18/12/2016 - 17:15

Làm giàu nhờ cây cam sành và bưởi lông Cổ Cò

Với gần 6.000 m2 đất chuyên trồng cam sành và khoảng 6.000 m2 đất trồng xen bưởi lông Cổ Cò với cam xoàn, mỗi năm gia đình ông Phạm Quốc Hoạn, xã Mỹ Đức Tây, huyện Cái Bè, Tiền Giang có thu nhập hàng trăm triệu đồng…

Ông Hoạn (bìa phải) chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc bưởi lông Cổ Cò. 

Hiện tại, vườn cam sành của ông Phạm Quốc Hoạn chuẩn bị thu hoạch, với giá hơn 20.000 đồng/kg, dự kiến đạt khoảng 10 tấn trái, thu nhập khoảng 200 triệu đồng. Ông chia sẻ: "Trồng cam sành phải làm đất thật kỹ, xẻ rãnh để đất được khô ráo, thoát nước vào mùa mưa. Để không ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng của trái, khi cây ra trái non phải phun thuốc định kỳ phòng trừ các loại sâu, rầy, bọ… hút nhựa. Sử dụng nấm Trichoderma, phân hữu cơ sinh học, vi sinh… để duy trì độ màu mỡ cho đất, kéo dài tuổi thọ cho cây.

Ngoài ra, ông Hoạn còn dành 6.000 m2 đất trồng bưởi lông Cổ Cò xen lẫn cam xoàn. Hiện tại, bưởi lông Cổ Cò được ông Hoạn chăm sóc rất kỹ chuẩn bị bán vào dịp Tết Nguyên đán 2017. Theo ước tính, năm 2016, cộng với vụ Tết Nguyên đán 2017, gia đình ông Hoạn thu hơn 10 tấn bưởi lông Cổ Cò, mang về nguồn thu hàng trăm triệu đồng. Ông Hoạn cho biết: "Bưởi lông Cổ Cò đã có thương hiệu và nơi tiêu thụ ổn định. Bởi trái có hình dáng đẹp, khi chín vỏ có màu xanh vàng, ruột hồng nhạt, nước khá nhiều, mùi thơm và ít hạt nên được người tiêu dùng ưa chuộng. Đặc biệt, khi Tết đến, nhiều người chọn bưởi lông Cổ Cò chưng trong mâm ngũ quả. Vì thế giá cả, cũng như sức tiêu thụ tăng cao".

Để góp phần nâng cao giá trị, khẳng định thương hiệu, ông Hoạn đang tham gia các lớp tập huấn trồng cam sành và bưởi lông Cổ Cò theo tiêu chuẩn VietGAP. Ông Hoạn chia sẻ: "Sản xuất theo quy trình VietGAP sản phẩm nông sản được kiểm soát chặt chẽ, không để lại dư lượng thuốc trừ sâu, bảo đảm chất lượng và sức khỏe người tiêu dùng. Ngoài ra, vườn cây ăn trái của mình sẽ giảm được chi phí đầu vào, lợi nhuận cao hơn sản xuất bình thường, người tiêu dùng sẽ ưa chuộng hơn".

Ông Hoạn còn đi mua những cây kiểng còn nguyên sơ về chỉnh sửa dáng. Dưới đôi bàn tay khéo léo, ông đã "thổi hồn" cho từng cây kiểng với nhiều kiểu dáng sinh động khác nhau. Ông Hoạn bộc bạch: "Trồng kiểng vừa làm đẹp sân nhà vừa cho lợi nhuận kinh tế cao. Mỗi dịp Tết đến, có ai mua kiểng, giá cả hợp lý, hấp dẫn thì tôi bán ngay. Có thêm nguồn thu đáng kể trang trải cho 3 ngày Tết".

Ông Trần Văn Phước, Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Đức Tây, nhận xét: "Anh Phạm Quốc Hoạn là một nông dân tiêu biểu của xã, rất nhiệt tình trong công tác hội. Anh hướng dẫn kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm để anh em hội viên nông dân của địa phương cùng vươn lên làm giàu chính đáng. Bên cạnh đó, anh còn gương mẫu trong các phong trào tại địa phương, đặc biệt là phong trào xây dựng nông thôn mới".

Bài, ảnh: MINH TOÀN

Chia sẻ bài viết