11/10/2010 - 08:27

Mít tinh diễu binh, diễu hành trọng thể kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội

Sáng 10-10, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và thành phố Hà Nội đã tổ chức trọng thể Lễ mít tinh, diễu binh, diễu hành kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội trên Quảng trường Ba Đình lịch sử.

Dự buổi lễ trọng thể này có các đồng chí: Nông Đức Mạnh, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam; các đồng chí nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu; Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết; các đồng chí nguyên là Chủ tịch nước Lê Đức Anh, Trần Đức Lương; Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; nguyên Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải; Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An; đồng chí Huỳnh Đảm, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội.

Tham dự Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội còn có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ chính trị; Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Trung ương Đảng; Phó Chủ tịch nước, nguyên Phó Chủ tịch nước; Phó Thủ tướng Chính phủ, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ; Phó Chủ tịch Quốc hội, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội; khách mời quốc tế, Đại sứ, đại diện, các Trưởng đại diện các tổ chức quốc tế ở Việt Nam. Tham dự Lễ kỷ niệm còn có đại diện các Ban, Bộ, ngành, đoàn thể Trung ương; đại diện các cơ quan ban, ngành, đoàn thể Hà Nội; đại diện các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cán bộ lão thành cách mạng, Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang, Anh hùng lao động, các tướng lĩnh. Bà mẹ Việt Nam anh hùng.

Gần 4 vạn đồng bào, chiến sĩ đại diện cho hàng triệu đồng bào, chiến sĩ Thủ đô và cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài đã tham dự Lễ kỷ niệm trọng đại này.

Đúng 7 giờ 57 phút, ngọn đuốc lấy từ Bảo tàng Hồ Chí Minh được những vận động viên tiêu biểu rước về Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và trao cho Anh hùng Lực lượng vũ trang, Đại tá Nguyễn Văn Bình thắp lên Đài lửa. Ngọn lửa thiêng bừng sáng trên Đài lửa kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội, khơi dậy sức mạnh dân tộc Việt Nam, cổ vũ toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Ngay sau đó là Lễ chào cờ, tiếng hát Quốc ca vang trầm, sâu lắng được 1000 người dân Thủ đô Hà Nội hát vang trong tiếng nhạc và tiếng rền vang của 21 phát đại bác. Cả Quảng trường Ba Đình như cảm nhận được sự hiện diện đâu đó trên không trung hồn thiêng của các bậc tiền nhân, những anh hùng liệt sĩ đã hy sinh cho sự vững bền và hưng thịnh của Tổ quốc.

Khối công nhân diễu hành qua Lễ đài.  Ảnh: ĐỨC TÁM  

Khối Sĩ quan Hải quân diễu hành.  Ảnh: ĐINH XUÂN TUÂN 

Trong không khí trang nghiêm đó, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Minh Triết đã đọc bài diễn văn quan trọng Kỷ niệm Thăng Long-Hà Nội tròn nghìn năm tuổi. Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Nguyễn Minh Triết gửi tới đồng bào Thủ đô, đồng bào cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài cùng bạn bè quốc tế lời chia vui và cảm ơn chân thành về những tình cảm đặc biệt dành cho Thủ đô Hà Nội, cho Việt Nam trong dịp Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội. Diễn văn của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nêu rõ: Cách đây tròn 1000 năm, vào mùa Thu năm 1010, tiếp nối sự nghiệp dựng nước của các Vua Hùng, các bậc tiên liệt, Đức Thái Tổ Lý Công Uẩn với tầm nhìn chiến lược đã quyết định dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long, mở ra thời kỳ phát triển huy hoàng của kinh đô quốc gia Đại Việt. Từ mốc son lịch sử đó đến thời đại Hồ Chí Minh quang vinh, trải qua 1000 năm với bao biến cố thăng trầm, Thăng Long-Hà Nội vẫn tư thế vững vàng, khí phách hiên ngang, xứng đáng là trái tim của cả nước để hôm nay cả dân tộc trùng phùng. Vào giờ phút thiêng liêng này, toàn thể đồng bào ta từ mọi miền đất nước, từ thành thị đến nông thôn, từ núi rừng đến hải đảo, kiều bào ở nước ngoài đang hướng về Thủ đô nghìn năm văn hiến.

“... Chào mừng những thành tựu của 1000 năm Thăng Long-Hà Nội, chúng ta trân trọng những đóng góp của cả nước với Thủ đô và những đóng góp của Thủ đô với cả nước. Đó là tinh thần “cả nước vì Thủ đô, Thủ đô vì cả nước”. Là nơi hội tụ và kết tinh những giá trị truyền thống của toàn dân tộc, Thăng Long - Hà Nội nổi bật lên phẩm chất đặc biệt: Văn hiến, Anh hùng, Hòa bình, Hữu nghị.

Chúng ta yêu mến và tự hào về Thủ đô Anh hùng- danh hiệu cao quí mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã tặng cho Thăng Long - Hà Nội. Đứng giữa Thủ đô huy hoàng trong ngày Đại lễ, chúng ta thành kính bày tỏ lòng biết ơn vô hạn đối với Tổ tiên và các thế hệ tiền nhân đã có công khai sáng Kinh thành Thăng Long. Chúng ta thành kính tưởng nhớ và biết ơn vô hạn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại; các nhà yêu nước, cách mạng tiền bối; các anh hùng liệt sĩ; các thế hệ công nhân, nông dân, trí thức, lực lượng vũ trang Hà Nội và cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài đã có công xây dựng và bảo vệ Thủ đô.

Kỷ niệm Nghìn năm Thăng Long-Hà Nội là dịp để chúng ta tiếp tục khẳng định những phẩm chất cao quí và truyền thống tốt đẹp: Văn hiến, anh hùng, hòa bình, hữu nghị của Thủ đô, của đất nước con Hồng, cháu Lạc. Đó cũng chính là lẽ sống, là đạo đức và phong cách ứng xử của con người Việt Nam. Đó là di sản vô giá của Tổ tiên cùng các thế hệ ông cha ta để lại. Chúng ta có trách nhiệm giữ gìn, truyền lại cho muôn đời con cháu mai sau và phát huy lên một tầm cao mới trong thời đại Hồ Chí Minh...”.

(Trích Diễn văn của Chủ tịch nước
Nguyễn Minh Triết tại Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội)

Lễ diễu binh chính thức bắt đầu với sự xuất hiện trên bầu trời Ba Đình 10 chiếc máy bay trực thăng của 3 phi đội bay thuộc Bộ đội Không quân nhân dân Việt Nam. 10 chiếc máy bay bay chậm theo đội hình hàng dọc mang theo cờ Đảng, cờ Tổ quốc, cờ lễ và tấm băng lớn mang dòng chữ “1000 năm Thăng Long-Hà Nội”. Tiếp đó là khối Nghi tượng với xe mô hình Quốc huy, xe mang ảnh Bác và 200 vận động viên mang cờ Đảng, cờ Tổ quốc, Hồng kỳ tiến vào lễ đài từ phía Bắc đường Hùng Vương. Xe mô hình Quốc huy có 54 cô gái và 54 chàng trai đại diện cho 54 dân tộc anh em trong khối đại đoàn kết cộng đồng các dân tộc Việt Nam đi hai bên. Xe mang ảnh Bác Hồ được quây quần bởi đông đảo các em thiếu niên, nhi đồng Hà Nội, đại diện cho thế hệ trẻ cả nước; thể hiện tình cảm của Bác với các cháu thiếu niên nhi đồng Việt Nam nói riêng và thế hệ trẻ Việt Nam nói chung cũng như của thế hệ trẻ Việt Nam với Bác kính yêu. Chủ tịch Hồ Chí Minh, “Anh hùng giải phóng dân tộc”, “Nhà Văn hóa kiệt xuất của Việt Nam”; Người sáng lập, rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam; Người đọc Bản Tuyên ngôn độc lập ngày 2-9 tại Quảng trường Ba Đình, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tư tưởng Hồ Chí Minh, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là tài sản tinh thần quý giá của Đảng và dân tộc ta “Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch, người anh hùng dân tộc vĩ đại và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta”.

Tiếp sau khối Nghi tượng là Xe chỉ huy do Trung tướng Nguyễn Văn Thành, Anh hùng lực lượng vũ trang, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam và Tổ quân kỳ toàn quân dẫn đầu; khối danh dự của 3 Quân chủng Lục quân, Phòng không-Không quân và Hải quân của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Bảo vệ Quân kỳ Quyết thắng là khối danh dự 3 Quân chủng, đại diện cho lực lượng đông đảo, nòng cốt của Quân đội nhân dân Việt Nam; đã làm nên những chiến thắng lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu trong các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Đường Hùng Vương rầm rập bước chân đi oai hùng của đội ngũ tướng lĩnh, sĩ quan, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam. Những gương mặt uy nghiêm, tự tin của người lính hôm nay làm chúng ta nhớ về gương mặt 34 chiến sĩ trong Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân- tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng ra đời hơn 65 năm trước. Quân đội ta từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu; được Bác Hồ sáng lập và nhân dân nuôi dưỡng; được Đảng lãnh đạo, những người chiến sĩ hôm nay đang tiếp bước truyền thống cha anh sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, vì hạnh phúc của nhân dân. Trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, Quân đội nhân dân Việt Nam thực sự là lực lượng chính trị, là đội quân chiến đấu tuyệt đối trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Quân đội nhân dân Việt Nam được xây dựng chính qui, tinh nhuệ và từng bước tiến lên hiện đại; cùng toàn Đảng, toàn dân giữ vững ổn định chính trị, bảo vệ cuộc sống nhân dân; góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Tiếp tục tiến vào lễ đài là các khối: Quân nhạc, Sĩ quan lục quân, Sĩ quan Phòng không - Không quân, Sĩ quan Hải quân, Sĩ quan Biên phòng, Nữ Sĩ quan Thông tin; Sư đoàn 304, Đặc công, Cảnh sát biển, Công an nhân dân, Nữ Cảnh sát giao thông; cảnh sát cơ động Thủ đô, khối nam tự vệ Thủ đô, nam dân quân, nữ dân quân tự vệ các dân tộc.

Khối diễu hành của Thủ đô Hà Nội tiến vào lễ đài với Xe rước hình tượng Rồng thời Lý, xe rước biểu trưng của Thủ đô Hà Nội, xe rước Bằng công nhận Hoàng thành Thăng Long là Di sản Văn hóa thế giới. Trải qua nghìn năm lịch sử, Thăng Long- Hà Nội là niềm kiêu hãnh của cả dân tộc Việt Nam. Biểu trưng Hà Nội của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là hình tượng cách điệu của Khuê Văn các, ngôi sao đặc trưng của văn hiến Việt Nam. Nghìn năm qua, Thăng Long-Hà Nội luôn là Trung tâm chính trị- hành chính, quyết định vận mệnh quốc gia. Đất Kinh kỳ thu hút hiền tài bốn phương, hội tụ tinh hoa văn hóa dân tộc và thế giới, hình thành nền văn hiến Thăng Long- Hà Nội, tỏa sáng mọi miền đất nước. Trong sự nghiệp đổi mới, Thủ đô Hà Nội đã chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, xứng đáng là “Thành phố anh hùng”, “Thành phố vì hòa bình”, “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”.

Dẫn đầu khối diễu hành trong ngày kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội là khối Cựu chiến binh- những nguời lính sau khi đã làm tròn sứ mệnh vẻ vang với Tổ quốc trở về với cuộc sống đời thường nhưng vẫn luôn giữ trong mình phẩm chất ngời sáng của anh bộ đội Cụ Hồ, tham gia tích cực vào các hoạt động đời sống xã hội ở các làng quê, vùng sâu vùng xa cho đến những phố phường nhộn nhịp.

Tiếp đến là khối Công nhân, Nông dân, Trí thức; đây là lực lượng hùng hậu nhất trong xã hội, quyết định đến sự thành bại trong việc thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; xây dựng đất nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Quảng trường Ba Đình rực rỡ cờ hoa. Ảnh: THANH HÀ
 

Lễ thắp Đài lửa. Ảnh: DOÃN TẤN (TTXVN) 

Tiếp theo là các khối: Công chức, Viên chức nhà nước; khối Doanh nhân, Thanh niên, Phụ nữ, các Dân tộc, Tôn giáo... Khối doanh nhân Việt Nam đã chọn biểu tượng Ngựa Gióng, thể hiện cho mong muốn và ý chí đạt được tốc độ phát triển thần kỳ, nhanh như bước chân ngựa Gióng năm xưa. Cả nước ta hiện có 4 triệu doanh nhân đang tiến hành sản xuất kinh doanh tại nhiều doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế.

Khối các dân tộc lộng lẫy sắc màu 54 dân tộc trong bộ trang phục truyền thống; là con Rồng cháu Tiên từ khắp mọi miền đất nước hội tụ về Thăng Long- Hà Nội trong ngày Đại lễ giơ cao trên tay ảnh “Bác Hồ với các dân tộc Việt Nam”, khắc sâu tình cảm của Bác Hồ dành cho đồng bào các dân tộc cũng như thể hiện quyết tâm đoàn kết, đi theo Đảng, theo Bác Hồ của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam. Đồng bào các dân tộc thiểu số ở Việt Nam chiếm 14% dân số cả nước, sống xen kẽ trên 3/4 lãnh thổ ở vùng miền núi. Miền núi cao rừng sâu- nơi sinh sống của đồng bào dân tộc thiểu số từng là an toàn khu của cách mạng trong các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc trước đây; bà con một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ; ngày nay, trong sự nghiệp đổi mới, bà con đồng bào vẫn hướng niềm tin theo Đảng, chung tay phát triển kinh tế xã hội, bảo vệ an ninh vùng biên giới.

Khối Kiều bào tham gia diễu hành là đại diện cho một lực lượng đông đảo bà con cộng đồng người Việt Nam đang làm ăn sinh sống xa Tổ quốc nhưng luôn một lòng một dạ hướng về cội nguồn. Kiều bào ta ở nước ngoài trong những năm qua đã góp phần tích cực vào việc đầu tư phát triển kinh tế nước nhà, giữ gìn và bảo vệ bản sắc văn hóa người Việt; đoàn kết tương trợ giúp đỡ người thân, cộng đồng trong nước mỗi lúc có khó khăn...

Khối bạn bè quốc tế tham gia diễu hành cùng những người bạn Việt Nam như minh chứng cho kết quả của một chính sách đối ngoại rộng mở đúng đắn của Việt Nam - Việt Nam muốn làm bạn với tất vả các nước. Tính đến nay, nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thiết lập ngoại giao với 179 quốc gia; trao đổi kinh tế thương mại với 224 nước và vùng lãnh thổ. Việt Nam cũng là thành vên của gần 70 tổ chức quốc tế và khu vực.

Khối Thông tấn báo chí biểu dương lực lượng với đội ngũ đông đảo những người làm báo tăng nhanh trong những năm qua. Đến nay, trên cả nước, có 706 cơ quan báo chí in, 67 Đài Phát thanh- Truyền hình và hơn 17.000 nhà báo. Báo chí Việt Nam đang ngày càng khẳng định vị trí, vai trò không thể thiếu trong đời sống xã hội; đặc biệt là trong cuộc đấu tranh vì một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Báo chí Việt Nam đang và sẽ là chiếc cầu nối thông tin giữa Đảng với dân và giữa người dân với Đảng, Nhà nước; tích cực tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến mọi người trong xã hội cũng như phản ánh kịp thời những nguyện vọng của nhân dân đến Đảng và các cấp chính quyền Trung ương, địa phương.

Khép lại chương trình Lễ mít tinh, diễu binh, diễu hành là màn thể hiện của Khối diễu hành nghệ thuật - Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch với 2000 nghệ sĩ, diễn viên. Các nghệ sĩ đã mang tới Lễ kỷ niệm một chương trình nghệ thuật đặc sắc tôn vinh hào khí dân tộc với trống hội Thăng Long rộn rã, thôi thúc lòng người hòa quyện với hình ảnh những lá cờ dân tộc, từ cờ lau của thời Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân, định đô ở Hoa Lư, tiến tới cờ ngũ sắc của các triều đại phong kiến tự chủ và cờ đỏ sao vàng, cờ búa liềm của Đảng của độc lập, tự do, vững bước tiến vào tương lai trong thời đại Hồ Chí Minh lịch sử...

Lễ Mít tinh, diễu binh, diễu hành trên Quảng trường Ba Đình kết thúc trong khung cảnh đất trời giao hòa với lòng người; niềm vui hân hoan của mỗi người trước những đổi thay và phát triển của đất nước và Thủ đô yêu dấu.

Đoàn diễu binh, diễu hành sau khi đi hết đường Hùng Vương đến đường Nguyễn Thái Học được chia làm 2 đoàn: đoàn đi theo đường Tràng Thi, qua Tràng Tiền về tập kết tại Quảng trường Cách mạng tháng Tám; đoàn thứ hai đi theo đường Kim Mã và tập kết tại đường Ngọc Khánh. Người dân Thủ đô, bà con từ các tỉnh, thành phố trong nước và nước ngoài về Hà Nội, khách du lịch có thể đứng dọc hai bên tuyến đường đoàn diễu hành đi qua để chào mừng kết thúc thành công của Đại lễ.

CÔNG HẢI- THANH GIANG (TTXVN)

Chia sẻ bài viết