14/09/2018 - 14:14

Liên quan việc dạy sách Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục: Phải có sự đồng thuận 

Tại buổi làm việc của Đoàn công tác Thành ủy Cần Thơ với Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) thành phố vừa qua, việc triển khai sách Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục (TV1-CNGD) tại các trường tiểu học trên địa bàn thành phố là vấn đề nhiều đại biểu bàn luận.

Ông Lê Văn Tâm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ phát biểu tại buổi làm việc với Sở GD&ĐT TP Cần Thơ sáng 13-9. ảnh: B.NG

20.000 học sinh học sách TV1-CNGD

Theo Sở GD&ĐT TP Cần Thơ, năm học đầu tiên (2015-2016) áp dụng, TP Cần Thơ có 38 trường tiểu học với khoảng 4.000 học sinh học sách TV1-CNGD. Đến năm học  2018-2019, thành phố có 161 trường (trong tổng số 180 trường tiểu học) với khoảng 20.000 học sinh học chương trình này. Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT TP Cần Thơ, sách TV1-CNGD là tài liệu kỹ thuật dạy học. Đúng hơn là phương pháp dạy phát âm cho trẻ. Tài liệu đã qua 2 vòng thẩm định của Hội đồng thẩm định của Bộ GD&ĐT. Kết quả đánh giá, tài liệu này về cơ bản đảm bảo các yêu cầu về mục tiêu, chuẩn kiến thức kỹ năng của môn Tiếng Việt lớp 1 trong chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học. Ngành giáo dục TP Cần Thơ có căn cứ pháp lý triển khai thực hiện chương trình này.

Một nội dung trong sách TV1-CNGD gây tranh cãi những ngày qua. ảnh: B.NG 

Giải thích rõ, tuyên truyền kỹ

Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Hồng Thắm cho biết: Chương trình được thực hiện trên tinh thần tự nguyện của phụ huynh học sinh. Phụ huynh nào không đồng ý cho con em học sách TV1-CNGD, có thể chuyển con em mình sang lớp học khác. Hằng năm, sau khi kết thúc năm học, Sở GD&ĐT thành phố đều tổ chức đánh giá việc thực hiện chương trình trên. Ghi nhận ở các trường, lớp thực hiện việc dạy học sách TV1-CNGD mang lại hiệu quả tốt, học sinh đọc thông, viết thạo, viết đúng chính tả Tiếng Việt.

Tại buổi làm việc của Đoàn công tác Thành ủy Cần Thơ với Sở GD&ĐT thành phố ngày 13-9 vừa qua, điều mà các đại biểu quan tâm là vào những ngày đầu tháng 9, một số trường tiểu học ở 3 quận, huyện (Cái Răng, Thới Lai, Ninh Kiều) có tình trạng phụ huynh học sinh đến trường đề nghị nhà trường giải thích về sách TV1-CNGD. Mặc dù các trường đã giải thích rõ cho phụ huynh, tránh được tình trạng mất trật tự ở các địa phương; thế nhưng, nhiều đại biểu cho rằng công tác tuyên truyền đến phụ huynh học sinh chưa thực sự chặt chẽ.  

Tài liệu TV1-CNGD là kết quả nghiên cứu từ năm 1978 của một số nhà khoa học, đứng đầu là Giáo sư Hồ Ngọc Đại. Tài liệu này được áp dụng vào dạy học ở Trường Thực nghiệm Giảng Võ - Hà Nội. Từ năm học 2008-2009 đến năm học 2016-2017, Bộ GD&ĐT đồng ý cho các địa phương có nhu cầu và đảm bảo các điều kiện được áp dụng vào việc dạy học TV1-CNGD, nhất là ở những vùng khó khăn trên tinh thần tự nguyện của các địa phương. Từ năm học 2015-2016, TP Cần Thơ là một trong các tỉnh, thành trên cả nước triển khai thực hiện bộ sách này.

Theo ông Trần Văn Kiệt, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Cần Thơ, trong suốt 3 năm, chương trình được thực hiện một cách "êm đẹp", thế nhưng năm nay lại xảy ra tình trạng phản ứng của xã hội, bởi nhiều nguyên nhân. Đầu tiên là sự lan tỏa rộng của chương trình. Cả nước có 49 địa phương, với hơn 800.000 học sinh học sách TV1-CNGD. Trong khi đó, mạng xã hội hiện phát triển, lan truyền rất nhanh nhiều thông tin trái chiều. Tuy Bộ GD&ĐT có hướng dẫn đến sở, phòng và trường triển khai chương trình trên tinh thần tự nguyện của phụ huynh học sinh nhưng lại không rõ ràng. Ngoài ra, sắp tới Bộ GD&ĐT sẽ triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới. Ông Kiệt nói thêm: Về chuyên môn, ngành giáo dục nên phân công cán bộ chuyên môn lý giải chương trình này, kể cả về ngôn ngữ và nội dung. Điều ông Kiệt băn khoăn về mặt chữ nghĩa của chương trình, việc quan trọng nhất trong dạy trẻ lớp 1 là biết mặt chữ và biết đọc, nhưng ngữ nghĩa trong sách TV1-CNGD rối rắm, đơn cử như trong sách có một bài học: Vẽ trâu, chó thì khó nhưng vẽ ma quỷ lại dễ.

Còn theo ông Nguyễn Thanh Xuân, Phó Trưởng đoàn Chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP Cần Thơ, khi xảy ra sự việc phụ huynh ở một số trường thắc mắc về sách TV1-CNGD, phần lớn phụ huynh đều thể hiện chưa hiểu rõ nên sự đồng thuận không cao. Ngành nên khẩn trương có văn bản chỉ đạo, phân công và kết nối thông tin phòng giáo dục, trường và các ngành chức năng để xử lý vấn đề. Ông Nguyễn Thanh Xuân cho rằng, ai cũng sẽ ủng hộ đổi mới, cải tiến giáo dục để phát triển, hòa nhập thế giới, nhưng ngay từ khi bắt  đầu thực hiện phải làm tốt công tác tuyên truyền. Việc đánh giá chương trình TV1-CNGD nên được thực hiện cẩn trọng và chuyên sâu, không đánh giá chung chung.

Đồng tình quan điểm trên, ông Lê Văn Tâm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ, yêu cầu: Ngành giáo dục cần tuyên truyền sâu rộng hơn nữa về sách TV1-GDCN, cũng như lộ trình đổi mới chương trình, sách giáo khoa mới từ năm 2019-2020 đến xã hội, phụ huynh, học sinh. Chương trình này được thực hiện trên tinh thần tự nguyện và đồng thuận của phụ huynh. Nếu ở một vài nơi không nhận được sự đồng thuận, lãnh đạo địa phương, đoàn thể nơi đó họp, giải thích để phụ huynh hiểu rõ về chương trình này.

Đồng chí Trần Quốc Trung, Bí thư Thành ủy Cần Thơ: Hiện các trang mạng xã hội có nhiều thông tin tranh luận liên quan đến dạy và học sách TV1-CNGD. Toàn ngành giáo dục cần quán triệt trong đội ngũ cán bộ, nhà giáo nâng cao nhận thức về vấn đề này, tránh thông tin, tranh luận theo hướng xuyên tạc. Đồng thời, ngành giáo dục có chỉ đạo nội bộ, họp phụ huynh học sinh ở các trường có tổ chức giảng dạy chương trình này để trao đổi, giải thích thêm về việc áp dụng dạy và học sách TV1-CNGD. Nếu phụ huynh nào có nhu cầu chuyển lớp cho con em thì phải tạo điều kiện để họ chuyển. Ngành giáo dục, các trường phải tổ chức các lớp học dạy chương trình đại trà để học sinh không có nhu cầu học sách TV1-CNGD có nơi học.

B.Kiên

Chia sẻ bài viết