05/09/2010 - 10:44

Làm gì để nâng cao giá trị hạt gạo Đồng bằng sông Cửu Long ?

Bài cuối: Cần giải pháp đồng bộ, lâu dài

Là một trong những nước dẫn đầu thế giới về xuất khẩu gạo, nhưng việc tổ chức thu mua lúa gạo ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và cả nước luôn bị động khiến thị trường lúa gạo trong nước và xuất khẩu của Việt Nam bấp bênh. Điều này đòi hỏi cần phải đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thu hoạch và bảo quản, hạ giá thành sản xuất. Đồng thời, cần có những bước chuyển trong việc sản xuất theo nhu cầu thị trường, đầu tư xây dựng hệ thống kho trữ lúa gạo để kịp thời thu mua tạm trữ lúa gạo cho nông dân khi thị trường xuất khẩu gặp khó khăn, từng bước nâng cao chất lượng, giá trị và tính cạnh tranh của hạt gạo ĐBSCL nói riêng và Việt Nam nói chung trên thị trường thế giới...

CƠ CẤU LẠI NỀN SẢN XUẤT ĐỂ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

Trong những năm gần đây, các nhà quản lý, nhà khoa học đã đặt ra yêu cầu cơ cấu lại nền sản xuất lúa tại ĐBSCL theo hướng gắn kết với nhu cầu của thị trường để phát triển bền vững, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và có nguồn hàng xuất khẩu.

Ông Phạm Văn Dư, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), từng đề cập: Sản xuất và tiêu thụ lúa tại ĐBSCL trong nhiều năm qua chưa thật sự bền vững. Nguyên nhân do ảnh hưởng bởi mùa vụ, việc thâm canh sản xuất, cơ cấu giống và chất lượng lúa giống; những diễn biến phức tạp của thời tiết, sâu bệnh và dịch bệnh trên lúa. Ngoài ra, còn do những hạn chế trong điều kiện phơi, sấy lúa, kho chứa, việc áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất... Để khắc phục những vấn đề trên, ĐBSCL cần sắp xếp thời vụ một cách hợp lý. Một mặt, có thể né rầy và các loại sâu bệnh, mặt khác tránh những tác động xấu của thời tiết. Cần bố trí cơ cấu giống lúa sao cho phù hợp, liên tục thay đổi giống mới và đa dạng giống lúa. Nên duy trì phát triển gieo giống lúa dẻo, thơm vào khoảng trên dưới 20% trên tổng diện tích canh tác, còn giống lúa có năng suất cao khoảng 60%, các giống lúa đặc sản địa phương khoảng trên dưới 20%. ĐBSCL cũng cần tổ chức hệ thống cung ứng lúa giống ở địa phương cho tốt hơn. Nếu làm tốt việc cung ứng giống sẽ giúp tăng năng suất và chất lượng lúa...

Điển hình như TP Cần Thơ, thời gian qua, ngành nông nghiệp thành phố đã tập trung hướng dẫn nông dân đẩy mạnh sản xuất lúa theo hướng GAP, ứng dụng “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”... Song song đó, ngành nông nghiệp còn hướng nông dân thành phố gieo sạ các loại giống lúa chất lượng cao và lúa thơm nhằm dễ tiêu thụ lúa hàng hóa hơn. Các vụ lúa vừa qua, lúa chất lượng cao và lúa thơm chiếm khoảng 80% diện tích gieo sạ của thành phố. Nhờ vậy, phần lớn người trồng lúa ở TP Cần Thơ ít gặp khó khăn trong việc tiêu thụ, ngay cả trong những thời điểm nông dân các tỉnh vùng ĐBSCL gặp rất nhiều khó khăn về đầu ra cho hạt lúa.

Không chỉ có ngành nông nghiệp, nhiều DN xuất khẩu gạo đã triển khai xây dựng vùng lúa nguyên liệu, liên kết với nông dân sản xuất ra các sản phẩm lúa có chất lượng đáp ứng cho nhu cầu xuất khẩu. Công ty cổ phần Gentraco ở TP Cần Thơ hàng năm có năng lực xuất khẩu từ 250.000-300.000 tấn gạo, triển khai quy hoạch xây dựng vùng lúa nguyên liệu từ năm 2008 trên địa bàn các huyện Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh (thuộc TP Cần Thơ) và huyện Mỹ Tú (tỉnh Sóc Trăng); sản phẩm chủ yếu là các giống lúa thơm nhẹ, hạt dài, cơm dẻo như; jasmine, OM 7347, ST 5, SCT 3, SCT 5... Tại tỉnh Sóc Trăng, Công ty cổ phần Gentraco đã hợp tác với Hợp tác xã Lúa-Tôm Hòa Lời (ở xã Ngọc Đông, huyện Mỹ Xuyên) sản xuất lúa đạt tiêu chuẩn GlobalGAP với diện tích 20 ha trong vụ đông xuân 2009-2010. Năm 2010, Gentraco đã ký kết hợp tác với hợp tác xã này mở rộng diện tích sản xuất lên 50 ha trong năm 2010 và tăng lên rất nhiều lần trong các năm tiếp theo. Đồng thời, Gentraco cũng mong muốn nhân rộng mô hình liên minh này và sẵn sàng hợp tác với các địa phương, các hợp tác xã, các câu lạc bộ sản xuất lúa chất lượng cao ở vùng ĐBSCL để triển khai sản xuất lúa theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Năm 2010, Công ty cũng đã giới thiệu ra thị trường 1 thương hiệu mới: gạo thơm “Ngọc Đồng”. Đây là sản phẩm gạo túi cao cấp đạt tiêu chuẩn GlobalGAP trong quy trình trồng trọt và chứng nhận HACCP trong quy trình chế biến. “Ngọc Đồng” cũng là kết quả từ mối liên kết 4 nhà gồm: Gentraco, các kỹ sư lai tạo giống lúa thơm hạt dài (giống lúa ST) của Sóc Trăng, nông dân Hợp tác xã Lúa-Tôm Hòa Lời và Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng. Với tiêu chuẩn GlobalGAP, sản phẩm gạo “Ngọc Đồng” dễ xâm nhập các thị trường khó tính như: châu Âu, châu Mỹ, châu Úc...

SẢN XUẤT PHẢI GẮN VỚI THỊ TRƯỜNG

Sản xuất lúa phải có sự hợp tác chặt chẽ giữa DN và nông dân. Bởi vì, DN định hướng rất tốt nông dân nên sản xuất lúa gì và một khi nông dân kết hợp được với DN thì sẽ biết được DN cần loại lúa nào, chất lượng lúa ra sao... Để đảm bảo yếu tố bền vững trong sản xuất lúa hàng hóa tốt nhất nên cần có sự liên kết chặt chẽ của “bốn nhà” (nhà nông, nhà DN, nhà nước và nhà khoa học). Đặc biệt, nông dân cần tự liên kết lại với nhau để gắn kết với DN nhằm bảo đảm đầu ra cho cây lúa. Mục đích nhằm đảm bảo sự hấp dẫn đối với người trồng lúa để duy trì được diện tích sản xuất lúa tại ĐBSCL. Thời gian qua, đóng góp quan trọng cho chuổi giá trị hạt gạo nhưng nông dân là người chịu nhiều vất vả và có xu hướng ngày càng nghèo. Vì thế, cần phải có sự phân chia lợi nhuận trong chuỗi giá trị gạo một cách công bằng hơn cho nông dân.

Ngoài những vấn đề trên, yếu tố bền vững trong sản xuất và tiêu thụ lúa còn gắn liền với việc dự báo thị trường tốt, xây dựng thương hiệu để nâng cao giá bán và đảm bảo đầu ra cho lúa gạo. Thời gian qua, do chúng ta chưa làm tốt công tác dự báo thị trường nên nhiều lúc đã bỏ mất những cơ hội “vàng” cho xuất khẩu. Năm 2008, nhờ làm tốt công tác dự báo thị trường mà Thái Lan đã chớp được cơ hội “vàng” khi tung hết được lượng lúa gạo hàng hóa ra bán ngay thời điểm giá gạo thế giới tăng lên ở mức cao kỷ lục. Trong khi đó, nước ta phải hứng chịu “cơn sốt ảo” giá gạo trong nước và sau đó nhiều nông dân đã gặp khó do giá lúa giảm mạnh, lúa bị tồn đọng khó tiêu thụ.

Theo nhiều nhà khoa học, sản lượng lúa gạo nước ta liên tục tăng trong thời gian qua là một điều đáng mừng. Vấn đề là chúng ta phải tận dụng nó để đem về thêm nguồn ngoại tệ cho đất nước và tăng thêm thu nhập cho người trồng lúa. Trên thế giới hiện có khoảng 1 tỉ người bị đói ăn và nhiều nước trên thế giới có nhu cầu nhập khẩu gạo. Trong khi đó, gần đây hạn hán, mất mùa liên tục xảy ra tại nhiều nước trên thế giới và nhiều nước phải hứng chịu các đợt thiên tai tồi tệ nhất trong lịch sử do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Trong tương lai, nhiều người dự đoán lương thực thực phẩm là mặt hàng có giá tăng cao kỷ lục. Vì vậy, không thể nói do chúng ta thâm canh, tăng vụ, tăng năng suất làm gia tăng sản lượng dẫn đến lúa gạo hàng hóa dư thừa phải bán giá rẻ. Vấn đề là chúng ta cần phải tăng cường công tác tìm kiếm thị trường, mở rộng thêm các thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, để làm tốt vấn đề này cùng với sự năng nổ của các DN, đòi hỏi cần có sự giúp sức của các ngành chức năng, đặc biệt là vai trò của các tham tán thương mại của nước ta tại nước ngoài trong việc hỗ trợ DN nắm bắt nhu cầu nhập khẩu gạo của các nước. Đồng thời, Nhà nước cần có một cơ quan chuyên tổng hợp thông tin để kịp thời nắm bắt các thông tin về giá cả, cung cầu gạo trên thế giới... để có những dự báo tốt về thị trường, chọn thời điểm xuất khẩu gạo được giá cao.

CHĂM LO ĐẦU RA CHO LÚA GẠO

Việc thu mua lúa gạo ở ĐBSCL và cả nước thời gian qua bị động và thiếu chuyên nghiệp. Nhiều doanh nghiệp (DN) chỉ đợi Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) phân chỉ tiêu hoặc thấy khách hàng nước ngoài có nhu cầu mua loại gạo gì thì báo cho thương lái đi thu gom. Thương lái xem loại lúa nào trong dân mà DN có nhu cầu và bán có lời thì mua về xay thành gạo. DN chế biến thành loại gạo trắng 5% tấm, 15% tấm, 25% tấm... chứ chưa có thương hiệu nên chưa nâng cao được giá trị.

Chính vì thế, về lâu dài, theo các nhà chuyên môn, Nhà nước cần có chính sách khuyến khích DN và các thành phần kinh tế tham gia đầu tư hệ thống kho tồn trữ lúa gạo, đồng thời cần quy định về việc các DN muốn xuất khẩu phải đảm bảo một số điều kiện nhất định về tồn trữ lúa nhằm giúp gia tăng giá trị cho hạt gạo Việt Nam. Cụ thể, DN xuất khẩu gạo phải xây dựng vùng nguyên liệu, có nhà máy xay xát và chế biến gạo, có hệ thống kho trữ tốt... để việc tạm trữ lúa được trong thời gian dài. Song song đó, Nhà nước cần có chính sách lâu dài về việc ưu đãi vốn, lãi suất tiền vay cho các DN thực hiện tồn trữ lúa gạo... Khi điều kiện tồn trữ lúa gạo tốt, bước vào các thời điểm thu hoạch lúa rộ, các DN trong nước có thể tự chủ động và tranh thủ mua lúa gạo đưa vào kho dự trữ, chờ thời điểm giá gạo thế giới ở mức có lợi nhất tung hàng ra bán.

Nhiều địa phương, DN xuất khẩu gạo vùng ĐBSCL đã có bước chuẩn bị cho đầu ra của lúa gạo. Điển hình như TP Cần Thơ, hiện nay, toàn thành phố có hệ thống kho trữ lúa gạo tương đương 940.127 tấn, trong đó Nhà nước trên 253.555 tấn, còn lại là các doanh nghiệp tư nhân đầu tư. Thành phố có nhu cầu xây dựng mới kho chứa tương đương 500.000 tấn và sửa chữa kho chứa tương đương 180.000 tấn, tổng số vốn đầu tư khoảng 1.390 tỉ đồng, dự kiến thực hiện 3 năm (2010-2012). Trong đó, 80% là vốn vay ngân hàng và được hưởng lãi suất ưu đãi theo quy định... Ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, cho biết: “Thành phố sẽ có chính sách hỗ trợ lãi suất vay ngân hàng để vận động doanh nghiệp và thương lái đẩy mạnh đầu tư hệ thống kho trữ lúa gạo và các máy sấy lúa công suất lớn. Khi TP Cần Thơ có được hệ thống kho trữ lúa gạo và hệ thống các máy sấy lúa đảm bảo sẽ giúp tiêu thụ lúa cho nông dân rất tốt và giá lúa sẽ ổn định hơn, nhất là vào thời điểm thu hoạch rộ...”. Ngoài ra, TP Cần Thơ cũng đang quy hoạch xây dựng Khu nông nghiệp công nghệ cao chuyên về lúa có quy trình nghiên cứu, xây dựng mô hình canh tác, chế biến xuất khẩu theo nhu cầu thị trường, trung tâm đào tạo nông dân sản xuất lúa... Khu nông nghiệp công nghệ cao này khi đi vào hoạt động sẽ góp phần tạo thương hiệu cho lúa gạo TP Cần Thơ...

Về phía DN, hiện nay, Công ty cổ phần Gentraco có 11 dây chuyền chế biến gạo xuất khẩu với tổng công suất 1.500 tấn gạo/ngày, hệ thống kho bãi được thiết kế với sức chứa khoảng 60.000 tấn gạo. Theo ông Trần Thanh Vân, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Gentraco, từ nay đến năm 2013, Gentraco sẽ xây dựng thêm cụm kho khép kín (gồm nhà máy, cơ sở sản xuất, lau bóng gạo, đóng gói...), với công suất khoảng 2.000 tấn/ngày, sức chứa khoảng 100.000 tấn lúa gạo, vốn đầu tư khoảng 200 tỉ đồng. Việc công ty xây dựng cụm kho này không chỉ phục vụ sản xuất kinh doanh mà còn góp phần đảm bảo hệ thống kho tạm trữ lúa gạo đạt 4 triệu tấn theo chỉ đạo của Chính phủ...

VĂN CÔNG - ANH KHOA

Chia sẻ bài viết