12/10/2018 - 08:42

Kiểm soát quyền lực - việc cần làm ngay 

Nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế, lạm dụng chức vụ quyền hạn quy mô lớn, gây hậu quả nghiêm trọng trên cả nước nói chung, tại TP Cần Thơ nói riêng đã và đang được đưa ra xét xử trong thời gian qua cho thấy tình trạng tham nhũng, tiêu cực trong đội ngũ cán bộ các cấp ngày càng tinh vi, phức tạp hơn. Thậm chí, có những vụ án gây thiệt hại lên đến hàng ngàn tỉ đồng. Thực trạng này, đòi hỏi Đảng và Nhà nước phải nhận diện được các biểu hiện tiêu cực trong sử dụng quyền lực để kiểm soát.

Tại Cần Thơ, các cấp, các ngành đã và đang thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt trong kiểm soát quyền lực của người thực thi công vụ. Qua đó, phanh phui nhiều vụ án, vụ việc liên quan đến sử dụng quyền lực không đúng, củng cố lòng tin trong nhân dân. Tuy nhiên, để quyền lực được kiểm soát một cách căn cơ, thường xuyên, liên tục và đạt hiệu quả, còn nhiều việc phải làm…

Bài 1: Nhiều biện pháp quyết liệt

Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ (NQTW4 khóa XII) được triển khai thực hiện gần 3 năm. “Hơi thở” của Nghị quyết này đã lan tỏa đến từng chi, đảng bộ của TP Cần Thơ và đi vào từng cán bộ, đảng viên. Trách nhiệm và quyền hạn đã được cụ thể hóa trong các quy chế, quy định được cán bộ, đảng viên nghiêm túc thực hiện thông qua sự kiểm tra, giám sát lẫn nhau. Đây là tiền đề để đảm bảo quyền lực được thực hiện trong khuôn khổ của Hiến pháp và pháp luật.

Quy định trách nhiệm rõ ràng

Cùng chúng tôi bon xe trên con đường nhựa rộng rãi vào khu vực 7, phường Bình Thủy, quận Bình Thủy, chú Nguyễn Xuân Linh, Bí thư khu vực 7, hồ hởi cho biết: “Trước đây, hai bên đường toàn ruộng, vườn, đường đi khó khăn, nhà cửa thưa thớt. Bây giờ đường sá mở rộng, xe 4 bánh chạy bon bon, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh, quán  ăn,  giải khát… mọc lên. Nhờ cán bộ quận quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ, khu vực mới có sự đổi mới như hiện nay...”. 

Ngay khi quận Bình Thủy được thành lập, Ban Thường vụ Quận ủy đã ban hành Nghị quyết số 02-NQ/QU ngày 28-6-2004, phân công các đồng chí trong Ban chấp hành, các trưởng phòng chuyên môn chỉ đạo từng khu vực. Ông Linh vẫn nhớ từng cán bộ được phân công chỉ đạo khu vực 7, phường Bình Thủy qua các thời kỳ; và ông nhắc nhiều đến đồng chí Nguyễn Văn Lợi- nay là Trưởng Ban Dân vận quận. Nhờ đồng chí Lợi nhiệt tình trong chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn mà khu vực có được phần đất và vận động xã hội hóa xây dựng nhà thông tin khang trang như hôm nay. 

Người dân ở tuyến lộ Tử Rạch Rầy, thuộc khu vực Thới An 3, phường Thuận An, quận Thốt Nốt, rất phấn khởi trước việc chính quyền địa phương đã khắc phục được nhiều điểm sạt lở của tuyến lộ này. Chị Yến chia sẻ: “Cán bộ phường thường tham gia những cuộc họp với dân, đi khảo sát tình hình sạt lở... để nắm bắt tình hình. Cán bộ có nghe dân nói mới biết địa bàn mình quản lý ra sao và có đến với dân thì dân mới biết cán bộ đó làm việc như thế nào để góp ý”. Đồng chí Bùi Đức Lợi, Phó Bí thư Đảng ủy phường Thuận An, cho biết: “Căn cứ quy chế làm việc của cấp ủy, chúng tôi giám sát lẫn nhau, nếu ai chưa làm hết trách nhiệm hay vượt quá quyền hạn được giao là biết ngay. Thực tế thời gian qua, dù quy chế có phân công trách nhiệm rõ ràng, nhưng do công việc nhiều nên có những thành viên cả tháng hoặc khi có nội dung quan trọng mới đến khu vực. Ban chấp hành (BCH) và Thường vụ Đảng ủy phường đưa tình trạng này ra tự phê bình và phê bình trong cuộc họp cấp ủy, nên hiện nay, các cấp ủy viên đều đến khu vực nắm tình hình ít nhất 2 lần/tuần. Từ đó, địa phương có nhiều chuyển biến rõ nét”.

Đồng chí Bùi Đức Lợi, Phó Bí thư Đảng ủy phường Thuận An (bên phải) khảo sát điểm sạt lở tại tuyến lộ Tử Rạch Rầy. 

Mỗi nơi, mỗi cách làm, nhưng chung quy là từ sự chỉ đạo thống nhất, chặt chẽ của Thành ủy để từng địa phương, đến khu vực, xóm ấp đều xây dựng được những quy chế, có sự phân công, phân nhiệm rõ ràng trong thực thi nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Ngay sau Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XIII, Thành ủy Cần Thơ đã ban hành Quy chế số 01-QC/TU ngày 12-01-2016 của BCH Đảng bộ thành phố và tiếp tục kiện toàn quy chế làm việc của BCH Đảng bộ thành phố trong năm 2018. Trong đó, quy định cụ thể thẩm quyền của Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy, Thường trực Thành ủy và trách nhiệm của từng thành viên BCH  Đảng bộ, mối quan hệ công tác giữa các Đảng đoàn, Ban cán sự đảng, cơ quan tham mưu của Thành ủy và hệ thống Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể chính trị xã hội thành phố… Bên cạnh đó, Ban Thường vụ Thành ủy chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể, cơ quan, đơn vị phải xây dựng Quy chế làm việc và thực hiện nghiêm quy chế.

Kiểm tra, giám sát chặt chẽ

Để các quy chế không chỉ “nằm trên giấy”, theo đồng chí Phạm Văn Hiểu, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố, Ban Thường vụ Thành ủy thường xuyên chỉ đạo kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy chế của cấp ủy trực thuộc Thành ủy nhằm tăng cường kiểm soát quyền lực của cấp dưới, uốn nắn kịp thời những nơi chưa thực hiện quy chế hoặc không thực hiện quy chế dẫn tới lạm quyền.

Qua cuộc giám sát việc thực hiện quy chế dân chủ tại Trường Cao đẳng Cần Thơ vào ngày 24-8-2018 của Ban Thường vụ Thành ủy, đoàn giám sát đã chỉ ra nhiều hạn chế, giúp trường kịp thời chấn chỉnh, hạn chế những sai phạm có thể xảy ra. Đồng chí Nguyễn Xuân Hải, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Nội chính Thành ủy, nhắc nhở Ban Giám hiệu (BGH) trường, nếu không thực hiện tốt quy chế dân chủ, sẽ dễ dẫn đến lạm quyền và vi phạm pháp luật. Việc thực hiện dân chủ là một kênh để cán bộ, viên chức, các đoàn thể, sinh viên trong nhà trường thực hiện chức năng giám sát các hoạt động của BGH. Ông Trần Thanh Liêm, Bí thư Đảng ủy, cho rằng việc giám sát này đã giúp cho BGH “sáng” hơn trong chỉ đạo, điều hành, nhất là việc công khai, minh bạch những chế độ chính sách, phân công nhiệm vụ đối với viên chức và sinh viên. Qua đó, nhà trường sẽ kịp thời có những chấn chỉnh để công tác quản lý được tốt hơn.

Trong 5 năm (2013- 17/9/2018), cấp ủy và UBKT các cấp của thành phố đã kiểm tra 5.417 tổ chức đảng và 56.340 đảng viên; giám sát chuyên đề 5.349 tổ chức đảng và 18.787 đảng viên. Qua đó, đã phát hiện thi hành kỷ luật 9 tổ chức đảng và 832 đảng viên, trong đó có 55 trường hợp liên quan đến tham nhũng.

Thanh tra các cấp đã triển khai 1.313 cuộc thanh tra, kiểm tra, kiến nghị nộp ngân sách nhà nước 77,16 tỉ đồng và 35.450m2 đất. Qua công tác thanh tra, kiểm tra các cấp đã kiến nghị và chuyển 5 trường hợp qua cơ quan điều tra xử lý theo quy định pháp luật. 

Nhờ gần dân, sát dân và quy chế làm việc rõ ràng nên từ đầu năm đến nay, qua nghe dư luận quần chúng, Đảng ủy phường Thuận An, quận Thốt Nốt, đã kiểm tra và xử lý kỷ luật 3 đảng viên vi phạm việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, thiếu trách nhiệm trong công việc, vay mượn nợ,… Hay tại huyện Phong Điền, qua công tác kiểm tra, giám sát từ năm 2016 đến tháng 6-2018, phát hiện 3 vụ việc liên quan đến tham nhũng: vụ lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ của cán bộ Tổ chức phát triển quỹ đất; vụ tham ô tài sản và lợi dụng chức vụ quyền hạn tại Hội Nông dân huyện; vụ tham ô tài sản, lợi dụng chức vụ quyền hạn tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện.

Ban Thường vụ Thành ủy còn kiểm tra vai trò, trách nhiệm và xử lý trách nhiệm người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu của cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan, đơn vị trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Thanh tra thành phố cũng thường xuyên thanh tra trách nhiệm thủ trưởng về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo và thực thi nhiệm vụ được giao. Đồng chí Phạm Minh Phúc, Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy, cho biết: “Hằng năm, các cấp ủy đảng chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát sát hợp với tình hình thực tế. Trong đó, thường xuyên kiểm tra, giám sát những lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực, dư luận quan tâm liên quan đến cán bộ, đảng viên. Ủy ban Kiểm tra Thành ủy còn phối hợp với Ban Tuyên giáo Thành ủy trong công tác nắm thông tin hoạt động tuyên giáo- dư luận xã hội; phân công cán bộ dự các cuộc hội nghị giao ban an ninh tư tưởng hằng tháng do Ban Tuyên giáo tổ chức; rà soát, nghiên cứu các đơn thư khiếu nại, tố cáo để phân tích, sàng lọc nội dung, đối tượng có liên quan đến cán bộ, đảng viên. Từ đó, kịp thời kiểm tra các tổ chức đảng, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm…”.

Mặc dù thành phố đã có những động thái quyết liệt trong kiểm soát quyền lực, nhưng một số nơi vẫn còn có những vi phạm trong sử dụng quyền lực. Việc này, đòi hỏi các cấp, các ngành của thành phố phải nhận diện được các vi phạm về sử dụng quyền lực để kịp thời xử lý và chấn chỉnh.

(Còn tiếp)

Bài 2: Khi người được trao quyền bị tha hóa

Chia sẻ bài viết