Khi nhận được lời cảm ơn "nhà du hành vũ trụ", bác sỹ Lưu Quang Thùy vô cùng xúc động. Đó chính là liều thuốc tinh thần giúp các bác sỹ ngày đêm kiên cường nơi tuyến đầu chống dịch.
Điều trị cho bệnh nhân tại Trung tâm Hồi sức tích cực điều trị người bệnh COVID-19 của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức ở Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Gần 2 tháng ròng rã vừa qua, 600 thầy thuốc của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã gác lại những nỗi niềm riêng để tình nguyện lên đường, “chia lửa” cùng miền Nam ruột thịt chống lại dịch COVID-19.
Bác sỹ Lưu Quang Thùy - Phó Giám đốc Trung tâm Hồi sức tích cực điều trị người bệnh COVID-19 của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tại Thành phố Hồ Chí Minh (Bệnh viện dã chiến số 13 ở huyện Bình Chánh) bảo rằng có nhiều kỷ niệm khó quên trong những ngày vào chi viện chống dịch tại thành phố mang tên Bác.
Khi bác sỹ là "nhà du hành vũ trụ"
Một kỷ niệm ấn tượng nhất với bác sỹ Thùy là lời cảm ơn của những bệnh nhân nhỏ tuổi gửi: Mong “nhà du hành vũ trụ” sớm được trở về!
Đó là lời cảm ơn, sự mong mỏi rất đỗi giản dị của những bệnh nhân nhỏ tuổi dành cho các y, bác sỹ tuyến đầu tại Trung tâm Hồi sức tích cực điều trị người bệnh COVID-19 của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Bác sỹ Lưu Quang Thùy chia sẻ, người cảm ơn là một bệnh nhân nhí cùng gia đình 4 người đã được các y bác sỹ của bệnh viện chữa khỏi COVID-19 ngay tại Trung tâm Hồi sức tích cực điều trị người bệnh COVID-19 này.
“Cả gia đình bệnh nhân vào đây trong tình trạng khá nặng. Sau một thời gian điều trị, các bệnh nhân đều tiến triển rất tích cực. Thậm chí, cháu bé vẫn có thể duy trì việc học online ngay trong bệnh viện. Ngày ra viện, cháu bé viết thư cảm ơn các y, bác sỹ và miêu tả chúng tôi với bộ đồ bảo hộ giống như những nhà du hành vũ trụ.
Có một dòng cháu bé bày tỏ mà tôi rất nhớ, đó là: Cháu và gia đình cảm ơn các nhà du hành vũ trụ đã cứu gia đình cháu. Mong đại dịch sớm qua đi để các nhà du hành vũ trụ được trở về nhà bên gia đình, người thân… Với riêng tôi, tình cảm trong trẻo đó rất đỗi giản dị mà thấm vào tim gan người làm lãnh đạo như tôi,” bác sỹ Lưu Quang Thùy cho hay.
Khi nhận được sự mong mỏi từ những bệnh nhân nhí ấy, dù đang phải đối mặt với hàng ngàn khó khăn, vô vàn áp lực nhưng bác sỹ Lưu Quang Thùy rất vui mừng. Đây là 'liều thuốc' tinh thần giúp các y bác sỹ thêm sức mạnh, nguyện hoàn thành sứ mệnh thiêng liêng là cứu người, giúp những bệnh nhân trở lại cuộc sống bình thường.
Bác sỹ Lưu Quang Thùy - Phó Giám đốc Trung tâm Hồi sức tích cực điều trị người bệnh COVID-19 của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, tại Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Bác sỹ Lưu Quang Thùy bày tỏ: “Đến giờ phút này, có 600 cán bộ, nhân viên của bệnh viện vào xung phong tình nguyện vào Thành phố Hồ Chí Minh đã vượt qua những thách thức to lớn. Ban giám đốc Bệnh viện tự hào khi được làm việc, cống hiến cùng một tập thể có tinh thần chống dịch cao như vậy!”
Áp lực không thể đong đếm
Trước đó, từ tháng 7/2021, đoàn 600 y, bác sỹ, nhân viên y tế của Bệnh viện Việt Đức, do Giáo sư Trần Bình Giang - Giám đốc Bệnh viện dẫn đầu, đã lên đường vào miền Nam để thành lập Trung tâm Hồi sức tích cực điều trị người bệnh COVID-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh, với mục tiêu làm giảm tỷ lệ tử vong cho người bệnh.
Để có thể toàn tâm, toàn ý xông pha nơi tuyến đầu chống dịch, đã có những cặp vợ chồng trẻ nhường nhau ở nhà; những ông bố, bà mẹ giao phó con gái 17 tháng tuổi cho ông bà để cùng lên đường vì người dân miền Nam.
Sau hơn 11 ngày xây dựng thần tốc, ngày 11/8, Trung tâm Hồi sức tích cực điều trị người bệnh COVID-19 đã đón những bệnh nhân đầu tiên. Đến thời điểm này, Trung tâm đã điều trị cho khoảng hơn 800 bệnh nhân COVID-19 mức độ trung bình và nặng. Trong đó, đã có hơn 300 bệnh nhân xuất viện, khoảng 250 bệnh nhân đang được điều trị tích cực; khoảng 100 ca đã cai được oxy và khoảng 50 bệnh nhân đang chờ các xét nghiệm để đủ điều kiện ra viện.
Bác sỹ Lưu Quang Thùy cho hay tới nay tỷ lệ bệnh nhân mắc COVID-19 tử vong đã giảm, số bệnh nhân ra viện cũng nhiều và áp lực điều trị của các y, bác sỹ thì không thể đong đếm.
Đầu tiên đó là làm việc trong bệnh viện dã chiến rất vất vả. Tất cả các tòa nhà điều trị bệnh nhân COVID-19 được lợp bằng mái tôn, thì toàn bộ y, bác sỹ làm việc trong môi trường khắc nghiệt với những bộ đồ bảo hộ dày đặc dưới thời tiết nóng nực là không tránh khỏi.
“Thứ hai, COVID-19 là bệnh truyền nhiễm song chúng tôi không được đào tạo về bệnh truyền nhiễm. Tuy nhiên, với sự trợ giúp của các đồng nghiệp từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, chúng tôi phải vừa học, vừa làm, vừa đào tạo những bác sĩ thuộc các chuyên môn khác để cùng chung tay điều trị cho bệnh nhân COVID-19,” bác sỹ Thùy cho hay.
Bệnh nhân được ra viện tại Trung tâm Hồi sức tích cực điều trị người bệnh COVID-19 của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, tại Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Một sự khó khăn nữa là chỉ có “nằm trong đại dịch” mới thấy, mới thấu. Đó chính áp lực về mặt tâm lý.
Theo bác sỹ Thùy, các bác sỹ, nhân viên y tế gặp áp lực về mặt tâm lý quá lớn khi phải chứng kiến không ít bệnh nhân tử vong. Nhiều người tối đi làm về chỉ có khóc. Họ nhớ lại những cảnh làm việc, chứng kiến những cảnh đã qua, đã làm, trong khi đó họ cũng phải xa gia đình, người thân để lao mình vào nơi nguy hiểm.
Ngoài ra, việc “đảo quân” cũng là giải pháp tốt để kéo dài sức bền của công tác chăm sóc người bệnh và đây cũng là áp lực với lãnh đạo bệnh viện làm sao để duy trì năng lực điều trị. Tuy nhiên, với hơn 30 quy trình đang được vận hành tại Trung tâm và bộ máy nhân lực hoạt động trơn tru, Trung tâm Hồi sức tích cực điều trị người bệnh COVID-19 đã và đang nỗ lực để công tác điều trị người bệnh COVID-19 đạt hiệu quả cao.
Theo Vietnam+