Thực hiện Chỉ thị 19/CT-TTg, tỉnh Kiên Giang vẫn giữ các chốt kiểm soát liên tỉnh, liên huyện, thành phố; người dân chỉ được đi lại trong phạm vi huyện, thành phố để bảo vệ thành quả phòng chống dịch.
Người dân đến mua hàng nông sản tại Trung tâm hỗ trợ Nông dân và Giáo dục nghề nghiệp tỉnh Kiên Giang. (Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN)
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kiên Giang thống nhất với các đề xuất của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tỉnh chủ trương áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 19/CT-TTg trên phạm vi toàn tỉnh, từ ngày 30/9.
Không được lơ là khi nới lỏng giãn cách
Tỉnh ủy Kiên Giang yêu cầu khi thực hiện Chỉ thị 19/CT-TTg, Ban chỉ đạo các cấp tuyệt đối không chủ quan, lơ là phòng chống dịch; tiếp tục thực hiện tốt các khuyến cáo của ngành y tế.
Tỉnh vẫn giữ các chốt kiểm soát liên tỉnh, liên huyện, thành phố; người dân chỉ được đi lại trong phạm vi huyện, thành phố; bỏ các chốt trong phạm vi huyện, thành phố, trừ "vùng đỏ" đang áp dụng theo Chỉ thị 16/CT-TTg.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành quy định các ngành nghề, lĩnh vực được phép hoạt động khi áp dụng thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh theo mức độ áp dụng giãn cách xã hội.
Đối với việc học sinh đến trường học, thực hiện từ ngày 18/10 (thay vì trước đó là ngày 4/10); từ nay đến thời gian trên, học sinh các cấp tiếp tục học trực tuyến, học qua truyền hình theo các kế hoạch đã triển khai.
Về chủ trương áp dụng mức độ giãn cách đối với từng địa bàn trong thời gian tới, Kiên Giang đã đánh giá và xác lập các vùng gồm tiếp tục áp dụng thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15/CT-TTg đối với 3 xã, thị trấn thuộc huyện Hòn Đất là xã Bình Giang, thị trấn Hòn Đất và thị trấn Sóc Sơn.
Tỉnh tiếp tục áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg đối với một số ấp, khu phố và xã, phường, thị trấn gồm phường An Thới (thành phố Phú Quốc); phường Mỹ Đức (thành phố Hà Tiên); khu phố Minh An (thị trấn Minh Lương, huyện Châu Thành); khu phố Võ Thị Sáu, khu phố Nguyễn Trãi (phường Vĩnh Thanh), khu phố Nam Cao (phường Vĩnh Quang, thành phố Rạch Giá); các ấp Hòn Chông, Bãi Giếng, Ba Trại, Hòn Trẹm thuộc xã Bình An và thị trấn Kiên Lương, huyện Kiên Lương.
Thời gian bắt đầu từ ngày 30/9 đến khi có quyết định mới
Ngay sau khi Tỉnh ủy thống nhất giãn cách xã hội theo Chỉ thị 19/CT-TTg, Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan triển khai thực hiện một số biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong trạng thái bình thường mới theo nguyên tắc lấy xã, phường, thị trấn làm “pháo đài,” người dân là “chiến sỹ,” là trung tâm phục vụ, là chủ thể phòng, chống dịch.
Tăng cường tuyên truyền để người dân tuyệt đối không lơ là chủ quan, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo khuyến cáo “5K + vaccine + công nghệ;” không tập trung đông người tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; giữ khoảng khi tiếp xúc.
Căn cứ tình hình thực tiễn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố theo thẩm quyền quyết định bổ sung một số giải pháp phòng, chống dịch cho phù hợp.
Đối với các nơi tiếp tục thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg, Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang yêu cầu thực hiện nghiêm và triệt để giãn cách xã hội theo nguyên tắc ai ở đâu ở yên đó.
Tỉnh cũng thần tốc xét nghiệm sàng lọc, phát hiện và nhanh chóng đưa F0 đi điều trị, cách ly triệt để F1 và quản lý chặt F2; nhanh chóng cắt đứt chuỗi lây nhiễm SARS-CoV-2 ngoài cộng đồng, kiểm soát chặt các ổ dịch không để tiếp tục lây lan và tiến tới giảm dần ca mắc.
Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang cũng đề nghị lãnh đạo các sở, ngành và các địa phương phải xác định giãn cách xã hội là yếu tố quyết định để hạn chế tối đa lây nhiễm dịch COVID-19. Từ đó, tuyệt đối không để “chặt ngoài lỏng trong,” phải bảo vệ thật chắc các "vùng xanh" và cô lập các "vùng đỏ" ở phạm vi hẹp nhất.
Bên cạnh đó khẩn trương tổ chức ngay các hoạt động sản xuất, kinh doanh, cung cấp hàng hóa, vật tư,... phục vụ cho phát triển sản xuất, từng bước phục hồi và phát triển kinh tế tại các địa phương.
Tỉnh tiếp tục kết nối tiêu thụ, xuất khẩu nông, thủy sản; cung ứng hàng hóa, lương thực, thực phẩm và thực hiện các chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp để phục hồi, phát triển sản xuất gắn với phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới.
Lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc virus SARS-CoV-2 trên địa bàn phường Vĩnh Lạc, thành phố Rạch Giá (Kiên Giang). (Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN)
Ủy ban Nhân dân tỉnh cũng nhấn mạnh, đối với các các nhà máy, xí nghiệp, doanh nghiệp... không bảo đảm các yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định thì phải tạm dừng hoạt động.
Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang yêu cầu tiếp tục duy trì các chốt kiểm soát liên ngành phòng, chống dịch COVID-19 tại các cửa ngõ ra, vào tỉnh để kiểm soát nghiêm ngặt người và phương tiện từ các tỉnh, thành phố vào địa bàn tỉnh.
Mặt khác, thực hiện nhiệm vụ kiểm soát chặt toàn bộ tuyến biên giới trên bộ và trên biển, không để xảy ra tình trạng xuất nhập cảnh trái phép và những người từ vùng có dịch đến địa bàn tỉnh.
Người dân tuân thủ nghiêm phòng, chống dịch
Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành, thời gian qua, với sự quyết tâm, nỗ lực của Đảng bộ, quân và dân trong tỉnh, công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn đạt được kết quả tích cực, dịch bệnh cơ bản đã được khống chế. Mặc dù dịch COVID-19 ở tỉnh đang được kiểm soát, nhưng vẫn còn diễn biến rất phức tạp tại nhiều tỉnh trong khu vực, tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch bệnh xâm nhập từ bên ngoài vào tỉnh, nên Kiên Giang vẫn tiếp tục thực hiện quyết định của Ủy ban Nhân dân tỉnh về việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 bắt buộc theo mức độ nguy cơ tại các xã, phường, thị trấn.
Sau khi có quyết định của Ủy ban Nhân dân tỉnh về áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 19/CT-TTg, nhiều người dân trong tỉnh, nhất là địa bàn trung tâm thành phố Rạch Giá bày tỏ vui mừng khi đi chợ mua thức ăn không phải “có phiếu,” hay một số dịch vụ thiết yếu khác cũng mở cửa trở lại.
Tuy nhiên, theo quan sát của phóng viên Thông tấn xã Việt Nam, trong sáng 30/9, lượng xe lưu thông cũng không quá đông như trước, các hàng quán vẫn chưa mở cửa, chỉ có một số ít bán thức ăn hoặc cà phê mang về.
Thiết lập và bảo vệ “vùng xanh” trên địa bàn phường Vĩnh Thanh Vân, thành phố Rạch Giá (Kiên Giang). (Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN)
Các cửa hàng mua bán xe gắn máy, điện thoại di động, vài shop quần áo, mỹ phẩm… mở cửa mua bán trở lại nhưng lượng khách vẫn thưa. Một số chợ vẫn chưa mở cửa, nhất là chợ lớn của Rạch Giá là Trung tâm thương mại Rạch Giá chỉ có vài sạp mở bán.
Lượng người ra đường đi lại có đông hơn trước nhưng đều thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang; các cửa hàng mua bán đều thực hiện khoảng cách an toàn; một số chốt chặn cũng được lực lượng chức năng tháo dỡ. Tại các chốt chặn ra vào cửa ngõ thành phố Rạch Giá, các lực lượng chức năng vẫn hoạt động kiểm soát người ra vào đúng theo quy định phòng, chống dịch bệnh.
Ông Trần Hưng Tỷ ngụ tại phường Vĩnh Thanh Vân cho biết, sau hơn hai tháng thực hiện phòng, chống dịch, khi được nới lỏng giãn cách xã hội người dân rất vui mừng, nhưng không vì vậy mà lơ là phòng dịch.
Bản thân ông Tỷ ý thức được điều đó nên khi đi tập thể dục cũng phải thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang, giữ khoảng cách. Ông Tỷ cũng cho biết, hiện nhà kinh doanh mua bán ngay trung tâm thành phố nhưng vẫn chưa mở cửa mà để vài ngày ổn định mới tiếp tục mua bán trở lại.
Chị Nguyễn Thị Huyền, ngụ phường Vĩnh Quang thì cho rằng, mặc dù được nới lỏng giãn cách, không còn “đi chợ phiếu,” nhưng chị vẫn không vội vàng đi chợ mua thực phẩm, đợi khi hết thức ăn dự trữ mới đi.
Chị Huyền chia sẻ, hơn hai tháng qua đi chợ mua nhiều thức ăn để cả tuần thấy cũng tiện lợi, nên khi có trở lại bình thường mới thì vẫn duy trì thói quen vậy. Theo đó, ngoài việc phòng được bệnh cho bản thân, gia đình mà còn tiết kiệm chi tiêu.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Kiên Giang, tính đến 19 giờ ngày 29/9, trên địa bàn tỉnh có tổng số 5.673 ca mắc COVID-19 (riêng từ đợt dịch thứ 4 đến nay đã có 5.648 ca), trong đó điều trị khỏi 3.558 bệnh nhân, tử vong 61 ca.
Hiện tại, các cơ sở khám chữa bệnh trong tỉnh có 2.054 ca đang điều trị. Ổ dịch bùng phát ở thành phố Phú Quốc đã được khống chế, đến nay phát hiện 133 ca.
Lê Sen (TTXVN/Vietnam+)