05/09/2011 - 20:57

Làm giàu từ rau nhút

Thời gian qua, ao rau nhút của chú Hôn giúp tăng thêm thu nhập cho gia đình.

Đã qua rồi cái thời nông dân chỉ trông chờ vào mùa vụ, mấy năm nay bà con ở khu vực Thới Hòa C, phường Long Hưng, quận Ô Môn, TP Cần Thơ tìm hướng đi mới trong sản xuất tăng thu nhập cải thiện cuộc sống gia đình. Việc trồng rau nhút đã giúp bà con nông dân nơi đây ăn nên làm ra, vừa giải quyết công ăn việc làm nông nhàn ở địa phương. Nhờ đó người dân ở khu vực cùng nhau xây dựng bộ mặt địa phương ngày càng đẹp giàu...

3 năm nay, gia đình chú Nguyễn Văn Hôn (58 tuổi) ở khu vực Thới Hòa C, phất lên nhờ ao rau nhút. Hôm chúng tôi đến thăm nhà chú Hôn, những hàng rau nhút trải dài một dải xanh ngắt trên mặt ao. Trước kia, cả gia đình chú Hôn 9 người trông chờ vào mấy công ruộng, năm nào được mùa thì vợ chồng chú đỡ vất vả chạy ngược chạy xuôi lo cơm ngày 2 bữa. Chú Hôn tận dụng khoảng đất sau nhà đào ao nuôi cá, nhưng hiệu quả không cao.

Thế rồi, trong một lần mua rau nhút về ăn, chú Hôn cắm gốc rau theo ao cá, rau lớn nhanh. Chú nhân giống ra trồng rau nhút cải thiện bữa ăn cho gia đình, đỡ tiền rau chợ, dần dần số rau này vượt qua thu nhập của cả ao cá. Sau đó, chú Hôn chuyển sang trồng rau nhút. Năm 2008, chú Hôn đi thăm người bà con ở An Giang, thấy ở đây trồng rau nhút trên mặt nước trong khi trước kia chú Hôn trồng rau trên mặt đất, chú học hỏi kinh nghiệm về áp dụng trên ao rau nhút của mình. Kết quả thật bất ngờ đối với gia đình chú Hôn, lần đầu tiên thu hoạch trừ chi phí lời khoảng 1 triệu đồng. Chú Hôn cho biết: “Trồng rau nhút cho thu nhập thường xuyên. Mỗi tháng tôi thu hoạch ao rau nhút 3 lần, trừ tiền phân, thuốc cầm chắc trong tay 6 triệu đồng”. Giờ nhà cửa khang trang hơn, chú Hôn mở rộng diện tích nhà ở, mua tiện nghi sinh hoạt sử dụng trong gia đình.

Ở khu vực Thới Hòa C, không riêng gia đình chú Hôn, nhiều gia đình khác cuộc sống cũng khấm khá nhờ vào trồng rau nhút, trong đó có gia đình chú Êm. Tháng 10-2010, chú Êm trồng thử nghiệm 3 công rau nhút trên ao của gia đình, 15 ngày sau, ao rau cho thu hoạch. Lần đầu tiên, trừ chi phí lời không được bao nhiêu, nhưng chú Êm không nản tiếp tục cải tạo ao rau nhút. Nhờ chịu khó chăm sóc ao rau, thời gian sau hiệu quả bất ngờ, có tháng rau thu hoạch chú Êm lời khoảng 4-5 triệu đồng. Ngoài trồng rau nhút, chú xen canh nuôi tôm càng xanh và cá trê giống trong ao. Chú Êm cho biết: “Trồng rau nhút vài đợt, tôi lại cuộn rau để ao nuôi cá. Như thế, rau nhút sẽ phát triển nhanh năng suất cao, hiệu quả kinh tế cao hơn”.

Theo bà con nông dân trong khu vực Thới Hòa C, rau nhút cho thu hoạch cả năm, thường trong năm nghỉ trồng một tháng để cải tạo ao để rau đạt năng suất cao. Trồng rau nhút không chỉ giúp cải thiện kinh tế hộ cho người trồng, mà còn tạo việc làm trong lúc nông nhàn cho người dân nơi đây phần lớn là phụ nữ. Mỗi giờ cắt rau nhút, người cắt được trả tiền công khoảng 10 ngàn đồng. Mỗi hộ trồng với thời gian thu hoạch khác nhau nên chị em luân phiên có việc làm thường xuyên. Những ngày thu hoạch rau nhút là khoảng thời gian nhộn nhịp nhất nơi đây. Các bà, các chị bơi xuồng cắt rồi bó rau, thương lái chạy xe vô thu mua rau làm náo nhiệt cả khúc sông.

Ông Huỳnh Văn Dùng, Phó Trưởng khu vực Thới Hòa C, cho biết: “Trong khu vực có 15 hộ trồng rau nhút, không những tạo thu nhập cho gia đình mà còn giải quyết việc làm nông nhàn ở địa phương và qua đó, góp phần ổn định an ninh trật tự trên địa bàn”.

Không những giỏi làm kinh tế tăng thu nhập cho gia đình, chú Hôn và những người dân ở đây đều tham gia công tác xã hội ở địa phương. Những con đường trải dài thẳng tắp ở địa phương đều là những dấu ấn trong những ngày rong ruổi vận động bà con xây dựng giao thông nông thôn. Công việc của chú Hôn dần tạo được sự đồng thuận trong nhân dân. Đầu năm 2011 vừa qua, chú Hôn đứng ra vận động người dân góp tiền rải than đá 1.200m đường. Những ngày rải đá làm đường mới thấy sự đồng lòng của người dân. Không chỉ góp tiền mua vật liệu, người dân ở đây còn góp ngày công lao động làm đường. Dưới cái nắng chang chang, những ly nước mát của bà con làm mát lòng những thanh niên địa phương rải từng giá than cho đường thêm sạch đẹp. Chú Êm nói: “Hễ trong khu vực cần kinh phí, ngày công lao động là nông dân tụi tôi sẵn lòng hỗ trợ”.

Ông Trần Hữu Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND phường Long Hưng, cho biết: “Mô hình này khá mới, lúc trước nông dân ở đây trồng rau nhút trên diện tích nhỏ lẻ. So với trồng lúa, trồng rau nhút hiệu quả kinh tế cao, nhẹ chăm sóc và ngày công lao động. Điều đáng phấn khởi là người dân ở đây đồng lòng làm công tác xã hội như xây dựng cầu đường, làm cho làng quê ngày thêm đẹp”.

Bài, ảnh: M. HOÀNG

Chia sẻ bài viết