thức tại trường. Riêng trường hợp thí sinh đã trúng tuyển nhưng không nhập học, trường xem xét việc xin rút phiếu điểm để nộp vào trường khác. Đồng tình quan điểm này, ông Huỳnh Ngọc Chinh cho rằng: Công văn 6977 của Bộ GD&ĐT là "phao" cứu sinh đối với các trường thiếu hụt nguồn tuyển nhưng sẽ gây xáo trộn đối với các trường đã ổn định nguồn tuyển sinh, nếu như thí sinh xin rút hồ sơ. Qui định của Bộ GD&ĐT là các trường có thể kết thúc tuyển sinh vào ngày 30-11 nhưng thực tế đến nay, hầu như các trường đã "chốt" lại việc xét tuyển. Hiện, trường chưa bị ảnh hưởng bởi quy định mới này nhưng thời gian tới có thể sẽ bị ảnh hưởng. Trong khi đó nguồn tuyển ở TP Cần Thơ không tăng, việc tăng số lượng thí sinh vào trường này, đồng nghĩa với các trường khác sẽ "vơi" bớt nguồn tuyển sinh. Ông Chinh đề xuất: "Văn bản này nên ban hành sớm để các trường, thí sinh chủ động hơn trong tuyển sinh. Hoặc dời thời gian áp dụng văn bản này đến năm 2013. Có như thế, việc tuyển sinh ở các trường sẽ thuận lợi, đạt hiệu quả hơn".

Chính sách đặc thù trong tuyển sinh ĐH, CĐ áp dụng cho khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam bộ, năm nay có thể đem lại lợi thế rất lớn, giúp các trường thuộc khu vực được ưu tiên nâng tổng lượng thí sinh đầu vào, thậm chí có nơi sẽ đạt được "con số đẹp" về chỉ tiêu tuyển sinh. Thế nhưng, liệu đây có phải là giải pháp căn cơ cho các trường vốn tuyển sinh khó khăn. Đó là chưa kể những lo ngại về chất lượng một khi các trường cứ tiếp tục "hạ chuẩn" để xét tuyển.

Bích Kiên

Chia sẻ bài viết