15/10/2012 - 20:40

Các khoản thu học phí, ngoài học phí

Mỗi nơi mỗi kiểu!

Học phí và các khoản thu ngoài học phí ở các trường mầm non, phổ thông luôn là vấn đề "nóng" được các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm, nhất là các bậc phụ huynh học sinh (PHHS). Bởi đây là vấn đề nhạy cảm, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống kinh tế của mỗi gia đình, nhất là những gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Qua 3 ngày (8 đến 10-10) Đoàn giám sát của HĐND TP Cần Thơ làm việc tại các trường mầm non, phổ thông về tình hình thu học phí và các khoản thu khác ngoài học phí năm học 2012-2013, có nhiều vấn đề phát sinh, cần kịp thời tháo gỡ…

Nỗ lực chung

 Giờ học của cô trò Trường mầm non Thạnh Phú 1 (huyện Cờ Đỏ). Ảnh: M. HOÀNG

Vào đầu năm học mới, các địa phương, ngành giáo dục ban hành văn bản hướng dẫn các trường tổ chức việc thu, chi học phí và các khoản thu ngoài học phí. Cũng như các quận, huyện khác, năm học mới 2012-2013, quận Ô Môn và quận Thốt Nốt thực hiện và áp dụng mức thu học phí đối với cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn, theo Nghị quyết số 08 của HĐND TP Cần Thơ. Theo đó, trừ bậc tiểu học không thu học phí, các bậc học còn lại được các trường thực hiện theo đúng quy định của ngành giáo dục, như: bậc mầm non (MN) thu học phí 130.000 đồng/tháng/cháu (trường trọng điểm) và thu 65.000 đồng/tháng/cháu (trường bình thường); bậc THCS thu 40.000 đồng/tháng/học sinh.

Theo cô Nguyễn Thị Bích Huyền, Hiệu trưởng Trường Tiểu học (TH) Trần Hưng Đạo (quận Ô Môn), năm học 2012-2013, trường có 1.109 học sinh. Trường không thu học phí của học sinh; các khoản thu khác như: bảo hiểm y tế (bắt buộc) và bảo hiểm tai nạn (vận động phụ huynh tham gia). Mặc dù đã thông báo khá rõ quyền lợi của học sinh khi mua bảo hiểm nhưng trường vẫn còn một số học sinh do gia cảnh khó khăn, chưa tham gia. Vì thế, trường đã vận động Ban đại diện cha mẹ học sinh (CMHS) mua bảo hiểm cho các em. Năm học 2011-2012, Ban đại diện CMHS trường đã hỗ trợ, mua 12 thẻ bảo hiểm y tế cho học sinh nghèo. Ông Lê Việt Sỹ, Phó Chủ tịch UBND quận Ô Môn, nói: "23 PHHS của Trường TH Trần Hưng Đạo phát huy khá tốt vai trò Ban đại diện CMHS; hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm y tế, tiền ăn, quần áo cho học sinh nghèo, con em đồng bào dân tộc Khmer; xây dựng nhà vệ sinh…".

Tương tự, Trường THPT Hà Huy Giáp (huyện Cờ Đỏ), một trong những đơn vị được Đoàn giám sát đánh giá thực hiện việc thu học phí đúng quy định, các khoản thu ngoài học phí công khai minh bạch. Hằng năm, Ban Giám hiệu trường đều phối hợp với Ban đại diện CMHS tổ chức vận động CMHS đóng khoản phí tự nguyện, với tổng kinh phí 55 triệu đồng, để hỗ trợ tu sửa cơ sở vật chất. Học sinh đóng học phí vào đầu mỗi tháng. Nếu phụ huynh nào yêu cầu đóng theo học kỳ hoặc cả năm thì thu theo yêu cầu. Các khoản thu đều phân định mốc thời gian, tránh thu gộp, để không tạo áp lực cho PHHS. Ông Nguyễn Văn Thành, Trưởng Ban đại diện CMHS Trường THPT Hà Huy Giáp, cho biết: "Các khoản thu của trường đều công khai, trường vận động mỗi phụ huynh đóng góp từ 100.000 đến 200.000 đồng. Khoản thu này, chúng tôi bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ đạo các em học yếu, sửa chữa cơ sở vật chất…". .

Vẫn còn nhiều bất cập…

Không thể phủ nhận sự nỗ lực của các trường trong việc vận động nguồn xã hội hóa giáo dục (chủ yếu từ Ban đại diện CMHS) để chăm lo cho học sinh nghèo, học giỏi. Thế nhưng, nhìn tổng thể, việc thu- chi các khoản ngoài quy định ở các trường vẫn còn bất cập, đơn cử như 2 huyện Cờ Đỏ, Thới Lai. Đối với Trường MN Thạnh Phú 1 (huyện Cờ Đỏ), có 8 nhóm lớp, với 161 trẻ, tính thời điểm này, nhà trường đã thu học phí đạt 85%. Bà Đan Thị Phượng, Chi hội trưởng Chi hội PHHS của trường, nói: "Chúng tôi thu 2 loại quỹ là quỹ xây dựng cơ sở vật chất (200.000 đồng) và quỹ phụ huynh học sinh (50.000 đồng). Quỹ PHHS thường sử dụng cho việc khen thưởng, lễ hội cô và cháu… Khi trường gợi ý, các phụ huynh đều thống nhất đóng". Tuy nhiên, khi Đoàn giám sát đặt vấn đề các khoản đóng góp tự nguyện này mang tính chất chung chung, chưa có ý kiến phản hồi của phụ huynh. Tất cả danh sách đóng góp phụ huynh, chữ ký có nét giống nhau. Là trường vùng ven nhưng tổng khoản thu khá cao (trên 1 triệu đồng/năm), đó là chưa kể các khoản thu "theo thỏa thuận với phụ huynh" như: phí bán trú, tiền ăn 13.000 đồng/trẻ/ngày, uống sữa trong tháng 40.000 đồng/trẻ/tháng, phụ thu bán trú 150.000 đồng/trẻ/tháng… Cô Dương Thị Hồng Sáu, Hiệu trưởng trường giải thích: "Do phụ huynh chủ yếu sống bằng nghề nông, cứ tới vụ lúa là đóng tiền, nên trường quyết định thu theo năm?!".

Tương tự, Trường THCS Châu Văn Liêm (quận Ô Môn), ngoài các khoản thu theo quy định, nhà trường còn thu các khoản phí theo thỏa thuận giữa trường và Ban đại diện CMHS. Năm học 2011-2012, trường thu hỗ trợ cơ sở vật chất là 80.000 đồng/năm/học sinh (theo học kỳ hoặc cả năm học); thu theo giấy ủy quyền Ban đại diện CMHS và được phường xác nhận. Ông Trần Văn Bình, Trưởng ban đại diện CMHS trường, cho biết: "Nhờ nguồn quỹ này, chúng tôi cùng nhà trường tu sửa phòng ốc, bàn ghế xuống cấp, phục vụ cho học sinh. Đầu năm học 2012-2013, nhà trường chi trên 60 triệu đồng mua hơn 200 bộ bàn ghế, sửa chữa nhà vệ sinh… Với khoản đầu tư này, nguồn quỹ bị âm trên 20 triệu đồng. Chính vì thế, nhà trường rất cần sự hỗ trợ đầu tư từ địa phương". Tuy nhiên, khi Đoàn giám sát đặt vấn đề về sổ sách thu chi, kể cả khoản thu ngoài qui định (phí dịch vụ), nhà trường vẫn chưa có giải thích rõ ràng.

Theo đánh giá của bà Trần Thị Xuân Mai, Trưởng ban Văn hóa- Xã hội, HĐND TP Cần Thơ, các trường cơ bản thực hiện theo đúng hướng dẫn. Tuy nhiên, việc thu học phí ở một số trường không thực hiện đúng quy định. Ngoài ra, các khoản thu khác ngoài học phí, mỗi trường thực hiện mỗi kiểu, không thống nhất, từ đối tượng trực tiếp thu đến người đứng tên tài khoản gởi ngân hàng. Ngành giáo dục các quận, huyện chưa thực hiện rà soát các trường đang quản lý, để hướng dẫn đồng bộ theo chủ trương chung. Lãnh đạo một số địa phương quan tâm ban hành văn bản chỉ đạo thực hiện, nhưng chưa có kế hoạch kiểm tra thực tế tại các trường. Bà Trần Thị Xuân Mai nhấn mạnh: "Ban Văn hóa- Xã hội thành phố sẽ tổng hợp, báo cáo cụ thể về kết quả giám sát các trường với Thường trực HĐND TP Cần Thơ; đồng thời, kiến nghị điều chỉnh những bất hợp lý và tháo gỡ khó khăn đối với từng đơn vị, trong công tác thu, chi học phí và các khoản ngoài học phí".

M.HOÀNG-B.KIÊN

Chia sẻ bài viết