Anh bạn ở miền đất cát báo tin: “Từ giữa tháng Sáu là nho chín rộ rồi!”, là thấy nôn nao khi nghĩ đến những chùm nho lúc lỉu dưới giàn mát rượi. Mùa hè, vùng đất cát khác nào chảo lửa. Chỉ vài bước chân vào bên trong giàn nho, kiểng chân cắn quả đang còn mọng nước trên giàn, cảm giác giải nhiệt ngày hè không thể nào tuyệt hơn!
Vườn nho lúc lỉu đầy quyến rũ ngày hè.
Ninh Thuận là vùng đất cát rộng lớn nằm ở cuối dải đất miền Trung, được ví như sa mạc Sahara của Việt Nam. Thế nhưng, người ta vẫn sống và canh tác giữa miền cát nóng. Cây nho bén rễ hình thành nên vùng đất chuyên canh, tạo nguồn thu cho người dân và là điểm du lịch lý tưởng. Tháng 6, những giàn nho trĩu quả căng mọng nước đầy quyến rũ dưới cái nắng nóng ngấp nghé ngưỡng bốn mươi độ.
Hẳn du khách sẽ phải ngạc nhiên với khoảng 1.200 héc-ta vườn nho rải rác ở thành phố Phan Rang – Tháp Chàm và vùng phụ cận. Bởi không hiểu sao giữa vùng cát nóng bỏng này, cây nho lại phát triển xanh tốt, cho trái 3-4 vụ mỗi năm. Nhà vườn trồng xoay vòng. Du khách tới Ninh Thuận bất kỳ thời điểm nào cũng có thể tìm được những vườn nho trĩu quả. Xe dừng lại, nếu nho hết trái, chủ vườn sẽ tận tình hướng dẫn khách sang vườn khác. Vì hầu hết người dân quen thuộc vườn của nhau như vườn nhà mình. Thế nên, giữa xóm giềng không cạnh tranh để giành khách về vườn mình. Du khách tới vườn như thể trở về nhà. Chủ mời nhấm nháp tách trà rồi đưa ra vườn nho giới thiệu cách trồng, chăm bón, nhận biết nho đã chín... rồi để khách tự do hái trái đã đời mới mang vào nhà cân. Không có cảnh chủ vườn theo khách kè kè để quan sát. Đó là cách làm hay của người dân miền nắng gió. Giá nho đôi khi đắt hơn 5.000 - 10.000 đồng so với thị trường, nhưng du khách không thấy khó chịu. Thậm chí còn đóng thùng mang về mỗi người hàng chục ký để làm quà, bởi do chính tay chọn lựa tại vườn. Bù lại, chủ vườn có thu nhập cao hơn bởi cách làm tử tế.
Vườn nho Ninh Thuận bắt mắt nhờ nho đỏ, chiếm hơn một nửa diện tích nho ở miền cát. Loại nho này thích hợp để ngâm rượu và chế biến thực phẩm liên quan tới nho. Bởi trái có nhiều hạt và nhiều vị chua. Nhưng dưới giàn nho, màu đỏ của trái nổi bật trên nền xanh nõn nà của lá. Đưa máy ảnh lên cao, nho như xếp hàng trút quả xuống như những cột thạch nhủ trong hang động. Giàn nho trồng qua khỏi đầu người cho tiện việc chăm sóc, thu hoạch. Khi nho chín, có thể với miệng lên cắn những quả nho còn trên giàn, giòn tan mang dư vị chua chua ngọt ngọt, mát rượi; giải khát tuyệt vời khi vừa thoát khỏi cái nắng chói chang, nóng bỏng của miền đất này cách đó chỉ vài bước chân. Một loại khác là nho xanh, dáng hình bầu dục, ngọt hơn nhưng không mọng nước bằng nho đỏ, chỉ cho ba vụ trái mỗi năm. Lẫn trong vài vườn nho đỏ, thể nào cũng có một vườn nho xanh, ít vụ hơn nhưng giá gấp rưỡi vì được thị trường ưa chuộng bởi vị ngọt lịm. “Quý tộc” nhất là nho đen với cái tên kiêu kỳ Black Queen – nữ hoàng của các loại nho. Quả to tròn căng mọng, gần như không có vị chua, giá gấp 4-5 lần nho đỏ. Tuy nhiên, loại nho này chỉ tìm được ở những vườn được đầu tư kiểu trang trại, vì đòi hỏi kỹ thuật cao, người trồng dường như phải chăm sóc từng trái khi còn trên cành. Người ta phải tỉa bớt trái để trái nở to và đều, chất lượng tốt nhất. Loại nho này chỉ cho trái một vụ vào khoảng tháng ba, tháng tư dương lịch.
Du khách đi từ Nam ra, qua hết vườn thanh long của Bình Thuận và xứ nước mắm nổi tiếng, ruộng muối Cà Ná (Ninh Thuận) là chạm vào những vườn nho xanh mượt, kéo dài tới trung tâm thành phố, rồi chạy dọc ven biển tới gần vịnh Vĩnh Hy mới kết thúc. Vô tình, cung đường nho lại gắn với cung đường du lịch của miền đất này. Điều khiển flycam bay trên bầu trời Ninh Thuận, sẽ thấy màu xanh của những giàn nho như điểm xuyến cho bức tranh thiên nhiên rộng lớn của những dải cát trắng, những đồi cát vàng và những ngọn núi đá lởm chởm. Vùng đất này được ví như miền Nam nước Pháp bởi những tương đồng về điều kiện tự nhiên, nhiệt độ, thời tiết. Ở sa mạc nằm cuối cùng dải đất miền Trung, cây nho được kỳ vọng làm nên sản phẩm mang thương hiệu quốc gia, chứ không chỉ dừng lại ở nguyên liệu, thương phẩm hay sản phẩm du lịch của Ninh Thuận như hiện nay.
Bài, ảnh: VĨNH THỤY