13/08/2020 - 10:53

Liên kết sản xuất trái cây an toàn, phục vụ tiêu dùng nội địa và xuất khẩu 

Để nâng giá trị cho các loại trái cây chủ lực, TP Cần Thơ đã phát triển các vùng chuyên canh cây ăn trái tập trung theo hướng chất lượng cao gắn với xây dựng thương hiệu; đồng thời, thực hiện công tác cấp mã vùng trồng để truy xuất nguồn gốc nông sản,... Điều này, không chỉ đáp ứng các yêu cầu kiểm dịch thực vật, mà còn gia tăng chất lượng trái cây an toàn, phục vụ tiêu dùng nội địa và xuất khẩu sang các thị trường khó tính.

Sản xuất cây ăn trái theo hướng an toàn, có hợp đồng liên kết với doanh nghiệp được nông dân HTX Trường Trung A, xã Tân Thới, huyện Phong Điền tích cực hưởng ứng và đã mang lại hiệu quả kinh tế.

Sản xuất cây ăn trái theo hướng an toàn, có hợp đồng liên kết với doanh nghiệp được nông dân HTX Trường Trung A, xã Tân Thới, huyện Phong Điền tích cực hưởng ứng và đã mang lại hiệu quả kinh tế. 

Cấp mã vùng trồng trái cây

Mã (code) vùng trồng là một chứng nhận mã số định danh được sử dụng chủ yếu cho các vùng trồng cây ăn trái tập trung. Với mã số định danh cơ quan chức năng dễ dàng theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất, kiểm soát chất lượng sản phẩm nông sản và người tiêu dùng, dễ dàng truy xuất nguồn gốc hàng hóa. Ðể được cấp mã số này, người sản xuất trái cây phải thực hiện theo quy trình an toàn, đảm bảo nông sản lưu thông trên thị trường đạt tiêu chuẩn chất lượng và được minh chứng đúng nguồn gốc tại vùng trồng, tránh tình trạng pha trộn sản phẩm nơi khác vào vùng trồng đã được cấp mã số. Ðiều quan trọng hơn là đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trái cây an toàn tại thị trường nội địa cũng như yêu cầu của các nhà nhập khẩu.

Ông Lê Văn Thiệt, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, cho biết: Muốn xuất khẩu trái cây tươi sang các nước EU, Mỹ, Úc, Nhật Bản, Chile… đòi hỏi sản phẩm phải đạt các yêu cầu kiểm dịch thực phẩm nhập khẩu. Thứ nhất sản phẩm phải có mã code, thứ hai là mã số nhà đóng gói và thứ ba là “xử lý chiếu xạ” hay “xử lý hơi nước nóng”. Theo đó, các nước Mỹ hay Nhật Bản, Hàn Quốc sẽ cử chuyên gia sang Việt Nam đến kiểm tra từng lô hàng trái cây tươi tại các nhà máy “xử lý chiếu xạ”, “xử lý hơi nước nóng” trước khi xuất khẩu.

Theo ông Lê Văn Thiệt, cả nước hiện có 682 vùng trồng thanh long, nhãn, vải, chôm chôm, xoài được cấp mã số vùng trồng. Ðiều kiện để được cấp mã số định doanh là doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác hay cá nhân canh tác cây ăn trái có diện tích tối thiểu là 10ha và được định vị bằng Google map; vùng trồng cây ăn trái được cấp mã code phải canh tác theo quy trình an toàn hoặc có các chứng nhận VietGAP, Global GAP hay Organic; nông dân tham gia vào vùng trồng cây ăn trái có mã code được tập huấn các phương pháp kỹ thuật quản lý dịch hại, sử dụng thuốc theo nguyên tắc “4 đúng” và tuyệt đối không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nằm trong danh mục cấm sử dụng của nước nhập khẩu, đảm bảo các điều kiện cách ly nông sản trước khi thu hoạch. Chẳng hạn, đối với trái nhãn, hộ sản xuất phải bao trái trước thu hoạch là 3 tuần...  Nếu vi phạm các yêu cầu đặt ra, các nước nhập khẩu sẽ trả hàng về hoặc tiêu hủy toàn bộ nông sản không đạt yêu cầu.

Hướng tới sản xuất sạch

Nhờ có kinh nghiệm trồng ổi ruột hồng theo tiêu chuẩn an toàn và có ký kết hợp đồng cung cấp nguyên liệu với giá ổn định cho doanh nghiệp xuất khẩu, nên HTX Trường Trung A, xã Tân Thới, huyện Phong Ðiền là đơn vị được nhiều doanh nghiệp xuất khẩu chọn làm đối tác. Ông Lý Văn Tịnh, Giám đốc HTX Trường Trung A, cho biết: Mới đây, có một doanh nghiệp Hà Lan đề xuất hợp tác với HTX để trồng chanh không hạt xuất khẩu, nhưng họ đòi hỏi HTX phải có được mã code cho vùng trồng. Do đó, HTX đã đề xuất với ngành chức năng địa phương và thành phố xem xét, hỗ trợ cho HTX thực hiện các bước thủ tục để có được mã code vùng trồng cho chanh không hạt. Cùng đó, HTX sẽ tăng cường tập huấn cho nông dân canh tác theo quy trình an toàn, đảm bảo theo các yêu cầu đặt ra của doanh nghiệp đối tác. Theo ông Tịnh, đa phần nông dân trong HTX thông thạo cách trồng nông sản an toàn, từ việc sử dụng phân, thuốc, đến quản lý sâu bệnh, thu hoạch đều theo hợp đồng cam kết với doanh nghiệp... Vì vậy, việc được cấp mã code sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực để HTX có điều kiện thuận lợi ký kết hợp đồng tiêu thụ ổn định với doanh nghiệp; đồng thời, HTX tăng cường áp dụng kỹ thuật vào canh tác, tăng chất lượng chanh không hạt, đáp ứng các yêu cầu, tiêu chuẩn để xuất ngoại.  

Ðể đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trái cây an toàn cho thị trường nội địa và xuất khẩu, ngành Nông nghiệp TP Cần Thơ đã xây dựng vùng trồng, cấp mã code, áp dụng quy trình sản xuất an toàn vệ sinh thực phẩm… cho nhiều tổ hợp tác, HTX và nông dân. Theo ông Nguyễn Ngọc Hè, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, thành phố đã phát triển vùng sản xuất cây ăn trái tập trung, với tổng diện tích 7.984ha, sản lượng đạt trên 80.000 tấn/năm; hỗ trợ cho 15 HTX, tổ hợp tác trồng cây ăn trái theo quy trình VietGAP, với tổng diện tích trên 266,9ha. Cùng đó, để tạo ra sản phẩm có chất lượng đáp ứng chất lượng tiêu chuẩn xuất khẩu, ngành Nông nghiệp đã phối hợp cùng với Trung tâm Kiểm dịch sau nhập khẩu 2 đã kiểm tra và cấp 7 mã code cho các vùng trồng cây nhãn, xoài cát Hòa Lộc, vú sữa tại huyện Phong Ðiền, Cờ Ðỏ và quận Thốt Nốt, quận Ô Môn với tổng diện tích trên 98,4ha… Phần lớn các mô hình liên kết sản xuất trái cây tập trung đã góp phần tăng chất lượng và giá trị trái cây xuất khẩu. Song, số lượng nông dân, HTX liên kết hợp tác với doanh nghiệp xuất khẩu trái cây vẫn còn hạn chế.

Ðể gia tăng hiệu quả liên kết giữa HTX và doanh nghiệp chuyên xuất khẩu mặt hàng trái cây, ngành Nông nghiệp sẽ hỗ trợ cho các tổ hợp tác, HTX, nông dân tuân thủ quy trình sản xuất an toàn theo hướng dẫn của ngành chuyên môn và nhận thức rõ giá trị của nông sản “sạch”, nhất là sản phẩm được cấp mã code... Cùng đó, tăng cường khuyến khích các doanh nghiệp có năng lực tham gia phát triển các mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ, kết hợp xây dựng thương hiệu, từng bước hình thành chuỗi sản xuất trái cây an toàn, phục vụ tiêu dùng nội địa và xuất khẩu.

Bài, ảnh: M.HOA

Chia sẻ bài viết