Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp vừa tổ chức Hội thảo “Tiềm năng và giải pháp phát triển Làng văn hóa du lịch Sa Đéc”. Đây là làng hoa nổi tiếng bậc nhất ĐBSCL với hơn 600ha hoa kiểng, có hơn 2.000 loài hoa các loại, đã hình thành và phát triển 100 năm. Làng hoa Sa Đéc bốn mùa đều có hoa nở, hàng năm thu hút hàng trăm ngàn du khách đến tham quan trải nghiệm.
Du khách chụp ảnh lưu niệm Làng hoa Sa Đéc.
Về Làng hoa Sa Ðéc trong những ngày cuối năm, lúc người trồng hoa tất bật chăm sóc vun trồng và giao nhận vụ hoa Tết, không khí đón Tết sớm rộn ràng. Ðó cũng là thời điểm diễn ra Hội thảo “Tiềm năng và giải pháp phát triển Làng văn hóa du lịch Sa Ðéc”. Ông Nguyễn Thanh Liêm, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin TP Sa Ðéc, cho biết hiện nay nơi đây có diện tích trồng hoa hơn 600ha, trong đó vùng lõi khoảng 210ha, trên 2.300 hộ dân trồng hoa với hơn 2.000 loài hoa kiểng, là một trong những vựa hoa kiểng lớn nhất ÐBSCL.
“Việc phát triển Làng văn hóa du lịch Sa Ðéc khuyến khích cộng đồng địa phương tự hào về văn hóa và góp phần củng cố bản sắc cộng đồng. Ðể khai thác thế mạnh, tiềm năng du lịch gắn với phát triển sản phẩm của địa phương, thông qua việc xây dựng làng văn hóa du lịch, tính đặc thù và tài nguyên địa phương phải được nhấn mạnh, thể hiện qua các sản phẩm du lịch cụ thể và đặc thù. Dự án Làng văn hóa du lịch Sa Ðéc giai đoạn 2020-2025, hướng đến năm 2030, hướng đến mục tiêu kiến tạo điểm đến du lịch đặc thù, hấp dẫn và cạnh tranh cao của khu vực và quốc gia. Ðồng thời mô hình Làng văn hóa du lịch Sa Ðéc cũng là một sản phẩm của chương trình OCOP thuộc nhóm sản phẩm dịch vụ du lịch nông thôn; hướng đến kích thích sản xuất, nâng cao giá trị và quảng bá sản phẩm hoa kiểng mang tính lịch sử gắn liền với vùng đất Sa Ðéc…”, ông Nguyễn Thanh Liêm nói.
Tại hội thảo, các chuyên gia, diễn giả và các hãng lữ hành đánh giá cao việc xây dựng Làng hoa Sa Ðéc thành Làng văn hóa du lịch Sa Ðéc. Theo ông Phan Ðình Huê, Giám đốc Công ty Dịch vụ du lịch Vòng Tròn Việt, chuyên gia tư vấn phát triển du lịch ÐBSCL, Làng văn hóa du lịch Sa Ðéc phát triển thương hiệu Sa Ðéc như là điểm đến khác biệt và duy nhất Việt Nam gắn với hoa. Bà Phan Yến Ly, Trưởng Phòng Phát triển sản phẩm, Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn Tourist, cho rằng: “Ðể Làng văn hóa du lịch Sa Ðéc tiếp tục thu hút du khách hiệu quả, cần chú trọng công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của làng hoa như giữ hồn chợ hoa trên bến dưới thuyền ngày Tết, lễ hội đình làng, thiết kế mẫu mã cho đặc sản làng hoa, nâng tầm thương hiệu và tiện lợi cho việc khách du lịch mang về làm quà, bảo tồn cách trồng hoa truyền thống, giới thiệu nghệ thuật chăm sóc cây kiểng cổ, bồi dưỡng đào tạo các lớp nghệ nhân tại làng nghề… Hiện nay có nhiều nhà vườn, trang trại, khu du lịch ở Sa Ðéc đã xây dựng nhiều mô hình khai thác tham quan nhưng lại sao chép cách làm hoặc trang trí ở các nơi khác hay làm bình dân hóa các điểm đến… là điều mà các nhà quản lý ở địa phương nên quan tâm và định hướng cho các nhà đầu tư để có các sản phẩm du lịch thật sự đẳng cấp”.
Ðến dự và phát biểu với hội thảo, ông Ðoàn Tấn Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ðồng Tháp, tự hào tỉnh có được Làng hoa Sa Ðéc độc đáo và kỳ vọng về Làng văn hóa du lịch Sa Ðéc: “Nghề trồng hoa kiểng ở Sa Ðéc được hình thành từ những năm cuối thế kỷ XIX. Tiêu biểu là vườn hồng của ông Dương Hữu Tài (thường gọi vườn hồng Tư Tôn) có hơn 400 loài hoa và dược liệu quý. Ðến nay tại làng hoa đã trồng và nhân giống hàng ngàn giống hoa khác nhau, đặc biệt còn lưu giữ được trên 50 giống hoa hồng của 200 quốc gia, vùng lãnh thổ trên khắp thế giới. Không những vậy, Làng hoa Sa Ðéc còn là xứ sở của nhiều loại cây kiểng quý hiếm trăm năm tuổi. Mỗi cây, dáng đứng đều thấm đượm văn hóa và triết học phương Ðông. Có những loại cây rất bình dị gần gũi với đời sống hàng ngày như: me, khế, cau, bùm sụm, si, mai… qua bàn tay khéo léo tài hoa của các nghệ nhân đã trở thành những cây kiểng quý, có hình dáng đẹp lạ, giá trị cao. Sản phẩm hoa, cây cảnh Sa Ðéc cung cấp cho các tỉnh, thành vùng ÐBSCL, TP Hồ Chí Minh, các tỉnh miền Trung, thị trường Campuchia và đang hướng đến các thị trường xuất khẩu rộng lớn khác… Với mong muốn khai thác tốt tiềm năng phát triển của làng hoa phục vụ cho du lịch, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của người dân Sa Ðéc nói chung và ÐBSCL nói riêng trong thời gian tới, UBND tỉnh đã giao cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Trường Ðại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh xây dựng Ðề án Làng văn hóa du lịch Sa Ðéc… Trên tinh thần cầu thị, năng động, sáng tạo, hiếu khách, dám dũng cảm vượt khó để đi lên, chúng tôi đang mong muốn mở rộng cơ hội hợp tác đầu tư để cùng chung tay, góp sức đưa ngành du lịch non trẻ của tỉnh tiếp tục cất cánh bay lên trong thời gian tới”.
Các ý kiến tại hội thảo cho rằng tương lai hoa kiểng Sa Ðéc sẽ được quan tâm hơn, sưu tầm trồng những giống hoa đẹp, vườn hoa kiểng sẽ được chăm sóc tốt hơn để bốn mùa hoa nở, đồng thời hệ thống giao thông sẽ được đầu tư mở rộng, xây dựng nhiều sản phẩm dịch vụ du lịch để thỏa lòng du khách gần xa đến tham quan thưởng ngoạn.
Bài, ảnh: HUỲNH BIỂN