Gần đây, các cơn mưa lớn thường xuyên xảy ra, kết hợp với mực nước lũ đang lên và tình hình thời tiết, triều cường diễn biến phức tạp đã tác động tiêu cực đến các hoạt động sản xuất nông nghiệp tại TP Cần Thơ và nhiều tỉnh vùng ĐBSCL. Để giảm thiểu thiệt hại cho cây trồng, nông dân tại nhiều địa phương ở Cần Thơ đã và đang nỗ lực triển khai các hoạt động và giải pháp ứng phó với điều kiện thời tiết bất lợi.
Tranh thủ thu hoạch lúa thu đông
Bão số 3 và bão số 4 cùng với tác động của biến đổi khí hậu gây mưa nhiều và kéo dài tại các địa phương trong những tuần đầu tháng 9-2024 nên việc thu hoạch lúa thu đông tại TP Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL gặp nhiều khó khăn. Đã có tình trạng một số trà lúa chín không được thu hoạch kịp thời vì ảnh hưởng mưa bão. Lúa chín để lâu trên đồng bị đổ ngã, ngập nước, có nguy cơ giảm năng suất và ảnh hưởng đến chất lượng. Trước tình hình đó, nông dân đã nỗ lực tìm nhiều cách để giảm thiểu thiệt hại và tranh thủ thu hoạch lúa những lúc thời tiết nắng ráo. Trong các ngày 24, 25 và 26-9 đã có nắng nhiều trở lại, nông dân thu hoạch lúa thu đông thuận lợi hơn những tuần trước.
Thu hoạch lúa thu đông tại phường Trường Lạc, quận Ô Môn.
Anh Phạm Hoàng Anh ở khu vực Trường Hòa, phường Trường Lạc, quận Ô Môn, cho biết: “Lúa của tôi đã chín ngay thời điểm gặp mưa gió nhiều do ảnh hưởng của bão số 4, gây đổ ngã, nhiều thửa ruộng trũng bị ngập nước, tôi phải liên tục bơm nước ra khỏi ruộng lúa để giảm thiệt hại. Nhờ trời nắng trở lại, đồng thời lượng máy gặt đập liên hợp về địa phương cũng được tăng cường nên 10 công lúa của tôi đã thu hoạch xong và bán cho thương lái. Tuy nhiên, do lúa đã chín huốt ngày thu hoạch 4 ngày và có nhiều diện tích bị đổ ngã, ngập nước, hao hụt lên đến khoảng 20% nên năng suất lúa giảm đáng kể, chỉ đạt 550-600kg lúa tươi/công”.
Theo ông Lê Hoàng Phương ở ấp Thới Hữu, xã Đông Hiệp, huyện Cờ Đỏ, ông và nhiều hộ dân trồng lúa tại địa phương cũng đã nỗ lực ứng phó với mưa bão để bảo vệ ruộng lúa thu đông như chủ động gia cố bờ bao và bơm nước ra khỏi ruộng để tránh lúa bị ngập úng. Đồng thời, tranh thủ thu hoạch lúa vào buổi trưa và các thời điểm nắng ráo. Tuy nhiên, do lúa bị đổ ngã, thu hoạch không kịp thời, năng suất vừa giảm mà giá bán cũng giảm 500 đồng/kg, xuống còn 6.500 đồng/kg, dù lúc đầu thương lái đã hứa mua 7.000 đồng/kg. Chi phí thuê máy gặt đập liên hợp thu hoạch lúa trong vụ này cũng tăng cao nên ông và nhiều hộ dân chỉ còn lời khoảng 700.000-1 triệu đồng/công.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Cần Thơ, trong vụ thu đông 2024, nông dân trên địa bàn thành phố đã xuống giống gieo trồng lúa với diện tích 68.521ha, đạt 108% so với kế hoạch, cao hơn 290ha so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, thành phố hiện có 3.540ha trồng rau, màu, đậu, cây công nghiệp ngắn ngày và 25.660ha trồng cây ăn trái.
Tích cực bảo vệ rau màu, cây ăn trái
Nhiều nông dân trồng rau màu và cây ăn trái cho biết, nước lũ đã đổ về cộng với mưa nhiều, kết hợp với các đợt triều cường gây ảnh hưởng đến việc sản xuất rau màu và cây ăn trái. Nông dân nỗ lực thực hiện các giải pháp bảo vệ diện tích trồng rau màu và cây ăn trái thoát khỏi nguy cơ bị ngập úng, hư hại.
Nông dân ở huyện Thới Lai bơm thoát nước cho vườn cây ăn trái.
Anh Nguyễn Văn Lộc ở ấp Thới Tân B, xã Trường Thắng, huyện Thới Lai có 10 công đất trồng bầu, khổ qua và mướp hương. Anh Lộc cho biết: “Đất của tôi nằm trong vùng có hệ thống đê bao ngăn lũ vững chắc nên không bị ảnh hưởng bởi lũ, triều cường và thời gian qua mực nước lũ cũng còn thấp. Với nhiều cơn mưa lớn kéo dài do ảnh hưởng của bão số 3 và số 4 vừa qua, tôi đã phải tốn hàng chục lít xăng để bơm thoát nước. Tôi cũng đầu tư hơn 4 triệu đồng để mua vải cao su về gia cố quanh bờ bao, tránh nước xì mọi vào làm ngập rau màu. Hiện tôi đã đặt sẵn máy bơm trong vườn rau để khi cần thoát nước là khởi động máy bơm ngay”.
Ông Phạm Văn Phúc ở ấp Trường Thạnh, xã Trường Thành, huyện Thới Lai, cho biết: “Gia đình tôi có 29 công sầu riêng, là cả một tài sản và cũng là nguồn thu nhập chủ yếu nên gia đình tôi luôn theo dõi sát tình hình mưa lũ để chủ động chăm sóc, bảo vệ. Nhờ có hệ thống đê bao và các cống ngăn lũ vững chắc nên vườn cây của tôi ít bị ảnh hưởng bởi lũ và triều cường. Tuy nhiên, các trận mưa lớn vừa qua đã khiến mực nước trong các mương vườn thường xuyên dâng cao, nguy cơ gây ngập úng. Do vậy, tôi thường xuyên dùng máy bơm để tiêu thoát nước cho vườn cây. Theo các dự báo, tới đây tình hình mưa bão, lũ và triều cường còn có những đợt tăng cao và diễn biến phức tạp, do vậy tôi đã chủ động đặt sẵn máy bơm trong vườn, cứ thấy mực nước trong mương dâng cao là chủ động bơm ngay, không chờ lúc trời mưa mới bơm”.
Theo anh Bùi Văn Hải ở ấp Đông Thắng, xã Đông Hiệp, huyện Cờ Đỏ, bên cạnh việc thường xuyên kiểm tra, gia cố hệ thống bờ bao và đặt sẵn máy bơm nước trong vườn để kịp thời tiêu thoát nước cho 5 công xoài. Anh cũng luôn theo dõi sát các thông tin dự báo thời tiết nhằm chủ động bảo vệ vườn cây. Hiện tại, ngành chức năng địa phương cũng đã quan tâm rà soát, gia cố lại hệ thống đê bao ngăn lũ tại xã.
Theo ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, theo các bản tin dự báo gần đây, mùa lũ năm 2024 sẽ về sớm hơn so với các dự báo trước đó. Do ảnh hưởng của bão số 3, một số lưu vực sông Mekong ở phía thượng nguồn đang có lượng nước đổ về khá nhiều. Đồng thời, mùa mưa bão tại Cần Thơ và nhiều tỉnh ĐBSCL được dự báo tập trung vào thời điểm từ tháng 9 đến tháng 10 âm lịch. Đối với TP Cần Thơ, nước lũ có thể đạt ở mức cao từ 30-8 âm lịch đến rằm tháng 9, do vậy người dân và ngành Nông nghiệp các địa phương cần có giải pháp chủ động ứng phó. Quan tâm khai thông hệ thống thủy lợi nội đồng, dọn dẹp vệ sinh, phát quang cây cỏ để thuận lợi cho tiêu thoát nước, gắn với việc rà soát và gia cố hệ thống đê bao. Chuẩn bị tốt các phương tiện bơm tát nước và chủ động thu hoạch kịp thời các diện tích lúa, hoa màu và cây ăn trái tới kỳ thu hoạch.
Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG