06/10/2022 - 08:44

Mong muốn quyền lợi hợp pháp của người sử dụng đất được đảm bảo 

CHẤN HƯNG

Dự thảo Luật Ðất đai (sửa đổi) đang được các địa phương tổ chức lấy ý kiến, đóng góp, thu hút sự quan tâm của đông đảo nhân dân. Bà con mong muốn Luật Ðất đai (sửa đổi) sẽ khắc phục được những bất cập của Luật Ðất đai hiện hành, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người sử dụng đất.  

Ðoàn Ðại biểu Quốc hội TP Cần Thơ vừa tổ chức hội nghị lấy ý kiến đóng góp dự thảo Luật Ðất đai (sửa đổi), nhiều đại biểu đã tham gia đóng góp ý kiến. Ảnh: THANH THƯ  

Luật sư Ðỗ Vinh Quang, Ðoàn Luật sư TP Cần Thơ, quan tâm nhiều đến quy định về bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất. Tại khoản 2, Ðiều 74, Luật Ðất đai năm 2013 quy định: “Việc bồi thường được thực hiện bằng việc giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi, nếu không có đất để bồi thường thì được bồi thường bằng tiền theo giá đất cụ thể của loại đất thu hồi do UBND cấp tỉnh quyết định tại thời điểm quyết định thu hồi đất”. Tại khoản 1, Ðiều 78, Luật Ðất đai năm 2013 quy định: “Tổ chức kinh tế đang sử dụng đất nông nghiệp được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất khi Nhà nước thu hồi đất, nếu có đủ điều kiện được bồi thường quy định tại Ðiều 75 của Luật này thì được bồi thường về đất; mức bồi thường về đất được xác định theo thời hạn sử dụng đất còn lại”. Luật sư Ðỗ Vinh Quang cho biết: “Như vậy, đối với đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước cho thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê, khi Nhà nước thu hồi thì hình thức bồi thường bằng đất hay bằng tiền đối với trường hợp này vẫn còn bỏ ngõ, chưa đảm bảo quyền lợi của người sử dụng đất. Tôi kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, đề xuất sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Luật Ðất đai lần này, để đảm bảo việc thi hành và áp dụng phù hợp với thực tiễn”.

Dự thảo Luật Ðất đai (sửa đổi) cũng đang thu hút sự quan tâm của người dân về quy định những thành viên trong gia đình được đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (GCN). Tại Ðiều 120, dự thảo Luật Ðất đai (sửa đổi) quy định: “Trường hợp thửa đất thuộc quyền sử dụng của hộ gia đình thì cấp một GCN ghi tên đại diện hộ gia đình trên GCN và trao cho người đại diện hộ gia đình. Trường hợp các thành viên có chung quyền sử dụng đất của hộ gia đình có nhu cầu thì cấp một GCN ghi đầy đủ tên thành viên trên GCN và trao cho người đại diện”.

Việc xác định các thành viên có chung quyền sử dụng đất của hộ gia đình để ghi tên trên GCN do các thành viên này tự thỏa thuận bằng văn bản có công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật. Ông Tạ Văn Bé, Phó Trưởng khu vực Thới Mỹ, phường Thới Long, quận Ô Môn, cho biết: “Quy định cấp một GCN ghi đầy đủ tên thành viên trong gia đình và việc xác định các thành viên có chung quyền sử dụng đất của hộ gia đình theo thỏa thuận bằng văn bản có công chứng hoặc chứng thực là phù hợp, để minh bạch quyền sử dụng đất chung, bảo vệ quyền lợi của các thành viên, không có phát sinh tranh chấp trong quá trình sử dụng đất. Quyền sử dụng đất là tài sản có giá trị lớn đối với hộ gia đình, nên yêu cầu có công chứng hoặc chứng thực là phù hợp”.

Tuy nhiên, một số người cũng tỏ ra băn khoăn với quy định này. Ông Nguyễn Văn Bạn ở xã Thới Thạnh, huyện Thới Lai, cho biết: “Việc ghi đầy đủ tên thành viên hộ gia đình trên GCN, sẽ có trường hợp không đủ khoảng trống trên giấy để ghi tên vào”. Với những băn khoăn này, ông Lê Tấn Thiện, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thới Lai, cho biết: “Dự thảo Luật Ðất đai (sửa đổi) có quy định đăng ký đất đai thực hiện bằng hình thức đăng ký trên giấy hoặc đăng ký điện tử và có giá trị pháp lý như nhau. Vì vậy, với ứng dụng công nghệ số, tôi hy vọng sẽ giải quyết được vấn đề này”.

Chia sẻ bài viết