(Nhân kỷ niệm 105 năm ngày sinh của Giáo sư Đặng Thai Mai: 25/12/1902 - 25/12/2007)
Đặng Thai Mai quê ở làng Lương Điền (nay là Thanh Xuân), huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Ông sinh ngày 25-12-1902 trong một gia đình có truyền thống khoa bảng và yêu nước. Có thể nói cuộc đời ông luôn là hình ảnh đẹp của một người trí thức đi trên con đường lớn cách mạng. Người đời tìm thấy ở ông một tấm gương về sự kết hợp hài hòa giữa nhà học giả và nhà chiến sĩ cách mạng; tấm gương về một phẩm chất của một người thầy đôn hậu, đức độ. Sinh thời, ông đã chọn cho mình một con đường đi thẳng tắp, từ tân thư đến sách báo mác xít, từ chủ nghĩa yêu nước đến chủ nghĩa xã hội...
Ngay khi còn là sinh viên cao đẳng sư phạm (1925-1928), Đặng Thai Mai đã tham gia đảng Tân Việt, tìm đọc và truyền bá LHumanité, Le Paria, Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản... Năm 1930, đang là giáo sư Quốc học Huế, vì tham gia phong trào Cứu tế đỏ, ông bị Pháp bắt giam ba năm. Ông đã chuyển từ chủ nghĩa dân tộc sang chủ nghĩa Mác - Lênin. Sau khi ra tù, Đặng Thai Mai ra Hà Nội sống và dạy học tại trường tư Gia Long (1932). Năm 1935, Đặng Thai Mai cùng với các bạn là Phan Thanh, Hoàng Minh Giám, Võ Nguyên Giáp lập ra Trường tư thục Thăng Long. Năm 1936, ông lại cùng Nguyễn Văn Tố và các người bạn đồng chí ở trên thành lập Hội truyền bá chữ Quốc ngữ. Thời kỳ Mặt trận dân chủ Đông Dương, ông được tiếp xúc với các chiến sĩ cách mạng, đọc sách báo cộng sản, nghiên cứu chủ nghĩa Mác sâu sắc hơn trước, qua các sách báo tiếng Pháp và Trung Quốc.
Đặng Thai Mai xuất hiện trong làng báo như một nhà văn cách mạng. Ông viết cho các tờ báo tiếng Pháp của Đảng cộng sản Đông Dương như Le Travail (Lao động), Rassemblement (Tập hợp), Notre voix (Tiếng nói của chúng tôi) và tờ Tin tức (tiếng Việt). Những tác phẩm đầu tay của Đặng Thai Mai lúc ấy chính là những bài tạp văn châm biếm trong mục “Những điều trông thấy” và một số truyện ngắn trong mục “Chuyện thật của thời đại mới” với đề tài là những chuyện xảy ra trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh, như: Chú bé con, Người đàn bà điên, Cô câm đã lên tiếng, Vận mệnh chống đối... Năm 1939, ông ứng cử Viện dân biểu Trung Kỳ. Năm 1944, ông cho ra đời tác phẩm “Văn học khái luận” - cuốn sách đầu tiên trình bày có hệ thống nhiều vấn đề lý luận văn học theo quan điểm tiến bộ, như điển hình và cá tính, nội dung và hình thức, truyền thống và hiện đại. Đặng Thai Mai cũng là người có công giới thiệu văn học hiện đại Trung Quốc qua các công trình Lỗ Tấn (1944), Tạp văn Trung Quốc (1944), các bản dịch kịch Lôi Vũ, Nhật xuất của Tào Ngu...
Năm 1946, Đặng Thai Mai được bầu làm đại biểu Quốc hội khóa I, Ủy viên Ban dự thảo Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đồng thời là Bộ trưởng Bộ giáo dục trong Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến. Ông đã vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Giáo sư Đặng Thai Mai từng giữ nhiều trọng trách trong một số cơ quan văn hóa và giáo dục như Hội trưởng Hội văn hóa Việt Nam, Giám đốc Trường dự bị Đại học và Sư phạm cao cấp Liên khu IV, Giám đốc Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Viện trưởng Viện văn học, Chủ tịch Hội liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam. Giáo sư Đặng Thai Mai đã vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh vào năm 1982. Ở ông, không chỉ kết tụ được những tinh hoa văn hóa nhân loại tạo nên sự “uyên bác Đặng Thai Mai” người đời truyền tụng, mà còn sáng lên phẩm giá của một chí sĩ, một người cộng sản biết đặt lợi ích cá nhân mình dưới lợi ích tối thượng của dân tộc nhưng không đánh mất bản ngã văn hóa. Ông là một tấm gương tiêu biểu của việc lấy văn hóa để phục vụ cách mạng, phục vụ đất nước.
Năm 1984, nhà học giả, người chiến sĩ cộng sản kiên cường Đặng Thai Mai đi vào cõi vĩnh hằng. Năm 1996, ông được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh (đợt I) về các công trình nghiên cứu văn học Việt Nam và văn học thế giới. Trong thời gian hơn 40 năm hoạt động văn học, ông đã cho ra đời mười bốn tập sách (ba tập trước cách mạng, mười một tập sau cách mạng) và hàng loạt bài báo về các lĩnh vực triết học, lịch sử, văn học... Phần lớn các tác phẩm của ông chủ yếu là viết theo yêu cầu nhiệm vụ trước mắt hồi bấy giờ, hoặc để phổ biến những tri thức cần thiết, nhất là cho sinh viên ngữ văn. Ông dịch thuật cũng là để giới thiệu các nhà văn tiến bộ Trung Quốc mà đương thời ít người biết. Những bài nghiên cứu văn học Việt Nam, văn học phương Tây trong các tập mặc dù có những ý kiến độc đáo, để lại cho thế hệ sau những bài học về quan điểm và phương pháp luận nghiên cứu văn học. Hai tác phẩm là cuốn “Văn thơ Phan Bội Châu” và “Văn thơ cách mạng Việt Nam đầu thế kỷ XX”, cũng là hai tác phẩm chính trong sự nghiệp văn chương mà nhà văn Đặng Thai Mai viết với tất cả tâm huyết và trí tuệ của mình.
Một trong những hoạt động chính của Giáo sư Đặng Thai Mai là giảng dạy văn học. Gần 60 năm giảng dạy, ông đã để lại dấu ấn sâu sắc cho nhiều thế hệ học trò. Nhiều học trò của ông đã thành đạt như các giáo sư Ngụy Như Kon Tum, Nguyễn Tri Cẩn, Nguyễn Đình Chú, tiến sĩ Đoàn Hương... Người thầy ấy truyền cho học trò những tâm đắc, hoài bão của mình, tìm ở họ những tâm hồn bè bạn, những tấm lòng đồng chí. Đối với Đặng Thai Mai, sự nghiệp giáo dục là sự phát động những tâm hồn, ý chí, khám phá và phát huy khả năng tiềm ẩn ở học trò. Đặng Thai Mai là người chiến sĩ vững vàng trên mặt trận tư tưởng, giáo dục. Ông hiểu rõ tính chất của nền giáo dục cổ và cho rằng nền giáo dục cách mạng phải thể hiện được giá trị nhân bản, tinh thần độc lập, tự chủ của người học. Năm nay, nhân kỷ niệm 105 năm ngày sinh của ông, người viết muốn một lần nữa lại nêu lên những nét đẹp rất thực của “Người hiền”- Một con người mà “Văn phong lý luận như gang thép/ Cốt cách tinh thần tựa trúc mai” (Tú Mỡ).
NGUYỄN VIẾT CHÍNH