25/04/2020 - 07:19

Mưa trái mùa - mừng nhưng lo... 

Từ đầu tháng 4, ĐBSCL bắt đầu xuất hiện nhiều trận mưa làm giảm cái nóng oi bức, tình trạng thiếu nước, hạn, mặn tại khu vực. Theo các nhà khoa học, có khả năng mưa tiếp tục xuất hiện trong những ngày cuối tháng này. Đặc biệt, trong thời gian chuyển mùa, từ mùa khô sang mùa mưa, các trận mưa lớn có khả năng xảy ra cần đề phòng lốc xoáy, sấm sét xuất hiện, gây thiệt hại sản xuất, tài sản và tính mạng con người...

Đề phòng giông, sét, lốc xoáy cục bộ

Đường Trần Văn Hoài (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) bị ngập nghẹt sau cơn mưa ngày 14-4-2020, cần được khai thông cống rãnh.

Cơn mưa lớn trái mùa vào ngày 14-4-2020 xuất hiện trên địa bàn TP Cần Thơ và nhiều địa phương trong khu vực ĐBSCL đã rửa sạch đường phố, tưới mát vườn cây, ruộng rẫy sau nhiều ngày nắng nóng, oi bức, khô hạn... Ông Nguyễn Văn Nam, ở xã Tân Thới, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ, cho biết: “Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, vườn cây ăn trái của gia đình tôi phải bơm tát, dự trữ nước tưới hằng ngày. Do đó chi phí canh tác tăng cao hơn so với những năm trước. Cơn mưa không những làm giảm cái nóng oi bức, tưới mát vườn cây mà còn bổ sung nguồn nước trong ao, mương dự trữ, góp phần giảm chi phí bơm tát, sản xuất…”.

Theo ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn TP Cần Thơ, cơn mưa tại Cần Thơ là mưa trái mùa do vẫn đang trong thời điểm cuối mùa khô, nguyên nhân là do thời tiết nhiễu động tồn tại trên khu vực Nam bộ. Đợt mưa này kéo dài 3-4 ngày, tuy nhiên mưa xuất hiện vào thời điểm sau nhiều ngày nắng nóng nên cần đề phòng giông, sét, lốc xoáy cục bộ xuất hiện.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia dự báo: tại khu vực ĐBSCL trong tháng 4 đến giữa tháng 5-2020 sẽ có tổng lượng mưa phổ biến thấp hơn so với trung bình nhiều năm. Đồng thời, mùa mưa ở khu vực ĐBSCL có khả năng đến muộn, vào khoảng cuối tháng 5-2020. Từ tháng 6 đến tháng 9-2020, lượng mưa có xu hướng gia tăng trên khu vực và phổ biến ở mức xấp xỉ với giá trị trung bình nhiều năm. Tuy nhiên, thời gian này cần đề phòng gió mạnh trên biển do tác động gió mùa Tây Nam (vào thời kỳ tháng 6 và tháng 8) ở các vùng biển phía Nam Biển Đông. Cùng với đó nguy cơ xuất hiện các hiện tượng thời tiết nguy hiểm: sấm sét, gió mạnh, lốc xoáy… xảy ra, nhất là trong thời kỳ giao mùa từ giữa tháng 4 đến đầu tháng 6-2020. Thời gian này, người dân nên tránh những cơn mưa trái mùa và xuất hiện trong thời điểm chuyển mùa, vì nước mưa mang theo nhiều chất độc hại, bụi ô nhiễm. Nếu người dân tiếp xúc sẽ mắc một số bệnh, đồng thời không cho trẻ em tắm mưa, không sử dụng nước mưa cho ăn uống...

Phòng tránh thiệt hại

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết: trong tháng 4 và tháng 5-2020, các cơn mưa xuất hiện trong khoảng thời gian này là mưa trái mùa và chuyển mùa. Một hiện tượng thời tiết dễ nhận thấy trong thời gian chuyển mùa là xen kẽ những ngày nóng oi bức có xuất hiện những cơn mưa đột ngột và thường kèm theo lốc xoáy, sấm sét, thậm chí có cả vòi rồng... Cần triển khai các biện pháp ứng phó ngay từ thời điểm này.

Để chủ động ứng phó, Ban Chỉ huy Phòng chống Thiên tai– Tìm kiếm Cứu nạn (PCTT-TKCN) TP Cần Thơ yêu cầu các địa phương tuyên truyền, hướng dẫn người dân chằng chống nhà cửa an toàn để giảm thiểu thiệt hại do các hiện tượng mưa kèm theo giông, lốc xoáy trong thời điểm đầu mùa mưa, chuyển mùa; kiểm tra, gia cố các khu vực sạt lở, có nguy cơ sạt lở; tổ chức chặt tỉa cây xanh, tránh đổ ngã khi có mưa giông; khai thông cống rãnh, tránh ngập nghẹt đô thị; tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở phụ huynh không cho trẻ em tắm mưa trong những cơn mưa trái mùa, đầu mùa, nhằm tránh tác hại nếu mưa a-xít có thể xảy ra... Ông Nguyễn Quý Ninh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Chánh văn phòng Ban Chỉ huy PCTT-TKCN TP Cần Thơ, cho biết: “Trong thời điểm chuyển mùa, mưa kèm theo lốc xoáy, sấm sét thường xảy ra vào buổi chiều, tối và xuất hiện cục bộ trong thời gian ngắn nên rất khó dự báo. Để chủ động phòng tránh, các địa phương cần chủ động kiểm tra, gia cố các công trình, chằng chống nhà cửa trước mùa mưa, nhất là đối với các nhà cấp 4, nhà mái tôn, vách lá...”.

Hằng năm, trên địa bàn TP Cần Thơ đều xảy ra trường hợp thiệt mạng, bị thương do sét đánh. Do đó, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN TP Cần Thơ yêu cầu khi xây dựng các công trình dân dụng, công nghiệp, các công trình hạ tầng khác, đơn vị và người dân cần phải bố trí các thiết bị chống sét (cột thu lôi).  Đồng thời, lúc thời tiết có mây, giông (chuẩn bị mưa), người dân đang đi ngoài đường hoặc đang làm việc ngoài đồng trống phải khẩn trương về nhà hoặc tìm các nơi trú ẩn an toàn. Tuyệt đối không nên trú ẩn tập trung đông người dưới gốc cây cao, nơi trống trải, đồng thời phải tránh xa các vật dụng làm bằng kim loại: hàng rào sắt, xe đạp, xe gắn máy, cột điện, cột ăng-ten, cột thu lôi, nông cụ sản xuất... Đặc biệt, khi có nhiều người không nên đứng chung, không đứng ở những nơi có địa hình cao. Nếu như cảm thấy tóc bị dựng lên (như cảm giác điện khi sờ tay trước mặt tivi) thì có thể bị sét đánh bất cứ lúc nào, lập tức cúi người xuống và lấy tay che tai, không nằm xuống đất hay đặt tay lên đất...

Bài, ảnh: HÀ VĂN

Chia sẻ bài viết