14/10/2015 - 20:08

Kinh nghiệm từ các địa phương về thực hiện cải cách hành chính

Vừa qua, tại TP Cần Thơ, Bộ Nội vụ phối hợp với Chương trình Phát triển Liên Hiệp quốc tổ chức Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm trong thực hiện cải cách hành chính (CCHC). Tại Hội thảo, nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước đã chia sẻ những kinh nghiệm, những thuận lợi, khó khăn cũng như những kiến nghị đề xuất tháo gỡ vướng mắc, nhằm thực hiện công tác CCHC ngày một tốt hơn...

Trọng tâm của mục tiêu CCHC là nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính, chất lượng dịch vụ công, sắp xếp lại các cơ quan, đơn vị nhằm khắc phục tình trạng chồng chéo, bỏ trống hoặc trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; tiếp tục đổi mới phương thức làm việc của cơ quan hành chính Nhà nước; cải cách và triển khai trên diện rộng cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị sự nghiệp dịch vụ công; chất lượng dịch vụ công từng bước được nâng cao. Ông Phạm Minh Hùng, Giám đốc Dự án CCHC, Bộ Nội vụ, cho biết: "Trong những năm qua, công tác CCHC nói chung và công tác cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước đã đạt được nhiều kết quả tích cực, có nhiều văn bản quy phạm pháp luật được ban hành. Từ đó, từng bước nâng cao chất lượng hoạt động của cơ quan hành chính Nhà nước từ Trung ương đến địa phương". Tuy nhiên, cũng theo ông Hùng, thời gian qua hoạt động của nhiều cơ quan, tổ chức vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn, không có sự phân định rành mạch về chức năng, nhiệm vụ. Trong đó, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thực thi nhiệm vụ của tổ chức chưa có động lực phấn đấu, chưa cố gắng hoàn thành nhiệm vụ được giao để góp phần xây dựng và phát triển tổ chức…

Các đại biểu tham dự Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm trong thực hiện CCHC.

Tại hội thảo, nhiều tỉnh, thành phố đã chia sẻ kinh nghiệm trong thực hiện CCHC tại địa phương mình. Ông Nguyễn Văn Cường, Sở Nội vụ tỉnh Bắc Giang, chia sẻ: "Thời gian qua, tỉnh Bắc Giang đã xây dựng, thực hiện được cuốn Sổ tay hướng dẫn xây dựng Đề án vị trí việc làm và cơ cấu công chức. Cuốn Sổ tay hướng dẫn và phụ lục từ điển được triển khai đến các sở, cơ quan thuộc UBND tỉnh và UBND huyện, thành phố thì phản hồi từ công chức khi đọc cuốn Sổ tay xong có thể làm được. Từ đó, xây dựng Đề án vị trí việc làm của từng cơ quan, đơn vị, địa phương thuận lợi hơn, không phải làm đi, làm lại nhiều lần". Cũng theo ông Nguyễn Văn Cường, cuốn Sổ tay có các phát kiến mới như: Cuốn Sổ tay và phụ lục hướng dẫn đã cung cấp cho các cơ quan quy trình chi tiết, cụ thể việc tổ chức xây dựng và xác định vị trí việc làm một cách khách quan thông qua việc đưa ra các hướng dẫn rõ ràng, thực tế, chi tiết với các ví dụ minh họa cụ thể. Ngoài ra, việc thống kê công việc theo các biểu mẫu của cuốn Sổ tay hướng dẫn đảm bảo cho các công chức thống kê đầy đủ, chi tiết công việc đang thực hiện, tránh được hiện tượng bỏ sót công việc…

Còn TP Cần Thơ cũng chia sẻ kinh nghiệm về triển khai và ứng dụng phần mềm quản lý thông tin cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn. Theo ông Nguyễn Khải Hoàn, chuyên gia CCHC cao cấp, Ban Quản lý Dự án Tăng cường tác động CCHC Cần Thơ, phần mềm đáp ứng tốt việc kết nối và khai thác sử dụng. Phần mềm hoạt động chính xác, ổn định. Số lượng và thông tin cơ bản hiện tại của cán bộ, công chức, viên chức các đơn vị đã nhập cơ bản đầy đủ, có thể sử dụng ngay dữ liệu phục vụ công tác tổ chức. Ông Nguyễn Khải Hoàn chia sẻ kinh nghiệm: "Công tác chuẩn bị về việc triển khai, tập hợp lý lịch giấy phải đầy đủ. Ngay từ đầu, Sở Nội vụ thành phố cần tổ chức triển khai, quán triệt chỉ đạo của UBND thành phố đối với thủ trưởng cơ quan, đơn vị, Chủ tịch UBND quận, huyện; định kỳ tổ chức hội nghị sơ kết đánh giá thực hiện kế hoạch nhập hồ sơ vào phần mềm trước khi đến thời hạn cần hoàn thành; cần thực hiện đúng quy trình nhập thông tin do Sở Nội vụ triển khai"…

Tại hội thảo, nhiều đại biểu cho rằng trong quá trình triển khai thực hiện CCHC tại các địa phương, Chính phủ và Bộ Nội vụ đã ban hành nhiều văn bản quy định, hướng dẫn để địa phương triển khai thực hiện hết sức thuận lợi. Đồng thời, Bộ Nội vụ cũng tổ chức nhiều hội nghị tập huấn cho các địa phương trước khi triển khai thực hiện. Các nội dung văn bản thể hiện rõ mục đích, yêu cầu, nhất là cách thức tổ chức triển khai kèm với đề án mẫu đã tạo thuận lợi cho các cơ quan, địa phương khi triển khai thực hiện. Tuy nhiên, khi triển khai thực hiện, các địa phương đều gặp khó do các văn bản hiện hành chưa quy định rõ việc xác định số lượng, vị trí việc làm đối với các chức danh lãnh đạo, quản lý; công tác triển khai phần mềm quản lý cán bộ, công chức còn nhiều hạn chế do trong quá trình cài đặt phải chỉnh sửa nhiều lần, làm gián đoạn truy cập của các đơn vị, ảnh hưởng đến tiến độ nhập tin của các đơn vị…

Để tháo gỡ những khó khăn trên, các đại biểu tham dự hội thảo cũng đã kiến nghị Bộ Nội vụ và các bộ, ngành liên quan sớm ban hành các văn bản hướng dẫn về tiêu chuẩn ngạch công chức, quy định ngạch công chức trong các cơ quan hành chính, danh mục vị trí việc làm chung cho các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, huyện để thực hiện thống nhất trên phạm vi toàn quốc. Đặc biệt, Bộ Nội vụ cần sớm ban hành khung chuẩn thông tin về cán bộ công chức, viên chức (các trường hợp bắt buộc) và thống nhất định dạng quản lý, chuẩn nối kết để phần mềm triển khai của các đơn vị có thể kết nối thuận lợi…

Bài, ảnh: Chấn Hưng

Chia sẻ bài viết