01/04/2021 - 06:37

Kinh tế Việt Nam 2021: Ứng phó và vượt qua đại dịch COVID-19, hướng tới phục hồi và phát triển

(TTXVN) - Sáng 31-3, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phối hợp Ban Kinh tế Trung ương, Ủy Ban Kinh tế của Quốc hội, Tập đoàn Đầu tư và Quản lý V-Startup tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề “Kinh tế Việt Nam năm 2020 và triển vọng năm 2021 - Ứng phó và vượt qua đại dịch COVID-19, hướng tới phục hồi và phát triển”. Nhân dịp này, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân công bố ấn phẩm “Đánh giá Kinh tế Việt Nam thường niên 2020”.

Tại hội thảo, các chuyên gia kinh tế đã đề xuất một số khuyến nghị chính sách nhằm đưa đất nước vượt qua đại dịch COVID-19. Theo đó, chính sách tiền tệ nới lỏng cần hết sức thận trọng về quy mô và thời gian kéo dài, đặc biệt khi các hoạt động kinh tế sôi động trở lại. Chính sách tài khóa cần phải chi tiêu đúng trọng tâm, tiết kiệm, hỗ trợ các đối tượng thực sự cần thiết. Ưu tiên cao nhất là hỗ trợ những người mất việc làm, kể cả khu vực chính thức và phi chính thức, tiếp đến là các hỗ trợ về chi phí đối với doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Các chính sách hỗ trợ lợi nhuận hoặc hàng hóa xa xỉ chưa phù hợp cần được thiết kế lại.

Chính phủ cũng cần thu hẹp đối tượng thụ hưởng chính sách, giảm mức thu các loại phí, lệ phí dựa trên mức độ chịu tác động bởi đại dịch. Các chính sách liên quan đến an sinh xã hội phải được xếp theo thứ tự ưu tiên hàng đầu. Cùng với đó, cần đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công; tập trung cắt giảm lãi suất cho vay hơn là lãi suất huy động; đồng thời, giám sát chặt chẽ dòng tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro, phi sản xuất để đảm bảo cơ cấu tín dụng lành mạnh và an toàn hệ thông trong tương lai.

Các chuyên gia cũng cho rằng song hành với những chính sách mang tính ngắn hạn đang được thực hiện nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, Việt Nam nên kiên trì với những cải cách dài hơn để cải thiện nền tảng vĩ mô và giảm thiểu rủi ro trong tương lai. Cụ thể như: đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng dựa vào công nghệ - đổi mới sáng tạo, khuyến khích tinh thần khởi nghiệp; hoàn thiện thể chế, tôn trọng và bảo vệ sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế; phát triển khu vực tư nhân đổi mới, năng động, sáng tạo… Những giải pháp mang tính dài hạn này để chuyển đổi căn bản mô hình tăng trưởng, gia tăng chất lượng tăng trưởng cần được kiên quyết thực hiện với quyết tâm chính trị cao nhất.

Việt Hà

Chia sẻ bài viết