07/06/2012 - 22:09

Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII

Kiên định các mục tiêu kiềm chế làm phát, điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ, kích thích sản xuất, hỗ trợ tiêu dùng

(TTXVN)- Tiếp tục chương trình làm việc, sáng 7-6, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2011; việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2012.

Hầu hết các ý kiến phát biểu đều cho rằng, những kết quả kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô được Chính phủ triển khai trong năm 2011 và những tháng đầu năm 2012 đều đã đạt được những kết quả tích cực, nhất là trong mục tiêu kiềm chế lạm phát. Các ĐBQH đánh giá, nhìn một cách tổng thể, các mục tiêu kinh tế vĩ mô của đất nước đã được đảm bảo, kinh tế - xã hội của đất nước đã có nhiều dấu hiệu khởi sắc.

Tại buổi thảo luận, nhiều ý kiến cũng thẳng thắn đánh giá, những kết quả đạt được trong kinh tế xã hội vẫn còn thể hiện sự thiếu bền vững. Chính sách tài khóa thắt chặt, chính sách tiền tệ chặt chẽ trong thời gian qua đã có những tác động tiêu cực đến nền kinh tế, đó là sản xuất đình đốn, hàng tồn kho lớn, nhiều công trình đầu tư xây dựng dở dang, số lượng doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động gia tăng, dẫn đến tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm, tăng trưởng trong lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ đạt thấp...

Một số ý kiến đề nghị Chính phủ cần thực hiện nhiệm vụ kiềm chế lạm phát theo hướng linh hoạt hơn, nhất là các chính sách về tài khóa, tín dụng theo hướng tạo thuận lợi hơn nữa cho việc tiếp cận nguồn vốn vay của các doanh nghiệp theo tinh thần Nghị quyết 13/CP của Chính phủ.

Quan tâm nhiều đến lĩnh vực tín dụng, ngân hàng, các ĐBQH đề nghị Chính phủ chú trọng hơn nữa đến việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng trên toàn quốc. Có ý kiến đề nghị kiên quyết cắt giảm các ngân hàng nhỏ, lẻ, hoạt động manh mún, gây rối loạn hệ thống tiền tệ, tín dụng.

Chiều cùng ngày, QH tiếp tục thảo luận tại hội trường về nội dung này.

Chiều 7-6, các đại biểu tiếp tục thảo luận. Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư; Tổng Thanh tra Chính phủ và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã giải trình một số nội dung liên quan đã được các đại biểu đề cập.

Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho biết: Những tháng cuối năm 2011 và đầu năm 2012, Thanh tra Chính phủ tổ chức nhiều cuộc thanh tra trong đó có các Tập đoàn Sông Đà, Tập đoàn Hóa chất, Tập đoàn Dầu khí, Tập đoàn Viettel và Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines). Kết quả thanh tra đã phát hiện vi phạm của các tập đoàn, tổng công ty này lên tới trên 30.000 tỉ đồng. Sai phạm ở 5 dạng: sai quy trình thủ tục theo các quy định của nhà nước, do đầu tư, do chi phí và hoạt động sản xuất kinh doanh làm không đúng quy trình thủ tục; sai thẩm quyền; sai đối tượng cho phép; cấp không đúng nguồn; trình độ quản lý doanh nghiệp còn nhiều yếu kém dẫn đến vi phạm pháp luật và vi phạm về kinh tế. Tuy nhiên, chưa phát hiện thất thoát với các nguồn vốn này. Hiện các tập đoàn, tổng công ty đều có phương án khắc phục hậu quả. Riêng với Tập đoàn Sông Đà, Thanh tra Chính phủ đã chuyển một vụ có hiện tượng tiêu cực sang cơ quan điều tra là dự án Nhà máy xi măng Đồng Bành để làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.

Ngày 11-6, mặt bằng lãi suất huy động sẽ giảm còn 9%. Đây là khẳng định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình. Ngày 11-6 tới, mặt bằng lãi suất huy động cũng sẽ giảm còn 9%, điều này đã được Thủ tướng đồng ý. Trên cơ sở giảm mặt bằng lãi suất, Ngân hàng Nhà nước sẽ yêu cầu các tổ chức tín dụng tiếp tục giảm lãi suất cho vay. Ngân hàng Nhà nước dự kiến phối hợp với các bộ, ngành thành lập công ty mua bán nợ quốc gia góp phần xử lý khoản nợ trên dưới 100.000 tỉ đồng nợ xấu của hệ thống ngân hàng theo nguyên tắc bảo toàn vốn. Ngân hàng Nhà nước cũng đã lập dự án trình Chính phủ về việc hỗ trợ vốn cho vay mua nhà đối với những người có thu nhập trung bình và thu nhập thấp để nhanh chóng giải quyết tồn đọng trong lĩnh vực bất động sản; đề xuất với Thủ tướng cải tiến hơn nữa cơ chế bảo lãnh tín dụng với các doanh vừa và nhỏ.


Chia sẻ bài viết