31/03/2016 - 20:18

Món ăn mang lại may mắn đầu năm

Đó là món lạp của đất nước triệu voi Lào. Như món khổ qua hay món thịt kho hột vịt truyền thống của Việt Nam, lạp là món ăn tất yếu trong ngày Tết của Lào. Lạp được làm từ những thứ sẵn có trong nhà, trồng trọt trên đồng ruộng hay vườn tược xung quanh. Đến Lào chơi té nước giải nhiệt dịp Tết cổ truyền, du khách đừng quên thưởng thức món ăn truyền thống độc đáo này.

 

  Món lạp của Lào.

Về cách chế biến, lạp có nhiều nét tương đồng với món gỏi ở Việt Nam. Nguyên liệu chính vẫn là cá hoặc các loại thịt (bò, nai, heo, gà…). Thịt được thái mỏng hoặc băm nhuyễn rồi để sống hoặc chần sơ qua nước sôi trước khi trộn với nước cốt chanh lẫn lá bạc hà và gia vị, ớt. Các món phụ đi kèm là rau húng, các loại rau mùi, thêm một ít tiêu rừng… Đặc biệt, món lạp không thể thiếu thính. Thính ở Lào được làm từ nếp rang xay nhuyễn, có mùi thơm lừng.

Thịt trộn với nước cốt chua cho thấm rồi mới cho rau mùi vào. Bày ra dĩa rồi mới rắc thính phủ lên mặt và trang trí thêm ớt, ngò… Tùy theo khẩu vị người dùng, mức độ quan trọng của khách được chiêu đãi mà món lạp được thêm bớt gia vị, kèm theo cách chế biến cầu kỳ hoặc đơn giản. Ngày Tết, món lạp thường được chăm chúc từng chút một. Người Lào quan niệm rằng, lạp được hiểu là may mắn, vui vẻ nên tới Tết là phải thưởng thức món này để được may mắn cả năm.

Lạp thường được dùng với xôi nếp. Nếp của người Lào hạt thon dài, bóng bẩy. Phần lớn sản lượng nếp Lào được trồng từ các ruộng truyền thống, rất ít dùng hóa chất, thuốc trừ sâu, hạt nếp thơm và dẻo. Gần đây, xôi phồng Việt Nam xuất khẩu sang Lào, nhiều gia đình thay vì ăn xôi nếp với lạp chuyển sang ăn xôi chiên với lạp để thay đổi khẩu vị, tăng vị ngon cho món lạp truyền thống. Có doanh nghiệp nhập khẩu xôi phồng bên Lào chuyển nếp Lào sang Việt Nam làm xôi rồi nhập khẩu trở lại vì họ quen dùng nếp chính dân mình trồng bởi không những ngon mà còn là niềm tự hào dân tộc.

Bài, ảnh: NGUYỄN THÀNH

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
lạpLào