* Đại biểu Quốc hội thảo luận và cho ý kiến vào dự thảo Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi)
Sáng 11-11, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Nguyễn Đức Kiên, Quốc hội làm việc tại Hội trường cho ý kiến vào dự án Luật Bưu chính và thông qua Nghị quyết dự toán ngân sách năm 2010.
Chủ nhiệm Ủy ban tài chính, ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, đã có 225 ý kiến của đại biểu Quốc hội đóng góp vào dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về dự toán NSNN năm 2010. Đa số các đại biểu thống nhất với phương án điều chỉnh dự toán NSNN năm 2010 và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về dự toán NSNN năm 2010.
Tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội chấp nhận phương án điều chỉnh tiền lương tối thiểu mức 730.000 đồng/tháng, thực hiện từ 1-5-2010; giãn chưa thực hiện chế độ phụ cấp công vụ, chế độ phụ cấp thâm niên nhà giáo trong năm 2010.
Nghị quyết của Quốc hội quyết nghị mức bội chi NSNN năm 2010 ở mức 6,2% tổng sản phẩm trong nước. Quốc hội quyết nghị tán thành với các giải pháp thực hiện dự toán NSNN năm 2010 do Chính phủ trình và kiến nghị của Ủy ban Tài chính- Ngân sách trong Báo cáo thẩm tra, đồng thời nhấn mạnh 8 giải pháp trọng tâm: Tiếp tục chính sách tài khóa linh hoạt có kiểm soát chặt chẽ, phấn đấu tăng thu, triệt để tiết kiệm và nâng cao hiệu quả chi; Chính phủ thực hiện tốt các luật thuế, chỉ đạo kiên quyết công tác thu NSNN, hạn chế tối đa tình trạng gian lận thuế, kê khai tính thuế, nợ đọng thuế; quản lý chặt chẽ chi NSNN theo đúng Luật NSNN và các Nghị quyết của Quốc hội; năm 2010 phát hành trái phiếu chính phủ 56 nghìn tỉ đồng (bằng mức năm 2009), để đầu tư các dự án, công trình thuộc lĩnh vực và danh mục đã được quyết định đầu tư từ nguồn vốn trái phiếu chính phủ theo Nghị quyết của Quốc hội; tăng cường quản lý theo đúng quy định của pháp luật các khoản chi ngoài cân đối NSNN, các khoản vay, tạm ứng ngân sách; tổng kết đánh giá và rà soát các chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình mục tiêu khác; tiếp tục giao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp và thực hiện xã hội hóa các loại hình sự nghiệp, nhất là y tế, giáo dục với mức độ cao; tổng kết thực hiện nhiệm vụ tài chính- NSNN 5 năm (2006-2010) và 10 năm (2001-2010), định hướng phát triển tài chính- NSNN 5 năm (2011-2015) và Chiến lược 10 năm (2011-2020).
Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết của Quốc hội về dự toán NSNN năm 2010 với kết quả 84,58% số đại biểu có mặt tán thành.
Các đại biểu nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật Bưu chính phù hợp với tình hình thực tế của Việt Nam và thông lệ quốc tế làm cơ sở pháp lý hoạt động bưu chính, là yêu cầu khách quan nhằm tăng cường, hoàn thiện hệ thống pháp luật về bưu chính, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước và hội nhập quốc tế. Các đại biểu Quốc hội tập trung cho ý kiến về một số vấn đề còn chưa thống nhất trong dự luật như chỉnh sửa câu chữ, tách nhập các điều khoản; các quy định liên quan đến dịch vụ bưu chính công ích; quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính; vấn đề khiếu nại, bồi thường thiệt hại...
Đại biểu Bùi Thị Hòa (Đắc Nông), Trần Tiến Cảnh (Hà Nam), Trần Thị Lộc (Bắc Cạn) có ý kiến: Các điểm bưu điện văn hóa xã đã hoạt động hơn 10 năm nay, tuy còn một số nơi đạt hiệu quả chưa cao, nhưng đã thể hiện những tích cực của loại hình này, vì thế cần có những chế định trong luật để củng cố, phát triển và nâng cao chất lượng các điểm bưu điện văn hóa xã. Đại biểu Nguyễn Văn Phát (Thanh Hóa) cho rằng, hiện nay khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc thụ hưởng các ưu điểm của dịch vụ bưu chính. Dự luật cần có những quy định khuyến khích và phát triển hệ thống dịch vụ bưu chính tại các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Đại biểu Trần Thế Vượng (Hải Dương), Ngô Văn Minh (Quảng Nam), Trần Du Lịch (thành phố Hồ Chí Minh) đề nghị xem lại Chương 8 quy định về vấn giải quyết khiếu nại và bồi thường thiệt hại, vì các điều, khoản của chương này không rõ ràng, không thống nhất. Các đại biểu cho rằng, bản chất hoạt động cung ứng dịch vụ bưu chính giữa người cung cấp và người sử dụng là một hợp đồng dân sự về cung ứng dịch vụ vì thế hai bên hoàn toàn bình đẳng về tư cách pháp lý. Mọi vấn đề phát sinh là phải được coi là tranh chấp không phải là khiếu nại. Doanh nghiệp không thể được quyền quy định về thủ tục, mức đền bù cho thiệt hại do chính mình gây ra. Vì thế, cần xây dựng lại chương 8 theo hướng tranh chấp hợp đồng dân sự và tuân theo các quy định pháp luật dân sự. Theo đại biểu Lê Minh Hồng (Hà Nam ), thời gian tối đa về giải quyết khiếu nại của người sử dụng dịch vụ bưu chính quy định trong luật là quá dài nên cần được rút ngắn lại cho phù hợp với chủ trương cải cách hành chính.
Đại biểu Tạ Văn Tấn (Thái Bình), Nguyễn Việt Dũng, Trần Du Lịch (thành phố Hồ Chí Minh) cùng cho rằng, hoạt động dịch vụ bưu chính mang tính đặc thù cao. Tại các khu vực nông thôn, khu vực vùng sâu, vùng xa có điều kiện kinh doanh khó khăn khó thu hút doanh nghiệp đầu tư hoạt động. Vì thế, việc quy định Chính phủ chỉ định một công ty đảm nhận hoạt động cung cấp dịch vụ bưu chính công là cần thiết. Tuy nhiên, vẫn còn một số đại biểu chưa thống nhất về quy định Chính phủ chỉ định một công ty đảm nhận hoạt động cung cấp dịch vụ bưu chính công, vì lo ngại ảnh hưởng đến việc đảm bảo tính cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bưu chính.
* Chiều 11-11, Quốc hội làm việc tại tổ, cho ý kiến vào dự thảo Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi).
Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) được Quốc hội thông qua ngày 12-12-1997, có hiệu lực thi hành từ 1-7-1998. Năm 2004, Quốc hội đã ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật các tổ chức tín dụng. Sau hơn 10 năm thực hiện, Luật Các TCTD đã có những đóng góp quan trọng trong việc tạo môi trường pháp lý lành mạnh cho tổ chức và hoạt động của hệ thống các TCTD. Tuy nhiên, nhiều đại biểu cho rằng vào thời điểm đó hoạt động ngân hàng còn đơn giản, chưa phát triển, qua quá trình thực hiện, nhiều quy định của Luật hiện hành không còn thích hợp đã trở nên gò bó, làm giảm tính tự chủ của tổ chức tín dụng, không đồng bộ với các luật khác mới ban hành như Luật doanh nghiệp, Luật chứng khoán... và chưa phù hợp với thông lệ quốc tế.
Các đại biểu nhận định: hiện nay, tình hình thế giới và trong nước đã có nhiều thay đổi, Việt Nam đã trở thành thành viên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và hội nhập ngày càng sâu rộng vào kinh tế toàn cầu. Việc hội nhập đặt ra những yêu cầu đa dạng hóa các hoạt động, dịch vụ ngân hàng; đối xử bình đẳng giữa các loại hình TCTD thuộc các thành phần kinh tế trong nước và nước ngoài; từng bước áp dụng các chuẩn mực quản trị ngân hàng theo thông lệ quốc tế. Mặt khác, quá trình cổ phần hóa các Ngân hàng thương mại Nhà nước đã và đang được triển khai, vì vậy, trong thời gian tới sẽ không còn loại hình Ngân hàng thương mại Nhà nước như quy định của Luật hiện hành. Các đại biểu cho rằng việc sửa đổi Luật các tổ chức tín dụng là cần thiết nhằm khắc phục những tồn tại, bất cập của những quy định hiện hành, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của hoạt động ngân hàng trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế.
Cho ý kiến vào việc công khai thông tin một tổ chức tín dụng được đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt, một số đại biểu cho rằng, quy định không đưa ra công luận việc một tổ chức tín dụng được đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt nhưng lại quy định quyết định chấm dứt kiểm soát đặc biệt được thông báo cho các tổ chức, cá nhân liên quan là không phù hợp, bởi trong thực tế khi một tổ chức tín dụng bị đặt trong tình trạng kiểm soát đặc biệt không thể tránh khỏi việc rò rỉ thông tin ngay từ nội bộ và có thể dẫn tới những tác động tiêu cực khi không có thông tin chính thống. Đại biểu Nguyễn Hoàng Anh, Dương Anh Điền (Hải Phòng) và một số đại biểu đề nghị phải đưa ra công luận về việc một tổ chức tín dụng được đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt nhằm minh bạch thông tin và để người gửi tiền có biện pháp tự bảo vệ tài sản của mình. Việc này sẽ tạo sự tin tưởng cho xã hội vào hệ thống kiểm soát của các cơ quan quản lý nhà nước, tránh tác động tiêu cực từ những nguồn thông tin không chính thức...
XUÂN KHU-BÍCH THỦY (TTXVN)