23/05/2017 - 19:45

Kiên Giang phát triển kinh tế biển

Kiên Giang là tỉnh có tiềm năng về khai thác thủy sản - sản lượng nuôi trồng, khai thác thủy sản hằng năm đều đứng tốp đầu cả nước. Định hướng phát triển Kiên Giang, kinh tế biển được xem là một trong những khâu đột phá chiến lược, vừa mang về nguồn lợi lớn, vừa góp phần giữ vững chủ quyền Tổ quốc.

Ngoài đường biên giới trên bộ dài hơn 56km, vùng biển Kiên Giang còn tiếp giáp với nhiều nước, như: Malaysia, Thái Lan, Campuchia… thuận lợi cho việc giao lưu hàng hóa của tỉnh nói riêng và của Việt Nam nói chung với các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á. Bên cạnh đó, với ngư trường rộng trên 63.000km2, vùng biển Kiên Giang có nguồn lợi khai thác và nuôi trồng thủy sản khá lớn. Đến cuối năm 2016, toàn tỉnh có 10.556 chiếc tàu với tổng công suất hơn 2,3 triệu CV, trong đó gần 300 tàu dịch vụ hậu cần nghề cá. Sản lượng khai thác hải sản tăng bình quân 5,24%/năm, nếu như năm 2006 đạt 314.000 tấn đã tăng lên hơn 519.000 tấn năm 2016.  Diện tích nuôi trồng trên biển của tỉnh đạt 2.200ha, sản lượng gần 200.000 tấn; kim ngạch xuất khẩu thủy sản hằng năm đạt trên 147 triệu USD.

Tàu cá Kiên Giang vừa đánh bắt hải sản xa bờ, vừa bảo vệ chủ quyền Tổ quốc.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Phạm Vũ Hồng, để kinh tế biển thật sự là thế mạnh, năm 2014, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch số 107 về thực hiện chương trình bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2020. Ngoài ra, trong các quy hoạch phát triển, nhất là kế hoạch chiến lược phát triển kinh tế biển gắn với quốc phòng an ninh, mong muốn đưa Kiên Giang trở thành tỉnh mạnh về kinh tế, vững về quốc phòng - an ninh. Ngoài nội lực, Kiên Giang đã tăng cường hợp tác với một số nước trong khu vực để quản lý, khai thác nguồn lợi hải sản; đồng thời triển khai các dự án phát triển đội nghề cá công nghệ cao; xây dựng hệ thống cảng, khu chợ cá và các hạng mục cơ sở hạ tầng phục vụ thủy sản trên địa bàn tỉnh.

Kiên Giang hiện có trên 143 hòn đảo nằm rải rác tạo thành 5 quần đảo, trong đó có 43 đảo đã có dân sinh sống. Đây chính là điều kiện để phát triển kinh tế biển đảo; đồng thời từ vùng biển đảo, khẳng định chủ quyền lãnh thổ. Theo Đại tá Đàm Kiến Thức, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Kiên Giang, có diện tích rộng lớn nên việc bảo vệ an ninh vùng biển luôn là thách thức đối với các cơ quan chức năng. Chính vì thế, trong thế trận quốc phòng toàn dân, bên cạnh biên giới trên bộ, vùng biển cũng được tỉnh Kiên Giang đặc biệt quan tâm. Theo đó, tỉnh đã thành lập đội tàu khai thác xa bờ, bố trí biên chế cho quân dân biển vừa phục vụ phát triển kinh tế, vừa tạo tuyến phòng thủ từ xa.

Để việc khai thác và nuôi trồng thủy sản thực sự mang lại hiệu quả, nhiều ý kiến cho rằng, thời gian tới, Kiên Giang cần tổ chức lại sản xuất trên biển đảo, chú trọng khai thác xa bờ, hạn chế đánh bắt tận diệt; nhanh chóng thành lập các tập đoàn thủy sản mạnh, có đủ lực để đánh bắt ở vùng biển quốc tế, vừa đảm bảo phát triển kinh tế, vừa làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền Tổ quốc. Đồng thời, Kiên Giang cần có quy hoạch tổng thể hoạt động kinh tế biển, đẩy mạnh đánh giá trữ lượng, điều tra sản lượng nguồn lợi thủy sản; quy hoạch vùng nguyên liệu cho các cơ sở chế biến để đánh bắt hợp lý. Song song đó, từng bước đưa kinh tế biển tiến xa hơn, Kiên Giang cần nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ở các đảo có dân sinh sống… Đây là những nền tảng để Kiên Giang vừa khai thác tốt tiềm năng từ biển, vừa thực hiện tốt nhiệm vụ giữ vững chủ quyền biên giới.

Bài, ảnh: PHƯƠNG ANH

Chia sẻ bài viết