25/06/2010 - 08:34

Kiên Giang: Long trọng công bố Khu dự trữ sinh quyển thế giới

Tối 24-6, Ban tổ chức Diễn đàn hợp tác kinh tế ĐBSCL-MDEC Kiên Giang-2010 đã long trọng tổ chức lễ công bố Khu dự trữ sinh quyển thế giới-Kiên Giang. Tại đây, Tổ chức Văn hóa-Khoa học & Giáo dục Liên Hiệp Quốc - UNESCO tại Việt Nam đã trao bằng chứng nhận khu dự trữ sinh quyển Kiên Giang là khu dự trữ sinh quyển thế giới.

Tổng diện tích của khu dự trữ sinh quyển (DTSQ) này là 1.146.079,2ha, gồm: 2 Vườn quốc gia U Minh Thượng và Phú Quốc, hệ sinh thái núi đá vôi Kiên Lương, các đảo và quần đảo.... Trong đó, vùng lõi 23.506,2ha (chưa kể diện tích mặt biển, bảo tồn biển khoảng 10.000ha), vùng đệm 130.028ha, vùng chuyển tiếp 992.545ha (trên cạn 189.439ha, còn lại là diện tích mặt biển). Khu DTSQ thế giới Kiên Giang có 6 hệ sinh thái (HST) đặc thù: HST rừng nguyên sinh và rừng thứ sinh với ưu thế cây họ dầu (Dipterocarpaceae); HST rừng trên núi đá với ưu thế của ổi rừng (Trestonia mergvensis) và hoàng đàn (Dacrydium pierrei); HST rừng ngập chua phèn (tràm Melaleuca cajuputi); HST rừng ngập mặn (đước, sú, vẹt, mắm..., đặc biệt là loài cóc đỏ Lumnitzera littorea còn sót lại duy nhất ở Việt Nam); HST rú bụi ven biển; HST rạn san hô, cỏ biển. Trong khu DTSQ, hệ động thực vật có khoảng 2.340 loài, trong đó 1.480 loài thực vật với 116 loài quý hiếm được ghi trong Sách đỏ và 57 loài đặc hữu; khoảng 860 loài động vật với 78 loài quý hiếm, trong đó có 36 loài đặc hữu. Khu DTSQ này được xem có tính đa dạng sinh học bậc nhất thế giới. Ngoài ra, khu vực này còn có di sản văn hóa phong phú với 38 di tích lịch sử văn hóa và danh thắng được công nhận cấp quốc gia và cấp tỉnh và 389 lễ hội dân gian, tôn giáo, lịch sử cách mạng... của ba dân tộc Kinh, Khmer, Hoa.

Khu DTSQ thế giới Kiên Giang được UNESCO công nhận ngày 27-10-2006 tại Kỳ họp thứ 19 của Hội đồng Điều phối Quốc tế Chương trình Con người và Sinh quyển.

Cùng ngày, Ban tổ chức MDEC Kiên Giang-2010 đã vinh danh 59 tập thể, cá nhân, doanh nghiệp có những đóng góp vì sự phát triển bền vững của vùng ĐBSCL về mặt trí tuệ, kiến thức khoa học, tuyên truyền và các nguồn lực khác để giải quyết những vấn đề bảo vệ môi trường của vùng.

T.N

Chia sẻ bài viết