13/10/2016 - 13:09

Lời cảnh báo về sự tha hóa

Tiểu thuyết "Cõi người rung chuông tận thế" của nhà văn Hồ Anh Thái vừa đoạt giải "Sách hay 2016" hạng mục sách văn học. Tác phẩm được in lần đầu vào năm 2002. Với cách viết hấp dẫn cùng thông điệp ý nghĩa, sách được tái bản nhiều lần tại Việt Nam. Năm 2012, tiểu thuyết đến tay bạn đọc Mỹ khi NXB Đại học Tổng hợp Texas của Mỹ ấn hành bản bìa cứng và bản điện tử với nhan đề "Apocalypse Hotel" (Khách sạn ngày tận thế).

Tiểu thuyết mở đầu bằng cái chết kỳ lạ của Cốc trên bãi biển, khi anh ta định giở trò đồi bại với một cô gái xinh đẹp. Hai người bạn của Cốc là Bóp và Phũ nghi ngờ cô gái- vốn có cái tên đặc biệt: Mai Trừng- là kẻ giết người nên tìm cách trả thù. Chưa kịp ra tay, từng người chết bởi chính cách mà họ định giết cô gái: Bóp bị treo cổ còn Phũ bị tai nạn xe máy. Đông, chú ruột của Phũ- cũng là người chứng kiến câu chuyện từ đầu đến cuối, quyết dùng thuốc độc để thanh toán Mai Trừng, rửa hận cho 3 đứa cháu mà anh ta coi như bạn. Tuy nhiên, khi điều tra về thân phận của Mai Trừng, anh bàng hoàng trước sự thật nghiệt ngã về cô gái ấy. Sau nhiều đêm suy nghĩ cùng cuộc tái ngộ với người bạn cũ, Đông nhận ra rằng: trả thù sẽ tiếp tục gây ra oán nghiệt và không giải quyết được tận gốc vấn đề. Anh vứt bỏ viên thuốc độc và đi tìm Mai Trừng để sám hối. Nhưng, vẫn có những chuyện nằm ngoài dự kiến của anh…

Không chỉ hấp dẫn bằng những vụ án mạng bí ẩn, kỳ lạ; những tình tiết ly kỳ, bất ngờ; tiểu thuyết lôi cuốn người đọc bởi bút pháp sắc sảo của một cây bút đầy vốn sống và nhiều trải nghiệm. Trong tác phẩm, sự đối lập rõ ràng của quá khứ và hiện tại, cái thiện và cái ác, hiện thực và huyền ảo, bảo thủ và hội nhập; thời bao cấp và thời kinh tế thị trường; hận thù và tình yêu… được thể hiện sinh động qua số phận, cách sống của từng nhân vật, qua bối cảnh và nhận thức của từng lớp người. Trong đó, sự đối đầu giữa cái thiện và cái ác là chủ đề nổi bật của "Cõi người rung chuông tận thế".

Có thể nói, cái ác bao trùm gần như toàn bộ tác phẩm với muôn hình vạn trạng. Từ sự ác độc của bọn thám báo trong chiến tranh (mổ bụng moi tim gan người) cho đến cái ác trong tâm địa con người. 3 chàng trai: Cốc, Bóp, Phũ vừa có ngoại hình, vừa có tài năng, nhưng lại có lối sống sa đọa, tư tưởng thực dụng, sẵn sàng chiếm đoạt con gái nhà lành và ra tay hại người nếu không đạt được mục đích. Ngay cả Đông- nhân vật chính dẫn dắt đường dây câu chuyện cũng sa ngã, yếu đuối không dám phản kháng hay ngăn chặn những điều sai trái. Chính sự nhu nhược đã tiếp tay cho tội lỗi, cho những bi kịch không lối thoát.

Đối trọng với cái ác, tác giả đã xây dựng nên một hình ảnh mang tính siêu thực, huyền ảo: cô gái xinh đẹp Mai Trừng, gánh vác sứ mệnh mà cha mẹ cô ủy thác: mai này lớn lên sẽ trừng phạt những kẻ ác. Bất cứ ai có ý định xấu với cô hay hãm hại cô đều phải lãnh chịu hậu quả xứng đáng. Thế nhưng, cô gái ấy chỉ mong có cuộc sống bình thường như bao người khác. Bởi đối phó với cái ác phải là cuộc chiến tất cả mọi người chứ không phải của riêng ai. Đó cũng là thông điệp ý nghĩa mà tác giả muốn gửi gắm trong tác phẩm này.

Điểm sáng nhất của tiểu thuyết chính là hành trình sám hối, hành trình hướng thiện của nhân vật chính, góp phần làm nên "tiếng chuông cảnh báo" của tác giả về hậu quả khôn lường của cái ác, lòng tham và hận thù.

Cát Đằng

Chia sẻ bài viết