15/04/2017 - 16:05

Mở cơ hội hợp tác với doanh nghiệp Pháp

TP Cần Thơ có mối quan hệ giao thương ngày càng gắn bó với Cộng hòa Pháp. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang Pháp liên tục tăng trong 5 năm qua và đạt trên 31 triệu USD năm 2016. Mới đây, đoàn Câu lạc bộ (CLB) Số 1 thế giới-Cộng hòa Pháp đã đến tìm hiểu môi trường đầu tư, kinh doanh tại TP Cần Thơ với mong muốn tìm kiếm cơ hội hợp tác với doanh nghiệp TP Cần Thơ.

Nhiều cơ hội hợp tác

Theo ông Jacques Aurin, Tổng Thư ký CLB Số 1 thế giới, CLB được thành lập vào tháng 1-1989 nhằm mục đích tập hợp các công ty của Pháp, hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau. CLB đóng vai trò quan trọng trong phát triển thương mại, xuất khẩu của Pháp và đang hoạt động để tăng cường trao đổi ngoại thương cũng như văn hóa Pháp. Đến TP Cần Thơ lần này, CLB rất quan tâm đến các nhà cung cấp dịch vụ Việt Nam liên quan đến hợp tác với các công ty của Pháp, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp, nông sản, lĩnh vực sức khỏe, trang thiết bị y tế, dịch vụ... Đoàn cũng muốn tìm hiểu về các lĩnh vực TP Cần Thơ đang có nhu cầu thu hút đầu tư, danh mục các dự án đầu tư tiềm năng. Từ đó, tìm cơ hội kết nối giữa doanh nghiệp Cần Thơ và doanh nghiệp Pháp trong thời gian tới trên những lĩnh vực cụ thể.

Công ty TNHH MTV Quang Phát giới thiệu sản phẩm gạo xuất khẩu đến đoàn CLB Số 1 thế giới.

Về quan hệ thương mại, TP Cần Thơ chuyên xuất khẩu sang Pháp các mặt hàng: thủy sản, may mặc, thủ công mỹ nghệ và nhập khẩu từ Pháp các sản phẩm nguyên liệu dược, nông dược, phân bón, hóa chất… Trên địa bàn thành phố hiện có 2 dự án ODA do Pháp tài trợ (Dự án Trang thiết bị cho Bệnh viện Đa khoa thành phố 19,5 triệu euro và Dự án kè thích ứng biến đổi khí hậu cho sông Cần Thơ 33 triệu euro) và 6 dự án đầu tư FDI từ Pháp. Theo Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Võ Thành Thống, nhằm thúc đẩy quan hệ giao thương với Cộng hòa Pháp, TP Cần Thơ đã kết nghĩa với thành phố Nice và thành phố La Seyne-sur-Mer. Mối quan hệ hợp tác giữa TP Cần Thơ với các thành phố của Pháp mang đến nhiều kết quả tốt đẹp; trao đổi giao thương 2 chiều giữa Cần Thơ và Pháp tăng đáng kể trong những năm gần đây.

TP Cần Thơ đang trên đà phát triển theo định hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Do đó, thành phố đặc biệt chú trọng thu hút đầu tư các ngành liên quan đến lĩnh vực công nghệ, công nghệ thông tin, công nghệ chế biến thực phẩm. Theo Tiến sĩ Dương Thái Công, Hiệu trưởng Trường Đại học Kỹ thuật Công nghệ Cần Thơ, nếu các doanh nghiệp Pháp đầu tư ngày càng nhiều vào ĐBSCL, không chỉ thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao mà còn góp phần thúc đẩy giao lưu văn hóa Việt - Pháp. Do đó, Trường mong muốn CLB Số 1 thế giới sẽ làm cầu nối để Trường có cơ hội liên kết với các Trường Đại học của Pháp nhằm hợp tác đào tạo trong 2 ngành chính là công nghệ thông tin và công nghệ chế biến nông, thủy sản. Đây là 2 ngành phù hợp với định hướng phát triển công nghiệp của TP Cần Thơ trong tương lai, cũng như đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho thành phố nói riêng và ĐBSCL nói chung.

Kết nối giao thương

Theo bà Martine Fumey, Phó Chủ tịch CLB Số 1 thế giới, TP Cần Thơ có tiềm năng, thế mạnh trên các lĩnh vực công nghiệp, thương mại-dịch vụ, nông nghiệp. Nhiều sản phẩm chủ lực đã được xuất khẩu đến nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có các nước châu Âu. Nhiều doanh nghiệp của TP Cần Thơ rất năng động và có quyết tâm chinh phục thị trường thế giới. Chuyến làm việc lần này đã giúp CLB thu thập được nhiều thông tin về hoạt động của các doanh nghiệp tại Cần Thơ, các thế mạnh của thành phố và các nhu cầu mời gọi đầu tư. Các thông tin này sẽ được chuyển đến các thành viên trong CLB để các doanh nghiệp có thể tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư sâu hơn với các doanh nghiệp của TP Cần Thơ trong các lĩnh vực phù hợp.

Đoàn CLB Số 1 thế giới tham quan nhà máy chế biến gạo xuất khẩu của Công ty TNHH MTV Quang Phát. Ảnh: MINH HUYỀN

Tiếp đoàn doanh nghiệp Pháp đến thăm nhà máy chế biến gạo xuất khẩu của công ty, bà Huỳnh Thị Bích Tuyền, Giám đốc Công ty TNHH MTV Quang Phát, quận Thốt Nốt, chia sẻ: Công ty hiện liên kết xây dựng vùng nguyên liệu với diện tích 3.000ha nên đảm bảo chặt chẽ khâu nguyên liệu đầu vào đến xuất khẩu. Bình quân công ty xuất khẩu 150.000 tấn gạo/năm và tập trung chủ yếu ở thị trường Mỹ, Canada, châu Âu và châu Á. Hiện nay, công ty chưa xuất khẩu trực tiếp gạo sang Pháp nhưng có liên kết với đối tác ở Canada để xuất khẩu gạo đóng túi sang Pháp và một số nước châu Âu. Với sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng, công ty tự tin có thể đáp ứng được các nhu cầu của những khách hàng ở những thị trường khó tính. Do đó, công ty mong muốn CLB Số 1 giới thiệu các đối tác từ Pháp để thuận lợi xuất khẩu gạo trực tiếp vào thị trường này.

Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, Võ Thành Thống khẳng định: "Cần Thơ nói riêng và ĐBSCL nói chung có thế mạnh về xuất khẩu nông sản, thủy sản. Thành phố mong muốn mời gọi các nhà đầu tư Pháp đến Cần Thơ đầu tư trong các lĩnh vực chế biến sâu, công nghệ hiện đại để tạo ra giá trị gia tăng cho sản phẩm và tăng khả năng xuất khẩu vào thị trường Pháp nói riêng và châu Âu nói chung. Thành phố cam kết sẽ đồng hành hỗ trợ các nhà đầu tư đến từ Pháp để thúc đẩy mối quan hệ hợp tác lâu dài và bền chặt từ 2 phía". Theo ông Jacques Aurin, Tổng Thư ký CLB Số 1 thế giới, dự kiến cuối năm 2017, CLB sẽ tiếp tục quay lại Cần Thơ cùng với đoàn các doanh nghiệp Pháp quan tâm đến những lĩnh vực thành phố đang mời gọi, thu hút đầu tư. Khi đó, các doanh nghiệp Pháp và doanh nghiệp Cần Thơ sẽ có nhiều cơ hội để trao đổi thông tin trực tiếp và tìm kiếm những cơ hội kết nối phù hợp.

Bài, ảnh: MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết