11/02/2024 - 11:16

Mùa xuân mới nơi “mũi thuyền” Tổ quốc 

Những ngày giáp Tết, từ thủ phủ Miền Tây, chúng tôi vượt hàng trăm cây số về thăm Vườn Quốc gia (VQG) Mũi Cà Mau. Câu chuyện làm du lịch từ rừng và xây dựng quê hương cùng những người con “xứ Mũi” như chiếm trọn chuyến hành trình…

Trân quý cây rừng

Tiếp chúng tôi, câu chuyện về rừng được lão nông Nguyễn Minh Đua (chủ điểm du lịch cộng đồng Hải Nam, ấp Cồn Mũi, xã Ðất Mũi, huyện Ngọc Hiển) nói ngắn gọn: “Sau bao năm sống bám với rừng chưa bao giờ chúng tôi quý cây đước, cây mắm như hôm nay. Bởi rừng đang giúp chúng tôi phát triển du lịch cộng đồng nâng cao đời sống…”.

Mũi Cà Mau nhìn từ trên cao.

Đúng như lời ông Đua, Mũi Cà Mau - vùng đất thiêng liêng tận cùng cực Nam của Tổ quốc là nơi mà người Việt Nam ai cũng ít nhất một lần muốn được đặt chân tới. Hiện VQG Mũi Cà Mau nằm trên trên địa phận các xã Đất Mũi, Viên An (huyện Ngọc Hiển), xã Lâm Hải, Đất Mới (huyện Năm Căn), xã Nguyễn Việt Khái (huyện Phú Tân) có tổng diện tích 41.862ha cùng với hệ động thực vật vô cùng đa dạng. Do vị trí 3 mặt giáp biển, VQG Mũi Cà Mau trực tiếp chịu tác động của thủy triều biển Đông và biển Tây, nên hệ sinh thái rừng ngập mặn đóng vai trò quan trọng trong phòng hộ bờ biển, chắn gió, chắn sóng, chống xói lở. Tuy nhiên, trước tác động ngày càng khắc nghiệt của thiên nhiên, Mũi Cà Mau đứng trước thách thức lớn trong công cuộc giữ đất, giữ rừng.

Ông Nguyễn Minh Đua kể, 23 năm trước, ông từ Cái Nước (tỉnh Cà Mau) về Đất Mũi lập nghiệp với muôn vàng khó khăn. “Tôi về đây nhận 9ha rừng trồng, ăn chia với Nhà nước. Lúc đầu tôi khai thác thủy sản, nuôi tôm dưới tán rừng để sinh sống chờ cây đước lớn. Nhưng cây đước chưa lớn được bao nhiêu thì thành lập VQG, rồi Đất Mũi trở thành khu Ramsar của thế giới, nên không còn được khai thác cây rừng. Lúc này ai cũng hụt hẫng vì thành quả mong đợi khi cây đước lớn không còn. Tuy nhiên cũng chính lúc khó khăn nhất, chủ trương phát triển du lịch của Nhà nước mở ra cơ hội với cư dân Đất Mũi. Bởi hệ sinh thái rừng độc đáo đã thu hút du khách đến tham quan, nên giữ rừng chính là giữ “cần câu cơm” của mình” - ông Đua tâm sự.

Những cây đước trên đất lớn dần cũng là lúc ông Đua hái quả ngọt. Gần đây, khách đến điểm du lịch của ông rất nhiều nên kinh tế gia đình khấm khá hơn trước. Mỗi khi khách đến, gia đình ông Đua không chỉ bán sản phẩm du lịch đơn thuần mà kèm theo một câu chuyện về cây đước, cây mắm và lịch sử địa phương. Rồi “đất lành chim đậu”, trên phần đất rừng của ông Đua chim cò về trú ngụ rất nhiều, nên ông dành riêng 3ha để cho chim sinh sống. “4 năm qua, du lịch giúp gia đình tôi có thu nhập cao gấp chục lần so với làm vuông tôm trước đây. Sắp tới, tôi còn xây dựng nơi tham quan vườn chim, hứa hẹn khách sẽ đến nhiều hơn. Nhưng trên hết, chúng ta cứ giữ rừng, tự khắc rừng sẽ mang đến cho ta thu nhập”- ông Đua kết câu chuyện.

VQG Mũi Cà Mau trang bị hệ thống camera giám sát để quản lý, bảo vệ rừng.

Gần đó, điểm du lịch cộng đồng Tư Nhuần của ông Nguyễn Văn Nhuần (ấp Cồn Mũi) cũng tấp nập khách tham quan. Hơn 30 năm trước, ông Nhuần đến Đất Mũi sinh sống bằng nghề nuôi tôm và khai thác thủy sản trên diện tích 20ha. Khi đến đây, những phần đất trống luôn được ông trồng thêm cây để bảo đảm tỷ lệ rừng và phần đất nuôi tôm theo quy định. Khi địa phương có chủ trương phát triển du lịch sinh thái, ông Nhuần là người tiên phong kết nối để biến mảnh đất tôm - rừng của gia đình thành điểm tham quan cho du khách. “Biến đổi khí hậu đã tác động rõ rệt, mực nước mỗi năm mỗi tăng. Do đó, các hộ dân nơi đây liên tục trồng rừng để bảo vệ môi trường, cân bằng hệ sinh thái theo quy định, chú trọng xử lý rác thải để tránh tổn hại môi trường. Đặc biệt khi làm du lịch mới thấy giá trị của rừng, bởi chính cảnh quan, môi trường, sản vật từ rừng mới hút khách” - ông Nhuần nói.  

Tháp tùng các cán bộ quản lý VQG Mũi Cà Mau đến tận các hộ dân mới thấy việc giữ rừng, phát triển rừng đang được cư dân Đất Mũi rất quan tâm. Cũng chính hệ sinh thái rừng tại Mũi Cà Mau đang giúp những hộ làm du lịch có thu nhập hàng trăm, thậm chí hàng tỉ đồng mỗi năm. Ông Đỗ Văn Đồng, Phó Giám đốc VQG Mũi Cà Mau, cho biết: Biến đổi khí hậu tác động rõ nhất đến VQG Mũi Cà Mau là triều cường dâng cao ảnh hưởng đời sống, sản xuất, sinh hoạt của bà con và khách tham quan du lịch. Nghiêm trọng hơn còn gây xói lở ven sông, bờ biển Đông. “VQG Mũi Cà Mau phối hợp chính quyền địa phương tuyên truyền nhân dân nâng cao ý thức tham gia bảo vệ, phát triển rừng, giảm thiểu tác nhân gây hiệu ứng nhà kính. Bên cạnh đó, thông qua các chương trình, dự án từ các tổ chức trong và ngoài nước thực hiện khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng ngập mặn bãi bồi Mũi Cà Mau” - ông Đỗ Văn Đồng cho biết thêm.

Những người trẻ đầy nhiệt huyết

Gần đây, du khách về Mũi Cà Mau thường gặp một thanh niên nhiệt huyết, hướng dẫn, tổ chức để có những chuyến tham quan, trải nghiệm thuận lợi. Hỏi ra mới biết anh là Nguyễn Trung Kiên, đang là sinh viên tại TP Hồ Chí Minh. Trung Kiên cho biết anh là người con Đất Mũi nên tự thấy có trách nhiệm góp phần xây dựng quê hương. “Với vị trí và tiềm năng sẵn có, phát triển du lịch cộng đồng là giải pháp tốt cho quê hương nên tôi quyết định vừa học vừa về làm du lịch”- anh Kiên kể.

Trẻ em thích thú khi tham gia dở lọp cua trong tua du lịch tại Đất Mũi do nhóm của anh Nguyễn Trung Kiên tổ chức.

Nghĩ là làm, anh Kiên về quê tập hợp những bạn trẻ từng đi nơi khác làm ăn thất bại nhưng cùng sở thích để thành lập nhóm hỗ trợ, hướng dẫn, quảng bá du lịch Mũi Cà Mau. Hiện nay, nhóm của Kiên có 15 thành viên gồm quản lý, chăm sóc khách hàng, hướng dẫn, đại diện cho  sản phẩm nhà dân… Chị Nguyễn Ái Linh, thành viên nhóm của anh Kiên, tâm sự: “Tôi nghỉ học sớm lên TP Hồ Chí Minh làm việc, rồi dịch COVID-19, tôi trở về quê gần như chưa biết làm gì thì gặp Kiên. Khi Kiên trình bày ý tưởng cùng chung sức phát triển quê hương, tôi thấy khá hay nên đồng ý. Khi trực tiếp cùng tham gia, tìm hiểu để hướng dẫn du khách, tôi càng thêm yêu và mong muốn góp sức xây dựng quê hương”.

Theo đánh giá của Kiên, cách làm du lịch mà nhóm của anh triển khai đang đúng hướng, bởi nó không chỉ góp phần lưu giữ nét đẹp truyền thống văn hóa bản địa mà còn giữ chân thanh niên trẻ ở lại quê hương, cùng sử dụng tư duy sáng tạo của bản thân phát triển địa phương, cải thiện cuộc sống. “Nhóm đang ấp ủ xây dựng sản phẩm du lịch “thả tôm sinh thái, trồng rừng tái sinh”. Mô hình sẽ triển khai trồng tại phần đất rừng sản xuất thuộc các Ban Quản lý rừng phòng hộ, giúp tái sinh nhanh rừng sau giai đoạn khai thác. Khách thả tôm, trồng rừng và theo dõi thành quả của mình trong 3 năm. Các bạn trong nhóm sẽ gửi hình ảnh quá trình cây lớn cho khách. Những khách tham gia sẽ được tặng quà sau khi chương trình kết thúc…” - anh Kiên cho biết thêm. Hôm tiếp chúng tôi, Kiên tâm sự: “Tôi sẽ cố gắng học hỏi kinh nghiệm và phát triển sản phẩm. Tin rằng, với sự đoàn kết của các bạn trẻ ở Ðất Mũi, chúng tôi sẽ xây dựng những vuông tôm, rừng đước của gia đình thành sản phẩm du lịch trải nghiệm phục vụ du khách…”.

*  *  *

“Tổ quốc tôi như một con tàu/Mũi thuyền ta đó - Mũi Cà Mau”. Với ý nghĩa đó, trong tâm khảm mỗi người con nước Việt, chắc hẳn ai cũng muốn ít nhất một lần đến thăm mảnh đất thiêng liêng nơi cuối trời cực nam Tổ quốc. Giờ đây, khi hệ thống giao thông nối liền, Mũi Cà Mau không còn xa xôi cách trở mà đang được tiếp thêm động lực để vươn mình. Cũng chính ở nơi “Ngón chân cái chưa khô bùn vạn dặm” ấy, những quyết sách đúng đắn để giải quyết hài hòa bài toán giữ rừng và phát triển kinh tế, cùng những người trẻ năng động đầy nhiệt huyết, Đất Mũi sẽ có những mùa xuân bất tận!

Bài, ảnh: BÌNH NGUYÊN

Chia sẻ bài viết