11/07/2009 - 21:53

Một lần đến "Địa ngục trần gian"

* BÌNH NGUYÊN

Những ngày trung tuần tháng 7, tôi có dịp đến với Côn Đảo - nơi được mệnh danh là “địa ngục trần gian” - khi đất nước đang chuẩn bị kỷ niệm 62 năm ngày Thương binh – Liệt sĩ. Là những người được sinh ra và lớn lên sau khi đất nước hoàn toàn giải phóng, thanh bình, tôi chỉ mường tượng được hình ảnh về một “địa ngục trần gian” qua lời kể của các bậc cha, anh và trên sách báo. Giờ đây, khi chiếc tàu Côn Đảo 09 rời cảng Vũng Tàu và 14 giờ vượt sóng trùng dương, cặp cảng Bến Đầm cũng là lúc muôn vàn cảm xúc về một thời hào hùng của cha, anh ở nhà tù Côn Đảo lại ùa về…

NƠI TỘT CÙNG CỦA TỘI ÁC

 Mô phỏng hình ảnh những người tù bị giam cầm, hành hạ dã man tại nhà tù Côn Đảo. 

Những lời thuyết minh của chị Nguyễn Thị Tám, hướng dẫn viên của Ban quản lý di tích Lịch sử Cách mạng Côn Đảo cùng khung cảnh lạnh lẽo của những bức tường nhà ngục; những hình ảnh người tù bị đày đọa, tra tấn làm tôi khẽ rùng mình. Chị đã đưa tôi ngược dòng lịch sử để trở về cái thời đen tối nhất và cũng hào hùng nhất của những chiến sĩ cộng sản tại “địa ngục trần gian”.

Được chị Tám hướng dẫn, tôi đến trại giam Phú Hải, một trong những trại giam thực dân Pháp xây dựng đầu tiên tại Côn Đảo. Dù đã tồn tại 147 năm, những bức tường ngục loang lổ nhưng không thể xóa hết dấu tích về sự tàn khốc của chế độ nhà tù đế quốc. Các bậc tiền bối của cách mạng Việt Nam như Lê Hồng Phong, Tôn Đức Thắng,... đã từng bị giam cầm tại đây. Trại Phú Hải có 10 phòng giam tập thể, 20 xà lim, 1 phòng giam tù đặc biệt, 1 phòng xay lúa và 1 khu đập đá khổ sai. Mặc dù khu vực này cũng được thực dân Pháp xây dựng thêm các công trình phụ như khu nhà ăn, câu lạc bộ, nhưng những người tù bị giam giữ tại đây chưa ai từng được sử dụng. Tại các buồng giam, những người tù ngày ngày phải chịu gông, cùm, sự tra tấn dã man...

Không chỉ có Phú Hải, tại Côn Đảo còn có các trại Phú Thọ, Phú Tường, khu chuồng cọp, chuồng bò... đều ghi dấu ấn của những người tù cách mạng trong suốt chiều dài lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc. Trong lịch sử 113 năm tồn tại (1862 – 1975), thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã xây dựng tại Côn Đảo 127 phòng giam, 42 xà lim và 504 phòng biệt lập. Bên cạnh đó, chúng còn thiết lập các sở tù để đày ải người tù làm lao dịch khổ sai nhằm giết dần, giết mòn sinh lực, đồng thời phục vụ toàn diện các mặt đời sống cho bộ máy hành chính của chúng. Tuy nhiên, trong ranh giới giữa sự sống và cái chết, những người tù cộng sản vẫn kiên gan, một lòng vì mục tiêu đấu tranh cho độc lập dân tộc. Những dòng chữ xiêu vẹo: “Máu ta quý cả hơn vàng. Tổ quốc cần đến sẵn sàng ta dâng!” của một người tù cách mạng trung kiên viết bằng máu trên bức tường đã nói lên tất cả.

Sự gian khổ, hy sinh của tù nhân tại Côn Đảo còn ghi dấu ấn tại di tích Cầu tàu 914. Chiều dài cầu chỉ khoảng 100m nhưng đã cướp đi sinh mạng của 914 người. Theo thời gian, hình ảnh còn đọng lại là những phiến đá to, nặng nhưng sâu thẳm dưới đó là lớp lớp xương máu của bao người. Giờ đây, dù đã xa rồi cái thời đau thương ấy, song trong từng viên đá vẫn còn âm vang câu ca: “Côn Lôn ơi! Viên đá, mạng người...”. Sự tàn khốc cũng hiển hiện ở di tích cầu Ma Thiêng Lãnh. Hai mố cầu xây dựng dở dang vẫn còn hiện hữu là những bằng chứng rõ ràng nhất, sống động nhất. Nơi đây, để kiểm soát các tù nhân vượt ngục, bọn cai ngục ác ôn đã bắt người tù phải khiêng đá làm cầu. Do địa thế núi non hiểm trở, phải lao dịch nặng nề, nên đã có 356 người đã vĩnh viễn ra đi.

 Mộ chị Võ Thị Sáu trong nghĩa trang Hàng Dương. Ảnh: B.N

Nhà tù Côn Đảo là một phần trong lịch sử đấu tranh hào hùng của cách mạng nước ta. Nơi đây đã giam cầm, đày đọa hàng chục vạn chiến sĩ cách mạng và những người yêu nước. Đó cũng là nơi ghi dấu ấn oanh liệt nhất trong công cuộc đấu tranh giành độc lập của dân tộc. Nếu ai chưa một lần đặt chân đến “địa ngục trần gian” sẽ không thấy hết sự anh dũng, gan dạ và kiên cường của những người tù cộng sản. Ở nơi gọi là địa ngục ấy có máu, nước mắt, sự hy sinh vì mục tiêu độc lập dân tộc. Trong lời tựa cuốn sách Nhà tù Côn Đảo 1955-1975, Giáo sư Sử học Trần Văn Giàu đã viết: “Hành hạ người tù đau đớn tột cùng về thể xác, truy bức người tù căng thẳng tột độ về tâm lý, dai dẳng và trường kỳ, chúng đẩy người tù đến bên miệng hố của tử thần, để họ day dứt, trăn trở, chết dần chết mòn từng giờ, từng phút. Song cứ mỗi lần họ hấp hối, họ tỉnh dậy, họ thề với lương tâm một lần nữa quyết chết cho lý tưởng, chết để vẹn toàn khí tiết... Đó là thứ “Vàng trong lửa”, đó là đỉnh cao của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, của nhân cách Việt Nam và của khí tiết Cộng sản”.

SỐNG MÃI TRONG LÒNG ĐẤT MẸ…

Rời những buồng giam lạnh lẽo của nhà tù Côn Đảo, tôi đến nghĩa trang Hàng Dương khi chiều dần tắt nắng. Trên đường đến nghĩa trang, tôi bất chợt lặng người khi đi qua pháp trường năm xưa nằm ở góc cuối của khu di tích nhà tù. Nơi đây hàng ngàn chiến sĩ yêu nước đã ngã xuống trước họng súng kẻ thù. Góc dưới của pháp trường này có một lỗ thông ra nghĩa trang liệt sĩ Hàng Dương. Trên tượng đài nghĩa trang, những vòng hoa, những nén hương còn nghi ngút khói. Đã có rất nhiều người đến đây để thắp cho những chiến sĩ cách mạng anh hùng những nén nhang thành kính... Tôi cũng thắp cho họ một nén nhang như một lời tri ân sâu nặng. Nắng chiều đang vàng dần trên những lá dương cũng là lúc ai đó ngâm câu thơ của những người tù sáng tác ngày nào: “Núi Côn Lôn được pha bằng máu. Đất Côn Lôn năm sáu lớp xương người. Mỗi bước chân che lấp một con người...”.

Quả đúng vậy, ai đã từng đến nghĩa trang Hàng Dương mới càng thấu hiểu những gì khốc liệt và tàn bạo đã diễn ra ở “địa ngục trần gian”. Nghĩa trang nằm lặng lẽ sau cụm di tích nhà tù Côn Đảo, những ngôi mộ được xếp bằng đá và quay về các hướng không theo thứ tự nào. Đó chính là hướng mà các bác, các anh đã nằm sau khi mất trong thời gian bị lưu đày ở Côn Đảo. Sau khi bị xử tử, xác tù nhân được đưa qua lỗ thông ra nghĩa trang. Người tù chết do xử bắn, bị đánh đập đến chết hay hy sinh khi bị bắt lao dịch khổ sai được trùm bằng 2 chiếc bao bàng, một từ trên đầu xuống và một từ dưới chân lên, được nuột bằng những sợi dây thừng và mang ra vùi xuống bãi cát ở Hàng Dương. Trên mỗi nấm đất chỉ ghi sơ sài số tù nhân và ngày mất. Nghĩa trang Hàng Dương lại nằm sát biển, chỉ nửa ngày là gió cát xóa hết dấu vết. Ngày 19-12-1992, khi nghĩa trang Hàng Dương được khởi công tôn tạo, trong số hai vạn người đã ngã xuống ở Côn Đảo mới chỉ tìm được 1.912 ngôi mộ, trong đó 709 mộ có danh tính, quê quán người hy sinh, còn lại là chưa tìm được tên và có thể là mãi mãi sẽ không tìm ra tên tuổi. Chị Nguyễn Thị Tám tâm sự: “Tôi sinh ra và lớn lên sau ngày đất nước thống nhất và nhiều năm làm nhiệm vụ giới thiệu cho du khách đến với Hàng Dương. Nhưng cứ mỗi lần giới thiệu với mọi người là một lần tôi rơi nước mắt vì xúc động trước sự hy sinh anh dũng của những người tù chính trị từng thấm máu ở mảnh đất này. Những câu chuyện về nhà tù Côn Đảo, nghĩa trang Hàng Dương chỉ được học qua sử sách và được nghe những cựu tù Côn Đảo kể lại, nhưng chỉ bao nhiêu đó cũng đủ để tôi hay bất cứ người con nào của đất nước Việt Nam cũng cảm thấy tự hào về thế hệ cha anh”.

Tôi đến và thắp những nén nhang cho những người tù anh dũng ở tất cả các khu vực của nghĩa trang. Khu A là nơi có ngôi mộ của đồng chí Lê Hồng Phong và nhà yêu nước Nguyễn An Ninh; Khu B là nơi yên nghỉ của anh hùng Cao Văn Học và nữ anh hùng Võ Thị Sáu; các khu C, D cũng chi chít những ngôi mộ trong đó có nhiều bậc anh hùng của vùng đất miền Tây như Trần Văn Thời, Lương Thế Trân... Đứng bên mộ chị Võ Thị Sáu, chị Tám say sưa kể về sự anh hùng, bất khuất của người con gái đất đỏ miền Đông. Còn những người xung quanh đứng lặng tưởng nhớ hương hồn chị Võ Thị Sáu cùng các đồng chí đang yên nghỉ nơi đây.

Tôi rời nghĩa trang Hàng Dương khi bóng chiều đã khuất sau những rặng dương. Nghĩa trang về đêm tĩnh lặng, sóng biển vẫn vỗ rì rào như ru cho những người con anh dũng, kiên trung của Tổ quốc chìm sâu vào giấc ngủ. Ngày mai bình minh sẽ lại về với Côn Đảo. Còn những người thuộc thế hệ trẻ như tôi, đã một lần đến đây, một lần cảm nhận sẽ giúp mình lớn thêm lên, lớn cả trong suy nghĩ, nhận thức, hành động và dám đương đầu với khó khăn, thử thách. Với tôi, họ vẫn đang sống trong lòng đất mẹ!

Chia sẻ bài viết