13/07/2009 - 20:59

Mở hướng đi cho học sinh rớt tốt nghiệp THPT

Từ những năm trước, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã khuyến khích các trường cao đẳng, trung cấp và dạy nghề mở loại hình đào tạo ngành nghề - văn hóa để xét tuyển học sinh chưa có bằng tốt nghiệp THPT. Loại hình đào tạo này giúp nhiều học sinh thi rớt tốt nghiệp THPT tiếp tục có cơ hội học tập ở bậc cao hơn...


Ông Nguyễn Văn Tín, ở phường Long Tuyền, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ có con trai học ở trường bán công, thi rớt trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2009. Lúc đầu, ông Tín dự định cho con học lại lớp 12 để thi tốt nghiệp năm sau. Tuy nhiên, suy đi tính lại, thấy học thêm 1 năm vừa mất thời gian, vừa hao tốn tiền bạc, ông quyết định nộp hồ sơ cho con học nghề Điện ở Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ (trước đây là Trường Trung cấp Bách nghệ Cần Thơ). Theo học 2 năm 3 tháng ở trường, con ông sẽ lấy được bằng trung cấp Điện và hiển nhiên được công nhận tốt nghiệp THPT, có thể tham dự kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng. Đây là hướng đi khả thi cho các học sinh rớt tốt nghiệp THPT. Chung Yến Nhi, học sinh ngành Hạch toán- Kế toán, Trường Trung cấp Kinh tế – Kỹ thuật Cần Thơ, cho biết: “Khi thi rớt kỳ thi tốt nghiệp THPT, em nộp hồ sơ dự tuyển ngành Kế toán. Qua hơn 1 năm học tập, em rất thích. Em dự định sẽ học liên thông lên bậc cao hơn. Cùng quê với em cũng có một số bạn vừa rớt tốt nghiệp THPT cũng đang xin vào học trường này”.

 Giờ thực hành trên máy Doa của học sinh lớp trung cấp Hàn - Tiện, Trường Cao đẳng Cơ điện và Nông nghiệp Nam bộ.

Theo thống kê của Phòng Đào tạo, Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ, hiện nay, trường nhận khoảng 500 hồ sơ dự tuyển của học sinh chưa tốt nghiệp THPT. Tổng chỉ tiêu xét tuyển của trường là 600 học sinh, cho 4 ngành Kế toán, Điện, Cơ khí, Tin học. Trong đó, trường dành 1/3 trong tổng chỉ tiêu để tuyển đối tượng học sinh rớt tốt nghiệp THPT. Ông Phan Minh Đẩu, Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ, cho biết: “Hiện nay, nhu cầu học tập của một bộ phận học sinh chưa tốt nghiệp THPT rất lớn, nhưng chỉ tiêu tuyển sinh của trường có giới hạn. Trong khoảng 500 hồ sơ, trường chỉ tuyển từ 200-250 học sinh”.

Cách đây 3 năm, Trường Cao đẳng Cơ điện và Nông nghiệp Nam Bộ đã tuyển sinh đào tạo một số ngành nghề cho đối tượng chưa tốt nghiệp THPT. Trường đào tạo theo nhiều hình thức: đào tạo tại trường, liên kết đào tạo với các Trung tâm Dạy nghề ở các tỉnh, thành vùng ĐBSCL. Với hình thức đào tạo tại trường, trường sẽ hợp đồng với giáo viên của Trung tâm Giáo dục thường xuyên trên địa bàn để giảng dạy văn hóa; trường đảm nhận phần đào tạo nghề. Những lớp liên kết với các Trung tâm Dạy nghề thì trung tâm chịu trách nhiệm dạy văn hóa cho học sinh. Những học sinh học hết chương trình THPT nhưng chưa tốt nghiệp sẽ được ôn tập văn hóa 3 tháng, sau đó học 2 năm nghề. Sau khi tốt nghiệp, học sinh sẽ được cấp bằng trung cấp nghề. Bằng này vừa có giá trị bằng nghề và vừa là bằng tốt nghiệp THPT.

Theo quy định hiện hành của Luật Giáo dục và quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng, khi có bằng tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp, người học hoàn toàn đủ điều kiện tham gia dự thi, dự tuyển đại học, cao đẳng hoặc các chương trình đào tạo liên thông lên trình độ cao hơn. Thạc sĩ Lê Thái Dương, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện và Nông nghiệp Nam Bộ, cho biết: “Ưu điểm của mô hình đào tạo ngành nghề- văn hóa là giúp học sinh chưa tốt nghiệp THPT có cơ hội học cao hơn mà không phải học lại chương trình THPT. Điều này sát với thực tế nhu cầu xã hội, bởi không phải học sinh nào cũng có điều kiện học lại để thi lấy bằng THPT; đồng thời cũng tạo điều kiện phân luồng hiệu quả đối với học sinh sau tốt nghiệp THCS, THPT”.

Theo thạc sĩ Lê Thái Dương, nhược điểm của mô hình này là thời gian học 2 năm 3 tháng, học sinh phải đóng khoản chi phí cho 3 tháng học văn hóa. Còn với học sinh tốt nghiệp THCS thì phải học liên tục 1 năm văn hóa và 2 năm nghề. Trong 1 năm học văn hóa, đa phần học sinh rất ngán ngại nên có tình trạng bỏ học. Để khắc phục, trường đã linh động sắp xếp cho học sinh vừa học nghề, vừa xen lẫn học văn hóa. Nhưng, trên thực tế, khi thực hiện, chương trình học rất nặng, trường bị động trong điều hành kế hoạch... Thạc sĩ Lê Thái Dương nói: “Chương trình trung cấp nghề đào tạo trên nền tảng chương trình THPT. Do đối tượng tuyển sinh chưa tốt nghiệp THPT, giáo viên phải điều chỉnh phương pháp giảng dạy cho phù hợp”.

Về điều này, ông Phan Minh Đẩu thừa nhận: “Nguồn tuyển sinh không thiếu nhưng đối tượng chưa tốt nghiệp THPT có trình độ yếu hơn so với học sinh đã tốt nghiệp THPT, đòi hỏi giáo viên phải nỗ lực rất nhiều”. Trước nhu cầu xã hội, trường tiếp tục duy trì và mở rộng qui mô đào tạo. Năm học 2009-2010, trường dự kiến tuyển 900 học sinh cho các ngành: Cơ khí, Điện, Tin học, Kế toán, Quản trị kinh doanh, Ngân hàng, Luật. Trường sẽ dành 1/3 chỉ tiêu tuyển đối tượng rớt tốt nghiệp THPT.

***

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2009 vừa qua, khu vực ĐBSCL có hàng chục ngàn học sinh rớt tốt nghiệp. Mô hình đào tạo ngành nghề- văn hóa ở các trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, dạy nghề tạo thêm một hướng đi cho học sinh chọn lựa.

Bài, ảnh: B.NGỌC

Chia sẻ bài viết