24/07/2018 - 21:15

Một chặng đường 8 năm vì ĐBSCL phát triển và thích ứng biến đổi khí hậu 

(CT)- Chiều 24-7-2018, tại TP Cần Thơ, Chương trình Quản lý tổng hợp vùng ven biển ĐBSCL (ICMP) tổ chức tổng kết chương trình cấp tỉnh từ năm 2011 đến nay. Đại diện các cơ quan thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT); UBND, Sở NN&PTNT các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau; đại diện Đại Sứ quán CHLB Đức, Đại Sứ quán Úc đến dự.

Đại diện ICMP trao kết quả nghiên cứu ứng phó BĐKH trong sản xuất, bảo vệ bờ biển... cho các tỉnh vùng ĐBSCL. Ảnh: H.VĂN
Đại diện ICMP trao kết quả nghiên cứu ứng phó BĐKH trong sản xuất, bảo vệ bờ biển... cho các tỉnh vùng ĐBSCL. Ảnh: H.VĂN

Khởi động từ năm 2011 đến nay, ICMP đánh dấu hành trình 8 năm “Đổi mới chuyển mình” vì ĐBSCL thịnh vượng, bền vững với những thách thức của biến đổi khí hậu (BĐKH). ICMP triển khai tại 5 tỉnh ven biển vùng ĐBSCL, với nguồn vốn trên 23,5 triệu Euro, được đồng tài trợ bởi Chính phủ Đức, Úc, Việt Nam và được ủy quyền cho Tổ chức Quốc tế Đức GIZ triển khai thực hiện.

Kết quả, 8 năm qua, chương trình ICMP góp phần giúp hơn 7 triệu người vùng ĐBSCL được đảm bảo sinh hoạt, sản xuất tốt hơn trước tác động của BĐKH. Đặc biệt, chương trình thực hiện dọc theo 720km bờ biển của ĐBSCL với các hoạt động bảo vệ bờ biển trước các sự kiện thời tiết cực đoan, bão lũ và kỳ vọng giúp 3,5 triệu người ở các huyện vùng ven biển được an toàn hơn trước tác động của BĐKH. Bên cạnh đó, việc giới thiệu hàng rào chắn sóng ở các tỉnh ven biển theo hình chữ T của ICMP đã giúp ngăn chặn tốc độ xói lở bờ biển lên tới 30m mỗi năm và giúp bồi đắp lại 180m đất (chiều rộng bờ biển) đã bị cuốn ra biển. Các bãi bồi được bồi đắp là nơi rừng ngập mặn và nhiều loài thực vật khác có thể sinh trưởng; xây dựng chính sách rừng ven biển bao gồm việc trồng mới 46.000ha rừng ven biển tới năm 2020 cũng sẽ góp phần mang lại các dịch vụ hệ sinh thái có trị giá cao cho ĐBSCL. Việc ứng dụng các thiết bị bay không người lái hạng nhẹ giúp giám sát tốt hơn 590km bờ biển và khoảng 53.000ha rừng ngập mặn của 4 tỉnh ven biển: Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang phát triển trong thời kỳ BĐKH...

Ngoài ra, ICMP còn giới thiệu tới nông dân ĐBSCL các tiến bộ kỹ thuật trong canh tác nông nghiệp, hỗ trợ xây dựng các quy trình thực hành canh tác nông nghiệp, thủy sản thích ứng với BĐKH… với 84 mô hình sinh kế (nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và lâm nghiệp) giúp mang lại lợi ích cho khoảng 57.000 người (sản xuất lúa gạo thông minh với khí hậu, nuôi tôm dưới tán rừng ngập mặn…). Tiến sĩ Christian Henckes, cố vấn trưởng Chương trình ICMP, cho biết, sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam để bảo vệ và phát triển ĐBSCL, mở rộng phạm vi hoạt động trên toàn bộ 13 tỉnh thành trong vùng; tập trung hỗ trợ quản lý nước, cơ chế điều phối vùng; xây dựng quan hệ hợp tác ứng phó BĐKH với tổ chức quốc tế trong tương lai…

H.VĂN

Chia sẻ bài viết