08/12/2021 - 15:04

Liên kết tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, sinh thái 

Với nhiều lợi thế trong sản xuất nông nghiệp, thời gian qua, ÐBSCL có nhiều tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX) sản xuất được các sản phẩm giá trị gia tăng; nông sản sinh thái, hữu cơ và bắt đầu được thị trường chấp nhận. Tuy nhiên, đầu ra cho các sản phẩm này vẫn gặp khó khăn, giá bán chưa tương xứng, đặc biệt trong tình hình đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Giải pháp nào để kết nối cung cầu, cùng nhau chia sẻ rủi ro và nâng tầm sản phẩm nông nghiệp sinh thái, hữu cơ là vấn đề được các THT, HTX, nông dân và cơ quan quản lý nhà nước tại ÐBSCL đặc biệt quan tâm trong giai đoạn hiện nay.

Sản phẩm gạo hữu cơ của HTX Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Tấn Đạt, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long.

Tại hội thảo “Kết nối thị trường cho sản phẩm giá trị gia tăng từ các THT, HTX tại ÐBSCL tới thị trường TP Cần Thơ thích ứng trong tình hình bình thường mới”, các chuyên gia cho rằng, ÐBSCL là vùng đất ngập nước với sự đa dạng trong hệ sinh thái, đặc điểm khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng sinh thái, hữu cơ. Người nông dân tại các tỉnh, thành ÐBSCL cũng có ý thức chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp sang kinh doanh nông nghiệp và thực tế đã có nhiều dự án nông nghiệp theo hướng bền vững. Ở khâu sản xuất là vậy, tuy nhiên, khi đưa sản phẩm nông sản sinh thái, hữu cơ tiêu thụ trên thị trường lại vướng nhiều bất cập: chưa đánh giá đúng giá trị của nông sản sinh thái, hữu cơ; chưa có kênh phân phối bền vững, lâu dài; chưa tạo được niềm tin từ người tiêu dùng...

Ông Vũ Văn Thùy, đại diện Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF Việt Nam), cho biết: Vừa qua, WWF Việt Nam phối hợp cùng một số đơn vị thực hiện dự án hỗ trợ phát sản phẩm giá trị gia tăng từ các HTX nuôi tôm thuộc tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau. Trên thực tế, các HTX cũng đã làm ra nhiều sản phẩm có giá trị gia tăng, mang nét đặc trưng của vùng. Ðơn cử, chả cá rô phi nước lợ (HTX Nông ngư Hòa Ðê, HTX Chế biến thương mại dịch vụ nuôi trồng thủy sản Cái Bát, HTX Dịch vụ nuôi trồng thủy sản 30/4…), tôm chua (HTX Dịch vụ nuôi trồng thủy sản 30/4), tôm khô (HTX Nuôi tôm công nghiệp Tân Long, HTX Nông ngư Hòa Ðê, HTX Chế biến thương mại dịch vụ nuôi trồng thủy sản Cái Bát). Tuy nhiên, các HTX đang gặp khó khăn do kỹ thuật chế biến, bảo quản yếu; sản phẩm chưa tham gia được các sàn thương mại điện tử lớn; chưa có điểm bán hàng tại các thành phố lớn; kiến thức về marketing, đặc biệt là online marketing còn hạn chế…

Dịch COVID-19 bùng phát và kéo dài 2 năm qua làm chuỗi cung ứng bị đứt gãy, ảnh hưởng đến đầu ra của sản phẩm nông sản nói chung và sản phẩm nông nghiệp sinh thái, hữu cơ nói riêng. Ông Mã Văn Hồng, Giám đốc HTX Nông ngư Hòa Ðê, tỉnh Sóc Trăng, cho biết: HTX phát triển mô hình sản xuất tôm lúa theo hướng hữu cơ. Theo đó, chất thải hữu cơ và một số khoáng vi lượng tồn dư sau vụ tôm là nguồn dinh dưỡng rất tốt cho cây lúa. Ngược lại cây lúa giúp xử lý chất thải hữu cơ dưới đáy ao, giảm các chất độc hại cho vụ tôm tiếp theo. Bên cạnh đó, để đảm bảo nguồn nước sạch cho việc nuôi tôm, xã viên HTX nuôi thêm cá rô phi để xử lý các thức ăn thừa, chất độc hại trong ao. Vì vậy, sản phẩm tôm khô nguyên vỏ, khô cá rô phi, chả cá rô phi, chà bông cá rô phi… của HTX làm ra không chỉ sạch mà còn có vị thơm ngon, được thị trường khá ưa chuộng. Tuy nhiên, từ khi dịch COVID-19 bùng phát, việc đi lại khó khăn nên đầu ra ảnh hưởng nặng nề trong khi chi phí vận chuyển lại tăng cao. Vì vậy, HTX mong muốn cùng các cửa hàng, điểm phân phối hình thành chuỗi liên kết để giảm phí vận chuyển cũng như mở rộng thị trường cho sản phẩm.

Không chỉ riêng HTX Nông ngư Hòa Ðê, qua khảo sát cho thấy, hầu hết các THT, HTX chưa có sự kết nối và mở rộng kênh bán hàng tại nhiều địa phương. Ông Trần Hoàng Tuyên, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp, cho rằng, ÐBSCL đang đứng trước những biến đổi lớn từ xu thế tiêu dùng, biến đổi khí hậu, đại dịch COVID-19. Vì vậy, việc liên kết là vô cùng cần thiết, các THT, HTX phải liên kết hình thành mạng lưới, liên hiệp hợp tác xã để cùng tận dụng lợi thế, chia sẻ rủi ro. “Liên kết giờ đây không chỉ ở dừng lại ở việc cung - cầu mà phải là liên kết “3 ngôi”: người sản xuất, người bán và người tiêu dùng để các bên đều được hưởng quyền lợi chính đáng. Bên cạnh đó, các THT, HTX phải nhanh chóng minh bạch hóa quá trình sản xuất vì đây là xu thế và yêu cầu tất yếu trong tương lai” - ông Trần Hoàng Tuyên nhấn mạnh.

TP Cần Thơ nằm ở vị trí trung tâm của vùng ÐBSCL với hoạt động giao thương sôi động. Vì vậy, nhiều ý kiến đề xuất xây dựng điểm bán hàng và kết nối các sản phẩm giá trị gia tăng tại TP Cần Thơ. Bà Lê Thị Thúy Kiều, Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật TP Cần Thơ, cho biết: “Chúng tôi đang phối hợp cùng WWF Việt Nam và Trung tâm Hợp tác quốc tế nuôi trồng và khai thác thủy sản bền vững (ICAFIS) mở điểm bán hàng và kết nối các sản phẩm giá trị gia tăng tại TP Cần Thơ. Ðiểm bán hàng này được xem là mô hình điểm trong việc kết nối cung cầu, quảng bá thương hiệu cho sản phẩm giá trị gia tăng; nông sản sinh thái, hữu cơ tại ÐBSCL… từ đó tạo tính lan tỏa ra các địa phương trong vùng và các địa phương khác trong cả nước”. Nhiều ý kiến cho rằng, thời gian qua, nhiều THT, HTX đã quan tâm đến việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nhưng thương hiệu mạnh vẫn chưa nhiều. Do đó, việc tìm ra “cánh chim đầu đàn” để thúc đẩy việc xây dựng, quảng bá thương hiệu cho sản phẩm nông sản sinh thái, hữu cơ cần được nhanh chóng triển khai. Có như thế nông sản sinh thái, hữu cơ mới có thể tự tin xuất ngoại chinh phục các khách hàng khó tính.

Bài, ảnh: MỸ THANH

Chia sẻ bài viết