12/01/2023 - 10:08

Mở rộng đối tượng, hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp là đúng đắn 

Bài, ảnh: HIỂN DƯƠNG

Thể chế hóa Nghị quyết 18-NQ/TW, ngày 16-6-2022, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao, Dự thảo Luật Ðất đai (sửa đổi) quy định mở rộng đối tượng, hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất (QSDÐ) nông nghiệp. Nhiều người đồng tình, ủng hộ quy định này.

Nông dân Nguyễn Văn Oai, ở xã Ðịnh Môn, huyện Thới Lai đồng tình với quy định của Dự thảo Luật Ðất đai (sửa đổi) về đối tượng nhận chuyển nhượng QSDÐ nông nghiệp. 

Tại tiểu mục 2.7, Mục IV, Nghị quyết 18-NQ/TW xác định mở rộng đối tượng, hạn mức nhận chuyển QSDÐ nông nghiệp phù hợp với đặc điểm, điều kiện của từng vùng, địa phương, với việc chuyển đổi nghề, việc làm, lao động ở nông thôn. Tạo điều kiện thuận lợi để người sử dụng đất nông nghiệp được chuyển đổi mục đích sản xuất cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp theo quy hoạch. Tăng cường quản lý chất lượng đất, khắc phục tình trạng thoái hóa, suy giảm chất lượng đất...

Thực hiện chủ trương này, tại dự thảo Luật Ðất đai (sửa đổi), các cơ quan có thẩm quyền đã nâng hạn mức nhận chuyển QSDÐ nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân không quá 15 lần hạn mức giao đất nông nghiệp của cá nhân đối với mỗi loại đất quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Ðiều 170 của Luật Ðất đai. 

Theo quy định tại Ðiều 170, Dự thảo Luật Ðất đai (sửa đổi), hạn mức giao đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân đối với mỗi loại đất như: đất trồng cây hằng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối cho mỗi hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp, không quá 3ha cho mỗi loại đất đối với tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thuộc khu vực Ðông Nam Bộ và khu vực ÐBSCL; không quá 2ha cho mỗi loại đất đối với tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác. Ðất trồng cây lâu năm cho mỗi hộ gia đình, cá nhân không quá 10ha đối với xã, phường, thị trấn ở đồng bằng; không quá 30ha đối với xã, phường, thị trấn ở trung du, miền núi. Hạn mức giao đất cho mỗi hộ gia đình, cá nhân không quá 30ha đối với mỗi loại đất: đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất.

Trong khi đó, theo quy định pháp luật hiện hành, hạn mức nhận chuyển QSDÐ nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân không quá 10 lần hạn mức giao đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân đối với mỗi loại đất. Ông Trần Văn Gương, người dân ở xã Trung Hưng, huyện Cờ Ðỏ, cho biết: “Tôi đồng ý với quy định nâng hạn mức nhận chuyển QSDÐ nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân. Với quy định như vậy mới tạo ra những cánh đồng mẫu lớn hay những vùng đất sản xuất nông nghiệp lớn, thuận tiện cho nông dân áp dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất hàng hóa, nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Ðồng thời, giúp bà con yên tâm đầu tư vào sản xuất nông nghiệp”.

Một trong những quy định của Dự thảo Luật Ðất đai (sửa đổi) cũng được người dân đồng tình là mở rộng đối tượng được nhận chuyển nhượng QSDÐ đất trồng lúa là tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp. Theo Luật Ðất đai năm 2013 quy định hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp và tổ chức kinh tế không được nhận chuyển nhượng QSDÐ đất trồng lúa, để thực hiện dự án sản xuất nông nghiệp... Ông Lương Duy Khanh, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Thới Lai, cho biết: “Theo tôi, quy định này của Luật Ðất đai năm 2013 đã làm hạn chế việc đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, chưa khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, huy động các nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp phù hợp với sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn. Tôi rất đồng tình khi Dự thảo Luật Ðất đai (sửa đổi) đã sửa đổi theo hướng không hạn chế tổ chức, hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp được nhận chuyển nhượng QSDÐ trồng lúa. Tuy nhiên, tôi đề nghị cũng cần có quy định về giới hạn đối tượng được nhận chuyển nhượng QSDÐ trồng lúa. Vì nếu mở rộng có thể sẽ ảnh hưởng đến việc đảm bảo đất sản xuất cho nông dân”. Ông Nguyễn Văn Oai, nông dân xã Ðịnh Môn, huyện Thới Lai, cũng thống nhất cao với quy định của Dự thảo Luật Ðất đai (sửa đổi) về đối tượng nhận chuyển nhượng QSDÐ nông nghiệp. Ông Oai bộc bạch: "Tôi đồng ý với việc mở rộng đối tượng nhận chuyển nhượng QSDÐ nông nghiệp. Với quy định này, tôi hy vọng, các cá nhân, tổ chức có điều kiện mạnh dạn đầu tư vào sản xuất nông nghiệp. Qua đó, giúp nông dân có thêm công ăn việc làm, cải thiện đời sống".      

Chia sẻ bài viết