08/01/2020 - 19:36

Làm vườn hiệu quả 

Nhờ chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng, nhiều nông dân ở phường Trung Kiên, quận Thốt Nốt đã phát triển mô hình làm vườn hiệu quả, lợi nhuận cao. Từ đó nâng cao đời sống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Ông Tấn bón phân để xử lý nhãn ra hoa trong năm 2020.

Trước đây, 6 công vườn của ông Lê Văn Tấn, ở phường Trung Kiên, trồng xoài cát Hòa Lộc và mận An Phước, huê lợi thấp vì giá cả bấp bênh, việc xử lý cây ra hoa và đậu trái không đạt. Năm 2016, ông Tấn có dịp tham quan các mô hình kinh tế hiệu quả, trong đó có mô hình trồng nhãn Idor ở quận Ô Môn. Qua thăm hỏi các nhà vườn, ông thấy giống nhãn này có ưu điểm kháng được bệnh chổi rồng, năng suất cao và giá thành ổn định. Nắm bắt thời cơ, ông Tấn đặt mua 300 nhánh nhãn Idor để trồng. Sau khi nhận cây giống, ông Tấn đốn bỏ vườn xoài và mận để cải tạo vườn trồng nhãn Idor. 

Theo ông Tấn, năm đầu nhãn Idor phát triển rất chậm. Lo lắng, ông tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng và chăm sóc nhãn, đồng thời tham quan các mô hình trồng nhãn trên địa bàn thành phố để ứng dụng vào vườn nhãn của mình. Ông Tấn chia sẻ: “Giai đoạn nhãn ra đọt non rất dễ bị bệnh và côn trùng tấn công nên phải phun thuốc trừ sâu bảo vệ. Song song đó, phải bón phân theo định kỳ để cây tốt, kháng được sâu bệnh. Nhờ cách làm này, vườn nhãn đã phát triển xanh tốt”.  Năm 2019, ông Tấn thu hoạch được 5 tấn trái từ 6 công nhãn, trừ hết chi phí, còn lời gần 100 triệu đồng.

Sau 3 năm canh tác, ông Tấn đã rút tỉa nhiều kinh nghiệm về kỹ thuật trồng và chăm sóc nhãn Idor của mình.  Ông Tấn cho biết: “Để năng suất nhãn idor cao, người trồng phải xử lý để cây mang lượng trái thích hợp. Sau khi thu hoạch, tiến hành tỉa cành, bỏ những cành già, tạo tán cho cây”. Giống nhãn Idor với ưu điểm hạt nhỏ, vỏ mỏng, cơm dày và giòn, ít nước, độ ngọt vừa phải nên được thị trường ưa chuộng.

Vườn cam sành trồng xen canh với quýt đường có diện tích 10 công của ông Bùi Thế Linh, khu vực Quy Thạnh 2, phường Trung Kiên, đang trĩu quả. Ông Linh phấn khởi khoe: “Vườn cam đã thu hoạch được 3 năm nay. Trung bình mỗi năm còn lời trên 70 triệu đồng. Nhờ cây cam mà gia đình tôi có nguồn thu nhập ổn định, đời sống từng bước được cải thiện”. Năm 2014, khi tham quan các mô hình kinh tế hiệu quả ở huyện Lai Vung tỉnh, tỉnh Đồng Tháp, ông Linh thấy nhiều nhà vườn chỉ trồng vài công cam sành và quýt mà mỗi năm thu nhập cả trăm triệu đồng. Trong khi đó, mỗi công vườn của gia đình ông cho thuê chỉ 4-5 triệu đồng/năm. Ông Linh quyết định cải tạo lại vườn để trồng cam sành và quýt xen canh. Nhờ kiên kỳ học hỏi và đúc kết kinh nghiệm từ thực tế sản xuất, ông Linh thành công trong việc điều trị, khống chế các loại dịch bệnh trên cây cam sành. Vườn cam nhà ông luôn tươi tốt, trái nhiều, cho thu nhập cao.

 Nhắc đến kỹ thuật trồng cam sành và quýt đường đạt hiệu quả, ông Linh lưu ý phải chọn cây giống sạch bệnh, trong quá trình trồng phải sử dụng luân phiên giữa phân hữu cơ và phân hóa học, phải cải tạo bờ cao và thông thoáng để dễ xử lý cam ra trái nghịch vụ. Trong tổng số 10 công vườn trồng xen canh giữa cam và quýt, năm 2019, ngoài thu nhập từ cam sành, ông Linh còn thu hoạch được 10 tấn quýt. Trừ hết chi phí, ông Linh lời trên 200 triệu đồng. 

Bài, ảnh: KHẮC VIỆT

Chia sẻ bài viết