03/10/2009 - 21:47

Ký ức Mo So

Tháng 7. Về chiều hay có những cơn mưa hè thất thường. Mo So lặng yên trong làn sương mờ ảo. Sóng biển rì rào vọng vào vách đá, đâu đó tiếng mìn phá đá âm vang từng đợt dội lại, chợt gợi nhớ một thời đã qua cách đây gần 60 năm...

Thời ấy, cả dân tộc ta phải đương đầu với thực dân Pháp xâm lược. Mo So (Kiên Lương) là căn cứ của binh Công xưởng 18 thuộc tỉnh Long Châu Hà. Nơi đây, nhiều đồng đội tôi đã sống, chiến đấu và hy sinh, hoàn thành nhiệm vụ người lính thợ, góp phần giải phóng quê hương. Cuối năm 1950 đầu năm 1951, chiến dịch Long Châu Hà mở ra, các đồn bót địch bị ta tiến công đồng loạt đều khắp cả Đồng bằng sông Cửu Long. Địch điên cuồng chống trả quyết liệt, chúng mở nhiều cuộc càn quét vào hậu cứ Quân Giải phóng nhằm cắt nguồn hậu cần, làm suy yếu sức mạnh tiến công của quân dân ta. Mo So là một mục tiêu quan trọng.

Một sáng tháng 3 - 1951. Mo So còn đang yên ngủ. Bất ngờ những âm thanh của động cơ máy bay gầm rú vọng tới. Tiếp theo hàng loạt bom chùm trút xuống Mo So. Pháo từ biển cũng bắn vào tấp nập. Hỏa lực từ máy bay, tàu chiến thi nhau trút xuống núi Mo So đẫm mình trong bom đạn, tưởng như sắp nổ tung. Các chiến sĩ Binh Công xưởng 18 nhanh chóng vào vị trí chiến đấu, bình tĩnh chuẩn bị cho những tình huống khốc liệt nhất, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ kho xưởng, bảo vệ an toàn căn cứ. Trời vừa sáng, địch bắt đầu đổ quân. Trên không, những chiếc máy bay vận tải thả dù, đủ loại xanh, đỏ, trắng. Bốn tiểu đoàn Lê Dương và quân Bảo Hoàng, hình thành hai gọng kiềm tiến vào Mo So. Lực lượng của ta tại căn cứ lúc đó chỉ có 100 chiến sĩ với một số vũ khí hạng nhẹ như súng trường, lựu đạn, súng ngắn... Nhưng ta có lợi thế là dựa vào hang động, dựa vào núi rừng hiểm trở với cách đánh du kích thành thạo. Các chiến sĩ Binh Công xưởng 18 không hề nao núng trước trận chiến không cân sức này.

Hang Mo So. Ảnh: uploadanh.com 

Khoảng 9 giờ, ở hướng Đông Bắc một nhóm lính Pháp đã vào núi hang Cây Me (còn gọi là hàng Lò Đúc). Đồng chí Trần Văn Tâm dùng khẩu súng ngắn 9 ly bắn gục một tên Pháp, nhưng cùng lúc ấy địch phát hiện và bắn xối xả về phía anh. Anh lảo đảo ôm ngực ngã xuống, máu loang đỏ nơi anh nằm. Chúng tôi quặn thắt, đau đớn... Nhóm lính vừa bắn, vừa tràn đến kéo xác đồng bọn. Lúc này, trong hang, đồng chí Đỗ Hữu Trí vừa bắn, vừa ném lựu đạn ra. Anh ném liên tục hơn 20 quả lựu đạn xuống sườn núi, nơi có bọn lính tập trung. Lựu đạn nổ dồn dập, đám lính hốt hoảng bỏ chạy, không vào được. Cánh quân tấn công hang Cây Me đành rút lui với nhiều tên chết và bị thương.

Cũng sáng hôm ấy, ở hướng Tây Nam, bên hang Nước Ngọt, nơi nhà ăn Xưởng 18, một điều không may xảy ra. Cánh quân địch lòn vào chân núi gặp đồng chí Thạch Xiêm đang trên đường về căn cứ. Với khẩu súng ngắn 9 ly, anh Xiêm chiến đấu đến viên đạn cuối cùng, làm bị thương 3 tên lính Pháp. Súng anh hết đạn, giặc xáp lại bắt trói anh. Địch dụ dỗ anh Thạch Xiêm, nếu chịu khai và đầu hàng, chúng sẽ tha tội chết. Chúng hỏi anh: “Xưởng này có bao nhiêu người? Ai là chỉ huy? Hàng tháng sản xuất bao nhiêu loại vũ khí, số lương?”. Anh Thạch Xiêm im lặng. Sau hơn 10 phút anh im lặng, tên sĩ quan Pháp tức giận dùng cây súng ngắn 12 ly đập vào đầu anh, máu phun ướt cả thân người. Anh Xiêm trả lời: “Chỉ huy cũng là tao. Cộng sản cũng là tao”. Giặc dẫn anh đi khắp hang động Mo So, buộc anh khai báo các hang anh em trú ẩn. Anh trả lời với chúng: “Họ lên núi và ra rừng hết rồi”. Bọn giặc tiếp tục tra khảo, đánh đập anh rất tàn nhẫn. Cả người bầm tím và máu ra nhiều, anh Xiêm ngất xỉu. Ở trong hang Nước Ngọt, hơn 30 đồng chí đang từng phút, từng giây theo dõi anh Thạch Xiêm và chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu nếu anh đầu hàng, dẫn địch vào. Tỉnh dậy, biết mình không thể sống được, anh Xiêm cố gắng dồn sức hô to nhiều lần: “Đả đảo giặc Pháp xâm lược” giọng anh âm vang núi rừng. Bọn giặc tức giận điên cuồng, lồng lộn đè anh xuống. Chúng dùng cây dao khui đồ hộp 7 lưỡi, mài xuống đá cho thật sắc rồi móc mắt anh. Anh thét vang, hô to 3 lần: “Hồ Chủ Tịch muôn năm, muôn năm, muôn năm!”. Giặc man rợ tiếp tục móc con mắt thứ hai của anh. Vợ con anh khóc như mưa. Những người cùng bị bắt ứa lệ, khâm phục người chiến sĩ cách mạng Khmer anh hùng. Giặc lại dùng chiếc đũa cái nhà bếp, đâm thủng hai tay và vạt nhọn cây tre, đâm từ hậu môn lên cổ anh. Còn nhớ lúc ấy khoảng 10 giờ, ngày 8-3-1951. Núi rừng im bặt, tiếng súng ngừng nổ, biển Ba Hòn không sóng vỗ, chim rừng thôi thánh thót... Thiên nhiên dường như đều nghiêng mình vĩnh biệt anh Thạch Xiêm - người đảng viên hy sinh anh dũng. Chúng tôi, hơn 30 con người trong hang vô cùng khâm phục người đảng viên cộng sản trung kiên ấy. Hang chúng tôi trú ẩn chỉ cách đó 30m, nếu đồng chí Thạch Xiêm không giữ khí tiết thì có lẽ tất cả chúng tôi cũng đã phải hy sinh.

Mo So ngày ấy còn ấp ủ tình yêu sâu đậm của một người lính thợ với cô gái Khmer duyên dáng... Đó là câu chuyện anh Nguyễn Văn Hiền yêu chị Thơm, người Khmer ở Kênh 5, xã Nam Thái Sơn. Gia đình hai bên chưa ưng thuận vì tuổi tác quá chênh lệch. Sau nhờ tổ chức vận động anh chị nên duyên chồng vợ. Đám cưới tổ chức vui vẻ, bà con đến dự đông đủ. Đêm ấy liên hoan mừng cưới, mọi người cùng múa lâm thôn sáng đêm, đậm đà tình đoàn kết Việt - Khmer. Lần đầu tiên xã Nam Thái Sơn xuất hiện một cuộc hôn nhân đoàn kết hữu nghị giữa hai dân tộc. Anh Hiền vừa được vợ, vừa có giấy khen của UBND tỉnh Long Châu Hà kèm bao thơ.

Thấm thoát hơn nửa thế kỷ trôi qua, anh chị em Xưởng 18 luôn nhắc mãi chuyện xưa. Hàng năm, cứ đúng ngày 15-9, chúng tôi - những đồng đội Xưởng 18 họp mặt. Mo So bây giờ đổi thay nhiều lắm. Ở khắp xã Bình An, nhà nhà đều có vô tuyến truyền hình, xe Hon-đa đi lại và chòi tranh xiêu vẹo nay thay bằng nhà xây ngói mới, trẻ em được học hành. Trong khu công nghiệp Kiên Lương, nhiều xí nghiệp xi măng mọc lên, ngày đêm khói tỏa trắng một vùng trời. Nhà máy xi măng Holcim, xi măng Hà Tiên 1, bình quân mỗi công nhân thu thập 3 triệu đồng/tháng. Đường rộng thênh thang, ngày đêm nhộn nhịp tàu xe đưa khách đến Mo So tham quan du lịch... Quân và dân Bình An vinh dự đón nhận danh hiệu anh hùng. Mo So, Hang Tiền, Bãi Dương, Chùa Hang được công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia.

TRẦN DŨNG CHIẾN

Chia sẻ bài viết