11/07/2024 - 09:17

Kỷ niệm với soạn giả - NSND Viễn Châu 

Tại TP Cần Thơ, UBND tỉnh Trà Vinh vừa tổ chức chương trình vận động gây quỹ xây dựng Khu lưu niệm cố soạn giả - NSND Viễn Châu (1924-2016). Dự chương trình, soạn giả Nhâm Hùng có nhiều cảm xúc đặc biệt và đã chia sẻ với phóng viên Báo Cần Thơ những kỷ niệm về NSND Viễn Châu - danh cầm Bảy Bá.

Lá thư tay NSND Viễn Châu viết gửi soạn giả Nhâm Hùng.

Soạn giả - NSND Viễn Châu tên thật Huỳnh Trí Bá, sinh năm 1924 tại huyện Trà Cú, nay thuộc huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh. Soạn giả Nhâm Hùng nhấn mạnh, ông là một nghệ sĩ đa tài hiếm hoi của làng cổ nhạc Nam Bộ khi vừa là soạn giả trứ danh lại là danh cầm tài hoa. Với sự nghiệp trên 50 kịch bản cải lương, hơn 2.000 bài vọng cổ cùng ngón đờn tranh huyền hoặc, bổng trầm, điệu nghệ, soạn giả Viễn Châu là bậc kỳ tài, là viên ngọc sáng ngời của cải lương và đờn ca tài tử Nam Bộ.

Soạn giả Nhâm Hùng cho rằng: “Ngón đờn tranh tuyệt luân đưa ông lên hàng đệ nhất thập lục huyền cầm. Tuyệt phẩm “Tình anh bán chiếu” khiến ông lên ngôi “Vua viết bài ca cổ”. Ông cũng khai sáng nên loại hình “Tân cổ giao duyên”, “Vọng cổ hài”. Do đó, ông Nhâm Hùng hoan nghênh chủ trương của tỉnh Trà Vinh về vận động xây dựng khu tưởng niệm NSND Viễn Châu và rất mong công trình sớm hoàn thành tại quê hương cố soạn giả.

Trong dòng cảm xúc nhớ về cố soạn giả Viễn Châu, soạn giả Nhâm Hùng đã lục tìm và cho chúng tôi xem bức thư viết tay mà cố soạn giả gửi cho ông. Chuyện là khi thực hiện đề tài nghiên cứu về các văn nghệ sĩ Cần Thơ, trong đó có nghệ sĩ Bảy Nhiêu, ông Nhâm Hùng đã liên hệ NSND Viễn Châu để tìm hiểu thêm thông tin. Vậy là NSND Viễn Châu rất sẵn lòng chia sẻ, viết gửi ông lá thư thật dài. Theo nội dung thư, từ khoảng năm 1953, NSND Viễn Châu có dịp gần gũi với cố nghệ sĩ Bảy Nhiêu - ông gọi thân mật là chú Bảy - khi cùng cộng tác ở Đoàn Việt kịch Năm Châu. Ông kể những kỷ niệm với nghệ sĩ Bảy Nhiêu khi cùng sống ở đình Phú Hòa - Tân Định, nơi Đoàn Năm Châu tá túc, cùng với hơn 100 nghệ sĩ trong đoàn.

NSND Viễn Châu kể về những đêm mưa ế ẩm, nghệ sĩ Bảy Nhiêu tìm cách chọc vui anh em, con cháu trong đoàn để khuây khỏa. Một chi tiết rất hay trong lá thư là NSND Viễn Châu nói về việc nghệ sĩ Bảy Nhiêu sáng tác bản Hoài Tình trứ danh trong cổ nhạc Nam Bộ. Đó là bài ca phảng phất các điệu lý xưa như Lý Vọng phu, Lý Giao duyên… phù hợp với các lớp độc diễn của vai đào, nhất là những vai hành khất mù lòa. NSND Viễn Châu còn cho biết: “Trong vở cải lương video “Phạm Công Cúc Hoa”, tôi cũng áp dụng bản Hoài Tình cho Nghi Xuân - Tấn Lực (Út Hậu, Diệu Hiền đóng) khi hai anh em dắt díu nhau đi tìm cha ngoài quan ải: Cầu xin, cô bác dủ lòng thương/ Bố thí cho bát gạo đồng tiền/ Hai trẻ lạc đường đói khát bơ vơ…”.

Soạn giả Nhâm Hùng còn kể về những lần ông cùng NSND Viễn Châu và các soạn giả, nghệ sĩ như Trọng Nguyễn, Bạch Tuyết… làm giám khảo cuộc thi Giọng ca cải lương Giải Mộc Quán - Nguyễn Trọng Quyền trước đây. Dù là bậc danh cầm, soạn giả nổi tiếng lại là bậc cao niên nhưng NSND Viễn Châu rất thân tình, chân tình, gần gũi và sẵn lòng giúp đỡ mọi người khi cần. Nhắc lại về bức thư đã kể trên, soạn giả Nhâm Hùng ấn tượng: “Đáng quý là lối cư xử của một bậc thầy, bậc đàn anh với lớp sau như tôi. Ông rất sẵn sàng và đầy nhiệt tình!”.

Dự kiến, Khu lưu niệm cố soạn giả - NSND Viễn Châu có diện tích 11.300m2, được thiết kế với 16 hạng mục chính như: cổng chính, biểu tượng đàn tranh, tượng cố soạn giả - NSND Viễn Châu, khu nhà trưng bày về thân thế, sự nghiệp cố soạn giả, khu nhà trưng bày “Đờn ca tài tử cải lương”, nhà biểu diễn... Tổng kinh phí dự kiến thực hiện dự án là 70 tỉ đồng, thời gian thực hiện trong năm 2024 và 2025.

Bài, ảnh: ĐĂNG HUỲNH

Chia sẻ bài viết