Xây dựng mô hình du lịch cộng đồng tại huyện Phong Điền, quận Bình Thủy và Thốt Nốt là một trong những phần việc trọng tâm mà ngành Du lịch Cần Thơ đề ra trong năm 2021. Đây vừa là cơ sở phát huy tiềm năng du lịch, xây dựng các sản phẩm đặc trưng đậm tính bản địa, vừa đáp ứng nhiệm vụ lâu dài trong Đề án Xây dựng và Phát triển sản phẩm du lịch đặc thù TP Cần Thơ giai đoạn 2018-2020, tầm nhìn 2030. Đồng thời cũng là một trong những giải pháp thích ứng với COVID-19 khi hoạt động du lịch được củng cố, tạo nội lực từ bên trong trên cơ sở xây dựng và nâng chất các sản phẩm du lịch.
Vẫn còn nhiều vấn đề
Trải nghiệm tại vườn dừa cù lao Tân Lộc, Thốt Nốt.
Cần Thơ hiện có 2 điểm du lịch cộng đồng là cồn Sơn (quận Bình Thủy) và cù lao Tân Lộc (quận Thốt Nốt). Riêng tại huyện Phong Điền, du lịch cộng đồng chưa rõ nét, chỉ mới manh nha ở vài hộ có tính chất liên kết về dịch vụ. Hai mô hình du lịch cộng đồng của cồn Sơn và cù lao Tân Lộc có nhiều điểm khác biệt, từ đó cũng có những định hướng phát triển khác nhau.
Cù lao Tân Lộc có hoạt động du lịch sớm và ổn định. Trong giai đoạn 2013-2018, khách du lịch đến Tân Lộc có mức tăng trưởng khá tốt, đạt gần 15,6% mỗi năm. Hiện nay, tỷ lệ khách đến cù lao Tân Lộc chiếm gần 60% lượng khách đến quận Thốt Nốt. Mặc dù Tân Lộc đã có những nền tảng để thu hút du khách nhưng hoạt động du lịch ở đây còn ở mức độ sơ khai. Các hoạt động du lịch mới được hình thành, còn tự phát và đơn lẻ. Trong đó, sản phẩm du lịch ở Tân Lộc còn ít, đơn điệu, chưa thực sự đa dạng, chủ yếu du lịch miệt vườn sinh thái và du lịch văn hóa, lễ hội.
Dù Tân Lộc đã hình thành một số điểm tham quan du lịch tọa lạc rải rác trên cù lao như: vườn dừa Tân Lộc, vườn ổi cô Điệp, vườn mận Sáu Tia, vườn du lịch sinh thái Tân Lộc, nhà cổ Trần Bá Thế... nhưng ở các điểm tham quan này vẫn thiếu sự đầu tư về hạ tầng, quy mô còn nhỏ lẻ, thiếu các dịch vụ bổ trợ đi kèm. Các dịch vụ đi kèm nếu có thì vẫn còn rất đơn điệu, chỉ dừng lại ở câu cá, chèo thuyền hay hát karaoke, đờn ca tài tử. Điểm nổi bật trong hoạt động du lịch của cù lao Tân Lộc là sự kiện Ngày hội du lịch Vườn trái cây Tân Lộc ngày càng được mở rộng và đa dạng hóa các hoạt động. Song song đó địa phương có những ký kết hợp tác với các đơn vị lữ hành từ TP Hồ Chí Minh để đưa khách đến Tân Lộc, cụ thể là TST Tourist. Có thể thấy, hoạt động du lịch tại cù lao Tân Lộc có kết nối chặt chẽ về quản lý từ chính quyền địa phương với người dân; những hộ dân làm du lịch có sự hỗ trợ nhau về thông tin. Thế nhưng sự kết nối tạo thành chuỗi sản phẩm, dịch vụ chung thì chưa có. Cho nên mô hình du lịch cộng đồng của cù lao Tân Lộc chưa rõ nét. Vì thế các đơn vị lữ hành khó tiếp cận để quảng bá và đưa khách về.
Trong khi đó, cồn Sơn phát triển du lịch từ năm 2015, xuất phát điểm từ những hộ dân liên kết cùng hỗ trợ nhau làm du lịch. Họ xây dựng một mô hình chung là câu lạc bộ liên kết, trong đó sản phẩm và dịch vụ của từng nhà đều được quy định và kết nối rõ ràng từ đầu. Vì thế sản phẩm, dịch vụ đa dạng, ít khi trùng lắp và được kết nối để tạo thành chuỗi sản phẩm, dịch vụ phù hợp để du khách lựa chọn. Bên cạnh những sản phẩm nhà vườn, trải nghiệm làm bánh, ẩm thực... cồn Sơn đã hình thành sản phẩm độc đáo là “đặc sản cá”: từ cá lóc bay đến cá ăn cơm bằng muỗng, cá lóc bú bình, massage cá… Với nhiều trải nghiệm và có sự kết nối chặt chẽ trong một nhóm người cùng hoạt động du lịch, cồn Sơn có quy trình tổ chức phù hợp với sự kết nối và lựa chọn của các đơn vị lữ hành trong bối cảnh thị trường cần cung ứng sản phẩm theo yêu cầu. Cho nên du lịch cộng đồng cồn Sơn kết nối đến rất nhiều các đơn vị, doanh nghiệp du lịch từ TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Cần Thơ… Tuy nhiên, mô hình du lịch cộng đồng của cồn Sơn cũng tồn tại nhiều vấn đề. Trong đó đáng quan tâm nhất là mô hình có xuất phát điểm từ sự liên kết của người dân, do đó khi phát sinh lợi ích sẽ dễ dẫn đến tranh chấp, có nguy cơ mất kết nối. Cụ thể, du lịch cồn Sơn giờ đã có sự phân nhánh về hoạt động cộng đồng. Một số hộ tách riêng hoạt động riêng lẻ, bên cạnh nhiều hộ vẫn giữ mô hình liên kết ban đầu. Sự quản lý của chính quyền địa phương trong hoạt động du lịch của cồn Sơn vẫn hạn chế, bởi nhiều khúc mắc, vấn đề chưa thể giải quyết do liên quan đến lợi ích kinh tế, cũng như vì sự mới mẻ của mô hình.
Trải nghiệm làm bánh tại nhà vườn Công Minh, cồn Sơn.
Xác định xây dựng mô hình linh hoạt
Trong Điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch TP Cần Thơ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Tân Lộc được xác định là điểm du lịch sinh thái cộng đồng sông nước trong không gian du lịch phía Tây của thành phố. Đồng thời dựa trên Quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội quận Thốt Nốt đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, phê duyệt tại Quyết định số 279/QĐ-UBND ngày 3-2-2016 của UBND quận Thốt Nốt, đề án Phát triển du lịch phường Tân Lộc đã được hình thành, từng bước giúp địa phương khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, thu hút các nhà đầu tư. Theo đó, xác định phát triển du lịch Tân Lộc trên cơ sở khai thác lợi thế về cảnh quan sinh thái nông nghiệp và văn hóa đời sống sông nước của người dân địa phương để hình thành sản phẩm du lịch độc đáo. Cù lao Tân Lộc sẽ trở thành điểm đến trải nghiệm nguyên bản về đời sống sông nước của đất Cần Thơ, gắn với sản phẩm du lịch đặc trưng về văn hóa đời sống sông nước cộng đồng dân cư.
Như vậy, du lịch cộng đồng tại cù lao Tân Lộc đã có những định hướng cụ thể để phát huy tiềm năng, khai thác thế mạnh để tạo bản sắc. Du lịch cộng đồng tại Phong Điền đang thí điểm và chưa rõ nét, riêng tại Bình Thủy vẫn là bài toán cần phải giải để hài hòa lợi ích của người dân làm du lịch đồng thời đảm bảo phát triển bền vững.
Du khách tham quan tại vườn trái cây Phong Điền.
Nhìn nhận và phân tích những hạn chế của các mô hình du lịch cộng đồng đang hiện hữu, ngành Du lịch TP Cần Thơ đang đề ra những giải pháp để có những định hướng phát triển ổn định, bền vững cho mô hình này. Theo đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố đã có những kế hoạch ký kết cùng UBND quận Thốt Nốt về việc xây dựng thương hiệu du lịch và mô hình du lịch cộng đồng phường Tân Lộc; UBND huyện Phong Điền về việc xây dựng thí điểm mô hình du lịch cộng đồng tại xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền. Riêng quận Bình Thủy đang khảo sát để có những giải pháp và định hướng phù hợp hơn trong thời gian tới để phát triển du lịch cộng đồng.
Từ đó ngành Du lịch Cần Thơ cũng xác định phát triển du lịch cộng đồng tại thành phố sẽ không đi theo mô hình chung mà tùy theo từng địa phương sẽ xây dựng mô hình phù hợp. Trong đó, phải xác định rõ chủ thể hoạt động du lịch cộng đồng chính là người dân địa phương, bản sắc văn hóa bản địa là giá trị cốt lõi, trên cơ sở này rà soát lại các quy hoạch về phát triển du lịch của các địa phương, xây dựng các đề án, các chính sách phù hợp cho hoạt động du lịch cộng đồng.
Bài, ảnh: ÁI LAM