Câu chuyện bắt đầu từ mấy ông thầy thuốc!
Hôm ấy, trên quốc lộ 1 Campuchia, chúng tôi đang hành quân thì một chiếc xe cắm cờ Hồng Thập Tự chạy qua, trên xe có khoảng chục người Âu mặc áo trắng. Một anh bạn giải thích: Trên hông xe có câu chữ Pháp có nghĩa là “Thầy thuốc không biên giới”. Được biết thêm: ở Pháp có một tổ chức gồm những thầy thuốc, hễ ở đâu có thiên tai, dịch bệnh thì họ cử người đến đó giúp đỡ về mặt y tế, không kể họ là người nước nào. Các ông thầy thuốc vừa rồi tới Campuchia.
Mọi người đang tán dương về việc làm từ thiện đó thì một người lái câu chuyện về một hướng khác. Thắng, một cán bộ đại đội trẻ măng, hỏi: Trên thế giới có thầy thuốc không biên giới, vậy có tình yêu không biên giới hay không? Câu hỏi vừa nêu ra thì giới cán bộ trẻ nhao nhao lên, kẻ nói có, người bảo không, ai cũng có lý lẽ của mình.
Phe “không biên giới” cho rằng tình yêu không phân biệt giai cấp, không kỳ thị màu da, không tính toán giàu nghèo, không phân chia nghề nghiệp. Hễ hai con tim xập xình cùng một điệu thì tình yêu nẩy sinh, dù có cái biên giới cách ngăn, nó cũng xuyên qua cái rẹt! Vì vậy hồi trước có những người nhà giàu đi học bên Tây, khi về họ “ẵm” luôn một “bà đầm”, họ cũng đẻ con hàng đống...
Phe “có biên giới” thì cho rằng không thấy nước nào cấm dân mình lấy người nước ngoài. Nhưng không vì vậy mà muốn lấy ai thì lấy. Người dân được quyền tự do luyến ái, nhưng yêu đương cũng còn có những mặt bị ràng buộc, chớ không phải yêu là trên hết, bất kể sự đời. Ví như hồi cán bộ ta được đi đào tạo ở Liên Xô, ai cũng biết mình đi học để về đánh Mỹ cứu nước, mình còn có nhiệm vụ ở chiến trường, chớ không phải mình sang nước bạn để yêu đương. Có những mối tình đẹp đẽ đã bị anh em ta tự giác gạt bỏ. Hay là chuyện anh em ta hiện giờ. Ta sang Campuchia để giúp bạn giải phóng đất nước, trừ họa diệt chủng. Đem tình yêu trói buộc thì làm sao hoàn thành nhiệm vụ.
Cuộc “tranh cãi” bất phân thắng bại. Thắng đứng về phía “không biên giới” và là người phát biểu hăng nhất. Nhưng phe “có biên giới” có phần vững hơn với những lý lẽ đã được cấp trên dặn dò mãi trước ngày sang giúp bạn...
* * *
Không phải tự nhiên mà Thắng lại đứng về phe “không biên giới”. Anh chàng này xưa nay không hay bàn đến chuyện yêu đương. Quả tim dường như chưa bị ai “bóc tem”. Mọi người hơi lạ là gần đây cậu ta có cái gì hơi khác, nhất là khi nói đến chuyện yêu đương: Phải chăng thần ái tình đã bắn trúng vào quả tim non của anh chàng rồi? Vậy ai là thủ phạm đã tạo ra mũi tên quái ác này?
Tháng trước, trong cuộc truy quét địch ở vùng núi Con Voi, đơn vị của Thắng đánh vào một “công xã”. Bọn “Ăng-ka” rút vào vùng sâu. Chúng lùa theo nhiều người dân. Ai chạy không nổi thì chúng đập đầu bằng búa. Vì quá vội nên có nhiều trường hợp chúng đập không trúng chỗ nghiệt nên một số nạn nhân chỉ ngất xỉu mà không chết. Trong số những người thoát chết có một cô gái độ hai mươi tuổi, máu chảy bê bết, không còn đủ sức đứng dậy. Thắng tìm thấy cô trong bụi rậm, và cùng anh em khiêng cô về cứ. Ở trạm y tế tiền phương của đơn vị bác sĩ kiểm tra và kế luận: cô gái chỉ bị một nhát búa sau gáy, máu chảy nhiều, nếu được băng bó kỹ, không bị nhiễm trùng, thì sẽ mau hồi phục. Với sự nhiệt tình của các cán bộ chuyên môn, cô gái lấy lại sức rất nhanh. Chỉ mươi hôm sau là cô tươi tỉnh, đã nở được nụ cười với những người đến thăm. Có lẽ đây là những nụ cười hiếm hoi từ khi cô bị tập trung vào cái “công xã”. Không khí thân tình ở cái trạm quân y này đã giúp cô mau lại sức.
Cô tên là Sa-rít. Ba má cô làm nghề buôn bán ở Phnôm Pênh, đã bị bọn Pôn-pốt lùa vào trại tập trung và đều bị sát hại. Sa-rít đang học trung cấp sư phạm, định làm cô giáo, thì bọn Pôn-pốt chiếm Phnôm Pênh và áp đặt cái “siêu cách mạng” của chúng. Thời gian qua, dưới sự quản lý hà khắc của bọn Ăng-ka, cô gầy gò, xanh xao, đi lom khom như một bà cụ. May mắn cô đã sống sót trong cái địa ngục trần gian ấy. Cái môi trường mới đã nâng cô dậy nhờ những người mà bà con Campuchia gọi là bộ đội cụ Hồ, bộ đội nhà Phật! Vừa đi lại được, Sa-rít muốn được tham gia công việc với trạm y tế trong việc chăm sóc bệnh nhân. Nhưng cán bộ ta nhận thấy cô có trình độ học vấn, lại nói năng lưu loát, đưa cô vào công tác tuyên truyền vận động quần chúng và binh lính địch. Cô vào đội công tác dân địch vận. Nhờ có một số vốn về tiếng Việt Nam nên Sa-rít rất dễ tiếp thu sự hướng dẫn và nhanh chóng thành một cộng tác viên đắc lực của đội công tác.
Trong trận truy quét địch kể trên, sau khi đưa Sa-rít và các nạn nhân về trạm y tế, Thắng càng căm ghét bọn diệt chủng mất tính người, càng quyết tâm chiến đấu. Thắng nhiều lần đến thăm Sa-rít với những món quà nhỏ, mong sao cô gái mau khỏe mạnh. Lần nào tổ công tác của Sa-rít được đi hoạt động cùng đại đội của Thắng, Sa-rít càng làm được nhiều việc nhờ sự giúp đỡ tận tình của Thắng.
Gần gũi dần dà biến thành tình cảm. Tình cảm ấy ngày một ăn sâu, hai người đều cảm thấy, mà không ai nói gì với ai. Cũng có lúc Thắng tự nhủ: Không nên! Đang chiến đấu mà yêu thương là rất khó hoàn thành nhiệm vụ. Thắng tự kềm chế ít gặp Sa-rít hơn. Bạn bè cũng thấy mối tình đang nảy nở giữa Thắng và Sa-rít, một tình yêu chính đáng nhưng không có lợi trong lúc này, nên có nhiều ý kiến khuyên Thắng tập trung vào nhiệm vụ và tránh được những dư luận không hay. Nhưng càng muốn “ém” đi tình cảm trong lòng càng bùng lên mạnh mẽ. Thắng vẫn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ. Chỉ thỉnh thoảng thấy Thắng ngồi một mình, có vẻ suy tư. Sa-rít vẫn nhiệt tình với việc tuyên truyền, vận động bà con vừa trở về và vận động bọn địch ra đầu thú...
Cuộc chiến đấu ngày càng ác liệt. Hằng ngày, ta và bạn chịu không ít tổn thất.
Thắng đang cùng đơn vị bao vây một toán địch ở bìa rừng thì đạp phải một trái lựu đạn gài của địch, bị thương cả hai chân. Được tin, Sa-rít xin phép đến bệnh xá tiền phương thăm và ở lại mấy ngày chăm sóc Thắng trước khi có đoàn xe đưa thương binh về nước.
Chắc là nước mắt đã đổ nhiều lắm: Phải chăng đây là lần gặp gỡ cuối cùng giữa hai người bạn trẻ đã gắn bó ân tình với nhau. Khi trở lại với Ban công tác, Sa-rít bơ phờ, mất hẳn nụ cười. Cô lao vào công việc như để quên đi...
* * *
Mối tình của Thắng và Sa-rít dần dần cũng ít được anh em nhắc đến dù thỉnh thoảng nhắc lại vẫn còn gợi lại cho mọi người xót thương. Mọi người cho biết: sau khi ra Viện, Thắng còn giữ lại được một chân, có thể tới lui bằng cặp tó. Thắng không về quê, anh đi đâu và không ai biết.
Sa-rít vẫn tiếp tục công tác với đơn vị. Một hôm do yêu cầu công tác, cơ quan của bạn xin cô về để đào tạo cán bộ. Sa-rít bặt tin từ đó.
* * *
Chiến tranh vẫn tiếp diễn. Mấy năm sau, việc đi lại qua biên giới được dễ dàng hơn. Chính quyền bạn ngày càng được củng cố. Một hôm, trên đường về nước, đến cửa khẩu Tịnh Biên, Thiện người đại đội phó của Thắng ngày nào, nay là cán bộ tiểu đoàn, nhìn từ xa thấy một người đi tó đang trình giấy tờ cho công an cửa khẩu. Đúng là Thắng rồi! Mừng quýnh Thiện chạy tới. Làm sao nói hết nỗi niềm. Làm sao trả lời kịp những câu hỏi của những người thật sự quan tâm đến hoàn cảnh của nhau. Thời gian có hạn, Thiện biết được: hai năm sau ngày bị thương, Thắng mới ổn định được dần cuộc sống và học được một cái nghề. Nhưng hình ảnh của Sa-rít thì cứ đeo đẳng mãi. Lời hẹn ở bệnh xá trước lúc chia tay thúc giục Thắng đi tìm Sa-rít. Cuối cùng, Sa-rít đã “khớp con ngựa ô” đưa chàng Thắng “về dinh”, nơi nàng đang công tác. Một gia đình nhỏ được hình thành. Một bé trai ra đời càng thắt chặt thêm một mối tình xuyên biên giới.
Tin vui về gia đình của Thắng lan nhanh. Bạn bè lại nổi lên những cuộc “loạn đàm” về những mối tình và những cái gọi là “biên giới trong những con tim”. Cuộc tình Sa-rít và Thắng tạo cảm hứng cho lính ta. Nào là: “Sông dài cá lội biệt tăm/Phải duyên chồng vợ ngàn năm cũng chờ”. Nào là: “Xa mặt mà chẳng vắng lòng/Cách nhau chỉ mấy sông, ngại gì”... Có anh chàng còn mượn cả một câu chữ nho để ca ngợi: “Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ”. Có duyên với nhau thì xa ngàn dặm cũng có thể gặp nhau, chớ Việt Nam với Campuchia, chỉ nhảy qua biên giới là tới, có gì mà không gặp nhau được.