29/02/2008 - 09:21

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng:

Kiểm soát chặt chẽ kinh tế vĩ mô, kiềm chế giá cả thị trường

Ngày 28-2, phát biểu kết luận phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 2-2008, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các Bộ, ngành phải chỉ đạo quyết liệt kiểm soát nhằm ổn định kinh tế vĩ mô đảm bảo tăng trưởng trên 8% trở lên, đồng thời kiềm chế lạm phát, đảm bảo đủ hàng hóa phục vụ sản xuất và đời sống.

Điểm lại tình kinh tế xã hội hai tháng đầu năm, Thủ tướng đánh giá cao nỗ lực của các thành viên Chính phủ đã triển khai đồng bộ kế hoạch năm 2008, đưa kinh tế xã hội tiếp tục phát triển, nhất là việc chỉ đạo để nhân dân đón Tết Nguyên đán Mậu Tý bình yên, an toàn và tiết kiệm. Tuy nhiên, kinh tế nước ta cũng gặp phải nhiều khó khăn và thách thức do rét đậm, rét hại kéo dài gây thiệt hại lớn đến sản xuất nông nghiệp và đời sống của nhân dân. Cộng với tình trạng nhập siêu tiếp tục tăng cao gần bằng 50% kim ngạch xuất khẩu, chỉ số giá tiêu dùng trong 2 tháng đầu năm tăng 6,02%, thị trường tài chính tiền tệ đang có diễn biến phức tạp. Thủ tướng cho rằng, tình trạng giá tiêu dùng tăng cao là do giá cả thế giới tăng nhưng một phần là do chính sách điều hành tiền tệ của ta còn yếu kém và chưa phù hợp, cần phải sớm được khắc phục để làm tốt hơn. Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phải cập nhật báo cáo Chính phủ kịp thời để giám sát và điều hành kinh tế vĩ mô, chính sách tiền tệ nhằm điều chỉnh khi cần thiết.

Về nhiệm vụ trong tháng 3-2008, Thủ tướng đề nghị các thành viên Chính phủ tăng cường công tác dự báo sát với tình hình thực tiễn, nhất là trong bối cảnh kinh tế thế giới đầu năm nay đang có chiều hướng sụt giảm, tác động đến kinh tế nước ta. Do vậy, Chính phủ cùng với các Bộ, ngành kiểm soát chặt chẽ kinh tế vĩ mô, kiềm chế giá cả thị trường, tiếp tục áp dụng chính sách tiền tệ, tỷ giá và lãi suất một cách chặt chẽ, thận trọng và chủ động. Thực hiện đồng bộ các biện pháp để đảm bảo cho thị trường chứng khoán phát triển ổn định, giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư nhỏ; phải có chính sách điều hành khoa học, linh hoạt phù hợp với điều kiện thực tiễn của đất nước và hội nhập quốc tế. Đồng thời, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, tăng nhanh tỷ trọng xuất khẩu và giảm nhập siêu... Thủ tướng chỉ đạo các Bộ, ngành hướng dẫn cụ thể nhằm tháo gỡ vướng mắc trong việc giải ngân đầu tư xây dựng cơ bản bằng vốn ngân sách, trái phiếu, vốn đầu tư nước ngoài, hỗ trợ đồng bào khó khăn và quan tâm tới công tác cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm...Triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó đặc biệt quan tâm tới chất lượng giáo dục, cho học sinh nghèo vay vốn đi học, phấn đấu đến năm 2010, trên 50% lao động được qua đào tạo.

T.T (TTXVN)

Chia sẻ bài viết