17/11/2013 - 19:20

Hà Nội-Cần Thơ hợp tác liên kết phát triển du lịch:

Mở ra hướng mới phát triển du lịch 2 vùng miền

Mới đây, đoàn Famtrip Hà Nội do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Hà Nội làm trưởng đoàn, cùng với gần 30 doanh nghiệp du lịch đã đến khảo sát các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và TP Cần Thơ. Tại TP Cần Thơ, đoàn Famtrip Hà Nội đã gặp gỡ giao lưu hợp tác với gần 40 doanh nghiệp lữ hành, nhà hàng, khách sạn…trên địa bàn. Theo các doanh nghiệp lữ hành Hà Nội, ở ĐBSCL nói chung và TP Cần Thơ nói riêng có nhiều tiềm năng lợi thế để phát triển du lịch mà không vùng miền nào có được, đó là sông nước miệt vườn. Đây là sản phẩm hấp dẫn du khách miền Bắc.

Miền Tây trong mắt người Hà Nội…

Nói đến miền Tây, du khách nghĩ ngay đến miền sông nước miệt vườn, ruộng đồng bao la thẳng cánh cò bay, trái cây bốn mùa trĩu quả. Nơi đó, có dòng sông Mekong huyền thoại, với 9 dòng sông đổ ra biển mà mọi người gọi là Cửu Long- Chín Rồng. Những dòng sông thơ mộng uốn lượn quanh thảm lúa chín vàng và những vườn trái cây xanh ngát bạt ngàn như bức tranh thủy mặc. Sông nước miệt vườn hữu tình cùng với lòng hiếu khách của người dân nơi đây làm không ít du khách say đắm lòng, như câu ca "Cần Thơ gạo trắng, nước trong. Ai đi đến đó lòng không muốn về". Không ít doanh nghiệp trong đoàn Famtrip Hà Nội đã cảm nhận điều đó trong chuyến khảo sát miền Tây mới đây.

Một góc Mekong Riverside Resort (Tiền Giang).

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ lữ hành UNESCO Hà Nội, Giám đốc Ánh Dương Tours, sau khi khảo sát các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, TP Cần Thơ, đã bộc bạch: "Chúng tôi rất ấn tượng với mùa nước nổi miền Tây, thật hấp dẫn khi du khách được thưởng thức các món ăn đặc sản của miền sông nước như canh chua cá linh bông điên điển hay được ngồi thuyền len lõi giữa những rừng tràm bạt ngàn xanh ngát, đắm mình trong thiên nhiên của Tràm Chim (Đồng Tháp) hay rừng tràm Trà Sư (An Giang), hít thở không khí trong lành thật là sảng khoái. Chúng tôi nghĩ du lịch miền Tây sẽ rất hấp dẫn du khách Hà Nội và cả miền Bắc…".

Thiên nhiên đã ban tặng cho ĐBSCL hệ sinh thái phong phú, có cả sông nước miệt vườn, biển đảo, núi rừng…du khách có thể "lên rừng xuống biển", "lên núi xuống đồng bằng" hay bồng bềnh trên nước vào mùa nước nổi ngắm hoa sen, hoa súng, khám phá nghề câu lưới của người dân vùng lũ, hoặc du thuyền ghé thăm các chợ nổi trên sông-để tận mắt thấy cảnh nhộn nhịp buôn bán trên sông và được dịp tìm hiểu cuộc sống của thương hồ… Qua chuyến khảo sát, ông Mai Tiến Dũng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Hà Nội, Trưởng đoàn Famtrip Hà Nội, đánh giá rất cao tiềm năng lợi thế phát triển du lịch của TP. Cần Thơ nói riêng và ĐBSCL nói chung: "ĐBSCL có đặc thù cảnh quan du lịch tự nhiên, sông nước miệt vườn không pha trộn, không giống miền nào trên đất nước. Tài nguyên du lịch nơi đây rất phong phú từ cảnh quan cho đến tập quán sản xuất, đời sống sinh hoạt của dân cư mỗi địa phương đều có nét riêng…có thể phát triển tốt du lịch nhân văn. Sự khác biệt này, rất hấp dẫn để du khách khám phá. Nếu chúng ta biến những tài nguyên thiên nhiên này thành sản phẩm du lịch đặc thù, đúng với thị hiếu của du khách chắc chắn sẽ thành công, hấp dẫn du khách miền Bắc nhất là người dân Thủ đô Hà Nội…".

Triển vọng mới cho du lịch 2 vùng miền

Từ nhiều năm nay nhất là khi đường bay Cần Thơ-Hà Nội hình thành, TP Cần Thơ cùng các tỉnh ĐBSCL xem Hà Nội và miền Bắc là thị trường mục tiêu của du khách nội địa. TP Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL cùng nhau liên kết, hợp tác quảng bá du lịch sông nước miệt vườn với du khách Hà Nội và miền Bắc.

Tại đêm gặp gỡ giao lưu hợp tác với đoàn Famtrip Hà Nội, ông Nguyễn Khánh Tùng, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại Du lịch TP Cần Thơ, cho biết trong 10 tháng đầu năm 2013, thành phố đã đón tiếp hơn 1,1 triệu lượt du khách trong và ngoài nước, trong đó, có nhiều đoàn du khách Hà Nội, miền Bắc. "Vài năm trở lại đây, mối liên kết hợp tác giữa TP Cần Thơ và TP Hà Nội ngày càng phát triển bền chặt hơn. Số lượng du khách từ cả 2 phía đều tăng lên đáng kể. Đó là kết quả từ 2 bên đã phối hợp tổ chức nhiều cuộc khảo sát du lịch, tập hợp các đơn vị lữ hành, công ty du lịch của địa phương để tìm hiểu và giới thiệu sản phẩm du lịch với nhau. Sau chuyến Famtrip Hà Nội lần này, Cần Thơ-Hà Nội tiếp tục liên kết hợp tác sẽ tìm ra được những sản phẩm hấp dẫn để thiết kế tour, tuyến du lịch mới, thu hút thêm khách du lịch đến Cần Thơ, ĐBSCL và ngược lại…", ông Nguyễn Khánh Tùng chia sẻ. Đây cũng là dự đoán của các doanh nghiệp lữ hành, nhà hàng, khách sạn, các điểm du lịch miệt vườn.

Ông Nguyễn Hiếu Thuận, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hệ thống Nhà hàng Cây Bưởi, cho biết: " Từ khi tham gia chương trình giảm giá kích cầu tại Hà Nội ("Chương trình kích cầu giảm giá du lịch ĐBSCL" quảng bá tại Hà Nội vào giữa năm 2013), Hệ thống nhà hàng Cây Bưởi đã đón tiếp hàng ngàn du khách từ Hà Nội, miền Bắc đến ăn uống. Chúng tôi nhận thấy du khách Hà Nội và miền Bắc rất thích những món ăn đặc sản của miền sông nước Cửu Long - là những đặc sản của nhà hàng chúng tôi được thực khách ưa chuộng nhiều năm qua. Qua chuyến Famtrip Hà Nội, Hệ thống Nhà hàng Cây Bưởi chắc chắn sẽ tiếp tục đón tiếp du khách nhiều hơn nữa…".

Triển vọng mới phát triển du lịch Hà Nội-Cần Thơ đang mở ra cho 2 vùng miền. "Hà Nội - trung tâm sông Hồng, kết nối các tỉnh phía Bắc, Cần Thơ - trung tâm ĐBSCL, nơi đón tiếp và phân phối du khách đến ĐBSCL. Nếu chúng ta liên kết hợp tác cùng nhau xây dựng sản phẩm du lịch, quảng bá, tổ chức trao đổi với nhau đưa du khách vào ra, chắc hẳn du lịch Hà Nội - Cần Thơ nói riêng và 2 miền Nam-Bắc nói chung sẽ phát triển mạnh hơn nhiều…", ông Mai Tiến Dũng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Hà Nội, nhận định.

Bài, ảnh: HUỲNH BIỂN

 

Chia sẻ bài viết