Trần Phỏng Diều
Thần Nông là vị thần gắn bó chặt chẽ với tín ngưỡng của cư dân nông nghiệp ở nước ta. Ông dạy dân cày cấy, độ trì mùa màng tốt tươi, làng xóm no ấm. Hầu như ở nước ta làng nào cũng cất miếu thờ Thần Nông, mỗi năm hai kỳ quý tế: Hạ điền và Thượng điền.
Ở Cần Thơ, mỗi khi gieo mạ sạ giống, nông dân đều làm lễ cúng Thần Nông. Bàn thờ Thần Nông được đặt trước sân đình, hoặc ở một góc sân, không mái che, chỉ gồm một bệ đất; có nơi người ta xây bục thờ, trên đó có ghi dòng chữ Nền Xã Tắc; có nơi người ta xây miếu thờ, trong miếu có bài vị thờ ghi hai chữ Thần Nông bằng chữ Hán. Hầu hết bàn thờ Thần Nông ở Cần Thơ đều được đặt ở ngoài trời. Bởi theo truyền thuyết, ngoài việc dạy con người làm ruộng, Thần Nông còn dạy làm nhà ở. Nhưng ông chỉ biết lấy cây làm lá nhà nóc bằng, nên nhân dân phải làm nhà hai mái theo lời chỉ bảo của Bà Cửu Thiên Huyền Nữ. Thần Nông hổ thẹn, không chịu vô nhà(1).
Lễ Tế Thần Nông tại Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp thành phố Đình Thường Thạnh (Cái Răng). Ảnh: DUY KHÔI
Theo cổ lệ, lễ cúng Thần Nông phải có bò, heo, dê. Tuy nhiên, có nơi cũng chỉ có cúng một con heo và phải cúng sống. Ngày xưa, bò, heo, dê phải là bò đực tơ, con heo đực thiến, sắc đen tuyền. Muốn làm thịt ba con vật nói trên, phải trình sanh con heo; bò và dê khỏi phải trình sanh. Đây là nghi thức có ý nghĩa mời thần xem xét vật phẩm cúng. Lễ này thường tổ chức vào quá lúc 0 giờ của ngày chánh tế, Ban tế tự đình mặc khăn đen áo dài, bưng khay trầu rượu với bốn người tể nhục khiêng heo đem ra sân đình, để trước Túc nghi đình. Hương đình để khay trầu rượu trong Túc nghi đình, đốt ba cây nhang, rót rượu đứng ngay thẳng vái chư thánh chư thần, tôi xin trình con sanh (con heo) tuyền sắc đen, mập tốt, đặng làm thịt, sáng lại tế Thần Nông. Xin chư thần chứng giám. Xong rồi lấy son bôi trên đầu con heo làm dấu.
Ngày nay, thức cúng Thần Nông ngoài hương đăng, trà quả, còn có xôi, thịt, heo. Có nơi cúng dê, gạo, muối. Heo hoặc dê thì cúng sống (đã làm xong), để nguyên con, đem gác trên gối. Bên cạnh là dĩa đồ lòng, lông, huyết, một con dao nhỏ - ngụ ý mời thần dùng dao xẻ thịt. Đầu heo đặt quay vào nơi thờ thần.
Có nơi người ta để cả một thúng lúa lên bục thờ, lấy thân cây chuối kết làm cái cộ bên cạnh thúng lúa, ý cầu mong thần sẽ ban cho nhiều thóc rồi dùng cái cộ này chở lúa đem về nhà. Trên bục còn đặt thêm một tĩn nước hay một hũ nước nhỏ và một cái gáo để múc, tượng trưng cho thời buổi còn sơ khai. Bốn góc bục thờ Thần Nông được cặm bốn cây đèn cầy. Trên bục còn để một thau nước và cái khăn để chánh bái, phó bái rửa tay lau mặt khi tế lễ.
Đến giờ tế lễ, hương nhạc trình đồ nhạc ra sân. Hương chức và dân sự đứng hầu hai hàng nghiêm chỉnh. Trước bàn thờ hoặc miếu Thần Nông, chánh bái, bồi bái, đông hiến, tây hiến đứng hầu hai bên. Còn có hương lễ, ba cặp học trò lễ, một cặp đứng nghi, một cặp cầm tàng, một cặp hầu tế. Ông từ lo về phần nhang, đèn, rượu trà và hầu tế(2).
Hương lễ chỉ huy cho học trò lễ xướng tế(3):
Lễ sinh xướng: Áp hầu; Ban tế tự thực hiện: Nhạc đánh rước học trò lễ đi ra
Lễ sinh xướng: Tịnh túc thị lập; Ban tế tự thực hiện: Tất cả im lặng
Lễ sinh xướng: Chấp sự giả các tư kỳ sự; Ban tế tự thực hiện: Những người có chức năng trong buổi tế tập trung lại trước bàn thờ thần
Lễ sinh xướng: Nhạc sanh tựu vị; Ban tế tự thực hiện: Hương nhạc đem trống nhạc trải trước miếu thờ Thần Nông
Lễ sinh xướng: Hương quan, hương chức viên đô tân cựu tựu vị. Tam viên chức chánh, phó bái viên tựu vị; Ban tế tự thực hiện: Ban tế tự tập trung trước bàn thờ thần
Lễ sinh xướng: Bổn ban, bổn thôn nam nữ tựu vị; Ban tế tự thực hiện: Mọi người nghiêm trang đứng trước bàn thờ thần
Lễ sinh xướng: Khởi cổ tế vị Thần Nông mỗi vật tam chuyển; Ban tế tự thực hiện: Trống cái đánh 3 hồi 3 dùi
Lễ sinh xướng: Tả kích thác; Ban tế tự thực hiện: Mõ đánh 3 hồi 3 dùi
Lễ sinh xướng: Hữu kích chung; Ban tế tự thực hiện: Chiêng đánh 3 hồi 3 dùi
Lễ sinh xướng: Trung tâm khởi cổ; Ban tế tự thực hiện: Trống chầu đánh 3 hồi 3 dùi
Lễ sinh xướng: Nhạc sanh khởi nhạc; Ban tế tự thực hiện: Ban nhạc đổ 1 hồi
Lễ sinh xướng: Cổ sơ nghiêm; Ban tế tự thực hiện: Nhạc đổ 1 hồi 3 chập
Lễ sinh xướng: Cổ tái nghiêm; Ban tế tự thực hiện: Nhạc đổ 1 hồi 3 chập
Lễ sinh xướng: Cổ tam nghiêm; Ban tế tự thực hiện: Nhạc đổ 1 hồi 3 chập
Lễ sinh xướng: Đại viên chức tấn bái; Ban tế tự thực hiện: Chính quyền lạy 4 lạy
Lễ sinh xướng: Nghệ quán tẩy sở; Ban tế tự thực hiện: Chánh bái, phó bái đến chỗ có đặt thau nước
Lễ sinh xướng: Quán tẩy; Ban tế tự thực hiện: Chánh bái, phó bái rửa mặt
Lễ sinh xướng: Thuế cân; Ban tế tự thực hiện: Chánh bái, phó bái lau mặt
Lễ sinh xướng: Củ soát tế vật; Ban tế tự thực hiện: Học trò lễ dẫn chánh bái, phó bái đi kiểm tra lễ vật cúng thần
Lễ sinh xướng: Phục cựu vị; Ban tế tự thực hiện: Học trò lễ dẫn chánh bái, phó bái về chỗ cũ
Lễ sinh xướng: Nghệ hương án tiền; Ban tế tự thực hiện: Học trò lễ đốt nhang
Lễ sinh xướng: Phần hương; Ban tế tự thực hiện: Học trò lễ đưa nhang cho chánh bái
Lễ sinh xướng: Giai quị; Ban tế tự thực hiện: Học trò lễ quỳ xuống
Lễ sinh xướng: Nguyện hương; Ban tế tự thực hiện: Chánh bái nguyện hương
Lễ sinh xướng: Thượng hương; Ban tế tự thực hiện: Chánh bái đưa nhang cho học trò lễ dâng lên cúng
Lễ sinh xướng: Cung tấn hương nghi; Ban tế tự thực hiện: Học trò lễ đi lên dâng hương
Lễ sinh xướng: Nhạc sanh tựu vị; Ban tế tự thực hiện: Ban nhạc bước lên trước bàn thờ thần
Lễ sinh xướng: Tiếp giá tế vị Thần Nông cúc cung bái; Ban tế tự thực hiện: Nhạc đánh tiếp giá, chánh bái, phó bái lạy 4 lạy
Lễ sinh xướng: Nhạc sanh hoàn cựu sở; Ban tế tự thực hiện: Nhạc đánh tiếp giá xong về chỗ cũ
Lễ sinh xướng: Sơ hiến lễ; Ban tế tự thực hiện: Tuần rượu thứ nhất
Lễ sinh xướng: Giai quị; Ban tế tự thực hiện: Học trò lễ quỳ xuống
Lễ sinh xướng: Châm tửu; Ban tế tự thực hiện: Chánh bái, phó bái rót rượu
Lễ sinh xướng: Cung tấn tửu nghi; Ban tế tự thực hiện: Học trò lễ đi lên dâng rượu cúng
Lễ sinh xướng: Phủ phục hưng bình thân cúc cung bái; Ban tế tự thực hiện: Chánh bái, phó bái đứng lên, lạy 4 lạy
Lễ sinh xướng: Nghệ phần chúc vị tiền; Ban tế tự thực hiện: Học trò lễ cầm văn tế quỳ xuống
Lễ sinh xướng: Độc chúc; Ban tế tự thực hiện: Hương văn đọc văn tế
Lễ sinh xướng: Phủ phục hưng bình thân cúc cung bái; Ban tế tự thực hiện: Hương văn đứng lên, lạy 4 lạy
Tuần rượu thứ hai, thứ ba thực hiện như tuần rượu thứ nhất. Sau khi dâng tuần rượu thứ ba xong, lễ sinh tiếp tục xướng:
Chánh, phó bái viên thối xuất; Ban tế tự thực hiện: Chánh bái, phó bái đứng lên, lui ra
Lễ sinh xướng: Bổn ban, bổn thôn nam nữ bái, đồng lễ bái; Ban tế tự thực hiện: Tất cả Ban trong đình và nhân dân bước đến cúng
Lễ sinh xướng: Chánh bái viên hoàn cựu sở; Ban tế tự thực hiện: Chánh bái, phó bái trở vô quỳ chỗ cũ
Lễ sinh xướng: Nghệ điểm trà vị tiền; Ban tế tự thực hiện: Tuần trà
Lễ sinh xướng: Giai quị; Ban tế tự thực hiện: Học trò lễ quỳ xuống
Lễ sinh xướng: Châm trà; Ban tế tự thực hiện: Chánh bái, phó bái rót trà
Lễ sinh xướng: Cung tấn trà nghi; Ban tế tự thực hiện: Học trò lễ đi lên dâng trà cúng
Lễ sinh xướng: Phủ phục hưng bình thân cúc cung bái; Ban tế tự thực hiện: Chánh bái, phó bái đứng lên, lạy 2 lạy
Lễ sinh xướng: Cung phần sớ dâng thượng tấu; Ban tế tự thực hiện: Học trò lễ cầm văn tế từ bàn quỳ cúng đi lên bàn chánh để đốt
Lễ sinh xướng: Chúc vị; Ban tế tự thực hiện: Học trò lễ đốt văn tế
Lễ sinh xướng: Lễ thành tứ bái; Ban tế tự thực hiện: Chánh bái, phó bái lạy 4 lạy rồi bước ra; Học trò lễ bước vào lạy 4 lạy.
Trên đây là nghi thức thông thường của Lễ cúng Thần Nông ở Cần Thơ. Tuy nhiên, có thể có một vài dị biệt ở một số nơi, nhưng không đáng kể. Lễ cúng Thần Nông nói lên tinh thần trọng nông của cư dân người Việt từ xưa đến nay, cũng thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta.
....................................
(1) Huỳnh Ngọc Trảng- Trương Ngọc Tường (1999), Đình Nam Bộ xưa và nay, Nxb Đồng Nai, tr.124.
(2) Nguyễn Tứ Di (1973), Đình thần Long Tuyền, Tài liệu in roneo, tr.18-19.
(3) Nghi thức cúng Thần Nông này căn cứ vào tài liệu do Hương nhạc Nguyễn Văn Tặng ở rạch Bù Lu, ấp Thới Hòa, xã Thới Long, quận Ô Môn, thành phố Cần Thơ cung cấp.