13/06/2015 - 17:25

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 9:

Kiểm soát tốt nợ công, chủ động hội nhập quốc tế

 Sáng 13-6, thực hiện phân công của Thủ tướng, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã báo cáo, giải trình thêm một số nội dung liên quan đến công tác quản lý, điều hành của Chính phủ mà đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm; đồng thời trực tiếp trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội.

6 giải pháp trọng tâm hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế xã hội

Trong báo cáo giải trình, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Chính phủ nghiêm túc tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội và của cử tri, nhân dân cả nước nêu trong Báo cáo của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng như phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Báo cáo thêm về tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2015, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, trong tháng 5, kinh tế xã hội nước ta tiếp tục đạt nhiều kết quả trên hầu hết các lĩnh vực. Kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 tăng 0,16%, 5 tháng tăng 0,2%. Tăng trưởng tín dụng đạt 5,18% (cùng kỳ năm 2014 là 1,51%).

Báo cáo cũng thẳng thắn chỉ rõ những tồn tại, hạn chế cũng như khó khăn cần khắc phục trong việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế xã hội năm 2015 như: Thiên tai, hạn hán diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống, nhất là tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên. Tiêu thụ một số nông sản còn nhiều khó khăn (gạo, cao su, cà phê, trái cây...). Tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu có xu hướng giảm, trong đó nông, lâm, thủy sản giảm 9,5% so với cùng kỳ . Lượng khách quốc tế đến Việt Nam giảm 12,6%. Vẫn còn xảy ra một số vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng...

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc báo cáo giải trình tại Quốc hội. Ảnh: VGP/NHẬT BẮC 

Chính phủ đề ra 6 giải pháp quan trọng sẽ được gấp rút triển khai trong giai đoạn này bao gồm: Tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp gắn với tiêu thụ sản phẩm; Đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư, kinh doanh kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông; Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; Tập trung giải quyết tốt các vấn đề xã hội; Chủ động phòng chống, giảm nhẹ thiên tai và Tăng cường bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội, an toàn giao thông.

Theo đó, Chính phủ sẽ tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, điều chỉnh cơ cấu mùa vụ, vật nuôi cây trồng phù hợp với điều kiện của từng vùng, địa phương. Chuẩn bị tốt các điều kiện, khai thác tối đa các ưu đãi, lợi thế khi tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN và các Hiệp định thương mại tự do. Kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật cùng với việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp và người dân.

Tăng cường phòng chống tham nhũng, đề cao đạo đức công vụ

Nội dung trả lời đầu tiên của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là câu hỏi của đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) liên quan đến kết quả và biện pháp đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng của Chính phủ để đáp ứng mong đợi của cử tri và nhân dân cả nước.

Phó Thủ tướng cho biết, vấn đề tham nhũng trong thời gian qua đã được triển khai quyết liệt trên nhiều mặt, đạt được một số thành quả tích cực, nhưng kết quả vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra, tham nhũng còn nghiêm trọng và diễn biến phức tạp.

Cụ thể trong năm 2014, đã điều tra, khám phá, xử lý 256 vụ việc liên quan đến tham nhũng với 593 bị can, tăng 25 vụ, 25 bị can so với năm trước. Về tài sản thu hồi năm 2013 đạt mới trên 10%; năm 2014 với nhiều vụ án lớn đạt trên 22%.

Về biện pháp chống tham nhũng, tại phiên họp vừa rồi, Phó Thủ tướng cho biết, Tổng Bí thư, Trưởng ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng đã đưa ra 8 biện pháp lớn, đó là: Đảng, Nhà nước lãnh đạo, chỉ đạo phải làm tốt hơn công tác phòng, chống tham nhũng ; tiếp tục xây dựng thể chế phòng, chống tham nhũng ; điều tra truy, tố, xét xử, thanh tra, kiểm toán, xét xử nghiêm các trường hợp tham nhũng được phát hiện; đặc biệt là xây dựng thể chế để làm sao không thể, không nên và không dám tham nhũng; tuyên truyền vận động nhân dân, hợp tác quốc tế và quan trọng là phát huy vai trò các cơ quan dân cử, MTTQ trong phát hiện các hành vi tham nhũng.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị) về giải pháp của Chính phủ đối trước sự việc một bộ phận công chức có hành vi nhũng nhiễu, lệch chuẩn trong văn hóa ứng xử với người dân, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, cả nước hiện có gần 4 triệu công chức, viên chức (chưa kể lực lượng vũ trang). Nếu đội ngũ này làm tốt thì sẽ có vai trò to lớn trong việc đưa chủ trương, chính sách đến với nhân dân. Chính vì thế, người cán bộ thì luôn phải tận tụy, gương mẫu, lễ phép phục vụ nhân dân. Việc một bộ phận cán bộ, công chức có biểu hiện xa dân, quan liêu đây là vấn đề liên quan đến đạo đức công vụ. Quốc hội đã có Luật Công chức, Luật Viên chức, Chính phủ đã ban hành 18 Nghị định hướng dẫn về vấn đề này và sắp tới đây, Chính phủ sẽ tiếp tục triển khai một số biện pháp thanh tra, kiểm tra, đổi mới chế độ đạo đức công vụ như mô tả việc làm, giảm biên chế và đặc biệt là tổ chức thi tuyển để tìm cán bộ tốt phục vụ nhân dân; đi liền với tăng cường kỷ cương, kỷ luật, đánh giá, bình chọn kịp thời để đưa cán bộ yếu kém ra khỏi bộ máy làm trong sạch đội ngũ phục vụ nhân dân.

Về tình trạng công chức “sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về” như đại biểu Lê Như Tiến đề cập, Phó Thủ tướng cho biết, tuy có diễn ra nhưng số cán bộ dạng này không nhiều. Để khắc phục hiện tượng này, các cơ quan, tổ chức cần làm tốt các biện pháp như mô tả việc làm, phát huy dân chủ nhằm kịp thời phát hiện, ngăn ngừa, hạn chế. Trên thực tế, tình trạng này đã giảm hơn và theo Nghị quyết của Bộ Chính trị về tinh giảm biên chế thì trước hết là giảm biên chế loại công chức như vậy, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Xã hội hóa không đồng nghĩa với tư nhân hóa

Giải đáp thắc mắc của đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) về việc thực hiện chủ trương xã hội hóa nâng cấp hạ tầng giao thông, có biến thành tư nhân hóa hạ tầng cơ sở của Nhà nước hay không, Phó Thủ tướng khẳng định, xã hội hóa đầu tư phát triển hạ tầng giao thông là chủ trương của Đảng, Nhà nước. Xã hội hóa không đồng nghĩa với tư nhân hóa. Việc đầu tư hạ tầng giao thông thông qua những hình thức hợp tác, kinh doanh theo quy định pháp luật, rồi hoàn vốn cho Nhà nước bằng không đồng chứ không có chuyện tư nhân hóa. Xã hội hóa nhưng không buông lỏng quản lý Nhà nước. Cụ thể như vấn đề chất lượng dịch vụ, vấn đề thu phí phục vụ nhân dân, quản lý đất đai đều do Nhà nước quản lý, sao cho đảm bảo lợi ích 3 bên: Nhà nước, nhà đầu tư và nhân dân cùng có lợi.

Xung quanh một số công trình như Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh, với 50% vốn trái phiếu Chính phủ còn lại là xã hội hóa, ngành giao thông vận tải đã có chủ trương vận động doanh nghiệp xã hội hóa theo hình thức BOT xây dựng kinh doanh chuyển giao, có nghĩa là Nhà nước ký với Chủ đầu tư trong thời gian nhất định, đảm bảo yêu cầu chất lượng như bảo hành 4 năm, phải giải ngân đầy đủ, thực hiện nghiêm cơ chế giám sát lẫn nhau về chất lượng, chọn nhà đầu tư minh bạch, có năng lực. Nhân dịp này, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu ngành giao thông vận tải và đề nghị người dân địa phương tiếp tục kiểm tra, giám sát việc đầu tư Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên đảm bảo chất lượng, tiến độ đề ra.

Tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy kinh tế tư nhân

Giải đáp câu hỏi của đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) về chính sách của Chính phủ trong việc thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân, Phó Thủ tướng chỉ rõ, nhóm kinh tế tư nhân có vai trò to lớn trong nền kinh tế, nhằm tạo việc làm, tạo GDP và thu hồi ngân sách. Từ khi có Luật Doanh nghiệp 2005 đến nay, khu vực này phát triển vượt bậc với gần 500 ngàn doanh nghiệp và trên 4 triệu hộ kinh doanh cá thể có thể phát triển thành doanh nghiệp. Song tình hình chung các doanh nghiệp ở tình trạng còn đơn giản, giá trị gia tăng chưa cao. Vì vậy nhu cầu có những doanh nghiệp quy mô lớn và sức cạnh tranh cao là rất quan trọng trong bối cảnh hội nhập. Chính phủ chủ trương tạo thuận lợi hơn về môi trường kinh doanh, gắn với ổn định kinh tế vĩ mô để tạo điều kiện thuận lợi cho khối kinh tế tư nhân phát triển; bên cạnh đó là cải thiện môi trường pháp lý về phá sản; không hình sự hóa các vụ việc kinh tế; thực hiện cổ phần hóa doanh nghiêp Nhà nước đảm bảo bình đẳng, công khai, minh bạch và đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, Phó Thủ tướng nêu rõ.

Kiểm soát chặt chẽ nợ công

Chất vấn Phó Thủ tướng về giải pháp của Chính phủ quản lý nợ công, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, đây là nỗi lo ngại của đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước. Giải đáp câu hỏi này, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, tỷ lệ nợ công/ GDP luôn là nội dung gây tranh cãi. Điều quan trọng nhất trong quản lý nợ công là khả năng vay và trả nợ như thế nào. Ở Việt Nam, do nhu cầu phát triển đặc biệt là phát triển hạ tầng, nên tỷ lệ tăng nợ công cao hơn tăng trưởng GDP. Đến nay nợ công ở nước ta ở mức 62%/65% GDP (mức Quốc hội cho phép). Phó Thủ tướng khẳng định, Chính phủ rất thận trọng trong quản lý nợ công. Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị 02 với một số biện pháp đảm bảo nợ công như tăng cường quản lý chi tiêu công, tăng vay dài hạn, tăng vay trong nước, vay ODA ngoài nướcvới lãi suất thấp (bình quân 1,6%/năm); quản lý chặt các khoản vay có bảo lãnh của Chính phủ; thu đủ nợ. Điều quan trọng nữa là Chính phủ tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng nền kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư để kiềm chế nợ công.

Chủ động tâm thế hội nhập kinh tế quốc tế

Trong buổi chất vấn sáng nay, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã trả lời câu hỏi của nhiều đại biểu bày tỏ băn khoăn trước bối cảnh năm 2015, Việt Nam gia nhập Cộng đồng ASEAN và một số hiệp định lớn có hiệu lực hoặc hoàn tất đàm phán, ký kết như câu hỏi của các đại biểu: Trần Hoàng Ngân; Tô Văn Tám (Kon Tum); Nguyễn Ngọc Bảo (Vĩnh Phúc), Phó Thủ tướng cho biết, thời điểm sau khi nước ta gia nhập WTO vào năm 2007, thì ngay 2008, chúng ta lập tức vướng vào khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Nguyên nhân chính là do nền kinh tế đất nước tích tụ những bất cập trong nhiều năm, doanh nghiệp chưa ứng phó kịp thời, kinh nghiệm chỉ đạo, quản lý, điều hành còn hạn chế trong ứng phó với khủng hoảng. Phó Thủ tướng cho rằng, năm 2015, trên cơ sở kinh nghiệm trước, chúng ta cần chủ động, tích cực sẵn sàng hội nhập. AFTA là thời cơ lớn nhưng cũng là thử thách có thể khiến chúng ta thua ngay trên sân nhà, do đó, cần có nhiều biện pháp đón nhận thời cơ này như hoàn thiện thể chế pháp luật, cải thiện môi trường đầu tư; cơ cấu nền kinh tế và quan trọng là sự đổi mới mạnh mẽ từ người dân và doanh nghiệp và cả đất nước.

Về việc gia nhập Cộng đồng ASEAN, Phó Thủ tướng nhấn mạnh 3 trụ cột gồm: Chính trị an ninh, kinh tế và văn hóa xã hội. Thời gian qua, Việt Nam là 1 trong 3 nước tích cực thực hiện tốt các nội dung này, đạt nhiều kết quả tốt. Song, việc tham gia cộng đồng ASEAN vào cuối năm 2015 cũng còn những khó khăn, đòi hỏi nhiều cố gắng trên các khía cạnh; trong đó, vấn đề giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc khi gia nhập ngôi nhà chung ASEAN cũng là một yêu cầu cấp bách được Đảng, Nhà nước quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện.

QUANG VŨ (TTXVN)

Chốt lại phần chất vấn Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết: Phó Thủ tướng đã trả lời 24 lượt chất vấn của đại biểu Quốc hội với 30 chất vấn. Chủ tịch Quốc hội đánh giá, phần trả lời của Phó Thủ tướng đã đi thẳng vào vấn đề, giải quyết được vấn đề đặt ra nhưng tất nhiên cũng có những nội dung phải tiếp tục làm, mới có thể có kết quả. Tổng kết toàn bộ phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Kỳ họp thứ 9, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết, sau 2,5 ngày chất vấn 4 vị bộ trường, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu làm rõ thêm những vấn đề thuộc trách nhiệm của Chính phủ và trực tiếp trả lời chất vấn, tổng cộng đã có trên 130 ý kiến của các đại biểu Quốc hội và đã có trên 200 nội dung chất vấn đã được thảo luận tại hội trường trong phần chất vấn và trả lời chất vấn của Kỳ họp thứ 9.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đánh giá, kết quả chất vấn cho thấy, Quốc hội đã chọn đúng nội dung chất vấn gồm những bức xúc nổi lên trong đời sống, đây cũng là những vấn đề mang tính chiến lược, lâu dài, được đồng bào cử tri cả nước và Quốc hội quan tâm. Phiên chất vấn diễn ra trong không khí dân chủ, thẳng thắn, xây dựng.

Chia sẻ bài viết