11/05/2008 - 10:49

Leo núi Cấm với xe ôm

Hơn 2 tuần nữa mới là đến lễ hội Vía Bà Chúa Xứ (Châu Đốc). Vào những ngày này, lượng khách đổ về núi Sam và núi Cấm (An Giang) ngày càng đông, làm cho xứ núi này nhộn nhịp hẳn lên. Muốn lên đến chùa Phật Lớn và chùa Vạn Linh, trung tâm thương mại - du lịch của núi Cấm, du khách có thể lội bộ, đi xe ôm hoặc xe chuyên dụng đời mới, trong đó xe ôm là một loại hình phục vụ khách tham quan độc đáo và tiện lợi.

Đội “kỵ mã” hùng hậu

Vừa tới Lâm viên núi Cấm, sau khi gởi xe, chúng tôi tìm đến một quán nước để nghỉ ngơi, chuẩn bị cho hành trình leo núi dài trên 7.000 mét đường đất đá ngoằn ngoèo cộng thêm với hàng ngàn bậc thang. Người leo “siêu” nhất cũng phải mất 2 tiếng đồng hồ. Còn bọn “thư sinh” như chúng tôi vừa đi vừa la cà nằm võng ít nhất cũng phải một buổi đứng. Mọi người đang tính toán nên đi bằng cách nào, thì ngay lúc ấy, một anh tài xế xe ôm có mang huy hiệu của nghiệp đoàn đã lịch sự đến mời chúng tôi: “Các anh có muốn đi xe ôm lên núi không? Chúng tôi sẵn sàng dừng lại bất cứ nơi nào theo yêu cầu của các anh. Nếu đi tới chùa Phật Lớn, mỗi người 25.000 đồng, còn như muốn đi qua những tuyến khác các anh cho thêm bao nhiêu cũng được. Tụi tôi sẽ chạy cẩn thận, đàng hoàng. Các anh cứ yên tâm!”.

Xe ôm đang chở khách xuống núi. 

Mọi người rất hài lòng với cung cách tiếp thị chân tình đó nên tất cả đều đồng tình. Chốc lát, năm anh tài xế đã đến mời chúng tôi lên xe và phát cho mỗi người một nón bảo hiểm. Tôi không ngờ tại một vùng núi non rừng rậm như thế này lại có một đội quân xe ôm đông đảo và nhiệt tình đến thế!

Trên đường đi, anh Hoàng, tài xế chở tôi, tỏ ra am hiểu như một “thổ địa”: “Trước đây, xe ôm núi Cấm chỉ có các loại đặc chủng như Bridgestone, Honda 67, Cup 78, Suzuki, Yamaha... là chuyên dùng để đưa khách và chở hàng hóa lên xuống núi. Bây giờ thì đủ loại, có cả Dream, Wave, Win... mới toanh khiến cho hành khách khó phân biệt được xe nào là xe ôm, nếu như anh em không mang bảng tên”.

Hồi trước, đường lên núi Cấm gập ghềnh, ngổn ngang sỏi đá, người ngồi sau xe lúc nào cũng hồi hộp, tim như muốn nhảy thót ra ngoài. Còn bây giờ thì hầu hết các đoạn đường chông gai đều được đổ bê tông và tráng nhựa, chỉ trừ có độ dốc là khá nguy hiểm. Sau vài phút khởi động trên một khúc đường quanh co có độ nghiêng nhẹ, đoàn xe chúng tôi bắt đầu lượn vòng theo hình chữ C thật thú vị. Vừa qua khỏi chân núi, trước mắt tôi lại hiện ra một đoàn xe chạy ngược chiều đang nối đuôi nhau lượn lờ, tuôn chảy xuống triền dốc giống như một khúc phim ngoạn mục. Ngồi sau xe, tai tôi nghe tiếng gào rú, ầm ĩ vọng lên từ hàng chục động cơ như muốn xé nát không gian yên tĩnh của núi rừng.

Xe lên tới đồi Thiên Tuế thì mặt đường trở nên bằng phẳng, hai bên cây cối xanh um, gió rì rào, không khí mát lạnh. Dọc theo hai bên đường, nhiều chiếc võng được mắc dọc mắc ngang dưới những tàn cây râm mát như mời như gọi khách nhàn du. Trước khi đổ về chùa Vạn Linh, chúng tôi đã đi qua khu tượng đài Phật Di Lặc, chùa Phật Lớn... nơi nào cũng có đông đảo xe ôm đang chờ khách. Đặc biệt, tại bờ hồ Thủy Liêm, gần chùa Phật Lớn vừa mới hình thành bãi đậu xe của Đội xe chuyên dụng do Công ty Dịch vụ lữ hành An Giang phục vụ, khiến cho hoạt động du lịch trên núi Cấm càng thêm rộn ràng.

Sau khi lên tới tượng đài Phật Di Lặc, tôi đã tranh thủ gọi một chiếc xe ôm khác đưa tôi đến Điện Bò Hông, nơi được mệnh danh là nóc nhà của đồng bằng (cao 716 mét). Trên đoạn đường này, nhiều nơi còn đất đá gồ ghề, lởm chởm, dốc đứng hãi hùng. Anh tài xế Nguyễn Hữu Tâm cố gắng ghì tay lái, hai chân chống xuống đất để giữ cho thăng bằng nhưng bánh trước của chiếc xe vẫn nhảy tưng tưng như con ngựa bất kham. Nhìn sang các “ngựa sắt” kế bên, tôi thấy hầu hết các “kỵ sĩ” khi lên dốc đều bậm môi, ghì lái, cố rướn lên một cách hết sức nặng nhọc.

Một ngày lang thang trên núi Cấm, tôi đã hiểu thêm về những người hành nghề xe ôm ở đây. Anh Ba Ban, một người sống lâu năm trên núi Cấm, cho biết: Người đầu tiên có sáng kiến mở tuyến xe ôm vào năm 1999 là anh Bảy Từ Bi, một cư dân sống bằng nghề rừng. Nhờ có chiếc Sanyang 125 anh mới nghĩ ra cách cho “xe ôm leo núi” để rút ngắn thời gian lên núi và còn chở được người hoặc hàng hóa. Thấy thế, nhiều người cũng sắm xe, cùng nhau dọn đường, đắp lộ và khai thông các lối mòn cho xe lên dốc. Lúc đầu chỉ vài ba chiếc, hai năm sau lên 46 chiếc (dân địa phương thường gọi là xe đò núi Cấm), rồi 300 chiếc, có lúc lên đến 700 chiếc (một số chạy tự do).

Điều đáng quý là đội quân xe ôm tuy đông nhưng rất trật tự, hoàn toàn không có cảnh giành giựt, chen lấn và săn đuổi khách như ở các nơi khác. Chính nhờ có nghiệp đoàn mà anh em đã chấp hành tốt các qui định về xếp tài, về trật tự giao thông, đặc biệt là các tiêu chuẩn kỹ thuật cũng được chú ý nhằm bảo đảm an toàn cho xe leo dốc. Ngoài ra, đoàn viên nào cũng có bằng lái và thẻ bảo hiểm. Anh Nguyễn Văn Sáu, quê ở Long Xuyên đến đây hành nghề đã khẳng định: “Xe ôm núi Cấm là đầy tớ đáng tin cậy của khách du lịch”.

Mai này, xe ôm núi Cấm còn không?

Lý lịch trích ngang của những người hành nghề xe ôm gồm nhiều thành phần, từ nông dân, công nhân cho tới thợ mộc, thợ hồ, thầy giáo, bộ đội xuất ngũ... Những người “ôm xe” cũng đủ thành phần xã hội, từ trí thức cho tới lao động chân tay và cả khách nước ngoài. Gần 10 năm qua đội ngũ xe ôm núi Cấm đã góp phần tích cực cho ngành du lịch trong việc chở khách và vận chuyển hàng hóa, giải quyết công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động.

Thế nhưng, kể từ khi tuyến đường lên núi vừa thông xe thì Đội xe chuyên dụng của Công ty Dịch vụ lữ hành An Giang đã đi vào hoạt động (khai trương 19-9-2007 với 10 xe, nay lên 25 xe loại 7 chỗ ngồi có máy lạnh) khiến cho hoạt động xe ôm trở nên trầm lắng. Đa số người già, trẻ em và phụ nữ đều “xính” xe chuyên dụng, thoải mái và an toàn hơn, mặc dù giá xe ôm và xe chuyên dụng cũng tương đương (40.000 - 45.000 đồng/người, khứ hồi).

Ông Nguyễn Trung Thành, Chủ tịch nghiệp đoàn xe Honda Lâm viên, cho biết: Từ khi có Đội xe chuyên dụng, lượng khách đi xe ôm giảm đi khoảng 70%, khiến cho nhiều người tỏ ra băn khoăn lo ngại không biết rồi đây số phận của anh em xe ôm sẽ ra sao. Ban Quản lý nghiệp đoàn lúc nào cũng động viên anh em không nên hoang mang, mà hãy yên tâm và tiếp tục hành nghề. Trước mắt, nghiệp đoàn sẽ duy trì số lượng xe ôm ở mức 300 thay vì 500 như trước. Anh Nguyễn Minh Châu, một giáo viên dạy học trên núi Cấm, đồng thời cũng chạy xe ôm vào những ngày nghỉ, anh tin chắc rằng lực lượng xe ôm núi Cấm sẽ tồn tại. Vì các loại xe chuyên dụng chỉ hoạt động ở tuyến đường chính, còn các con đường mòn dẫn tới nhiều điểm tham quan du lịch khác trên núi Cấm chỉ có xe ôm mới đắc dụng.

Bài, ảnh: HOÀI PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết