12/07/2022 - 09:23

Kích thích mắt có tiềm năng điều trị trầm cảm và sa sút trí tuệ 

Trong nghiên cứu mới công bố trên Tạp chí Brain Stimulation của Mỹ, các nhà khoa học Hong Kong (Trung Quốc) phát hiện phương pháp kích thích điện ở mắt có thể làm giảm triệu chứng trầm cảm và cải thiện chức năng nhận thức ở động vật, mở ra tiềm năng ứng dụng điều trị cho con người.

Trầm cảm là bệnh phổ biến nhất trong số các rối loạn tâm thần nghiêm trọng trên thế giới. Gần đây, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết đại dịch COVID-19 càng làm gia tăng đáng kể số người bị lo âu và trầm cảm. Vấn đề là có tới 25% bệnh nhân không đáp ứng với các phương pháp điều trị hiện hành.

Qua nghiên cứu, các nhà khoa học đến từ Trường Y khoa LKS, Ðại học Hong Kong (HKUMed) và Ðại học Thành phố Hong Kong (CityU) cho biết phương kích thích não sâu nhằm vào vỏ não trước có thể làm giảm các triệu chứng trầm cảm và cải thiện chức năng ghi nhớ. Tác dụng của cách điều trị này chủ yếu là kích thích sự phát triển của các tế bào não ở hồi hải mã, vùng não chi phối chức năng học tập và ghi nhớ. Tuy nhiên, kỹ thuật này có tính xâm lấn và người bệnh cần được phẫu thuật để cấy các điện cực vào não, có thể dẫn đến các tác dụng phụ đáng kể như nhiễm trùng và biến chứng sau phẫu thuật khác.

Vì vậy, nhóm nghiên cứu đã tìm kiếm các phương pháp thay thế để điều trị các bệnh liên quan đến nhận thức hoặc hành vi. Họ phát hiện rằng kích thích không xâm lấn bề mặt giác mạc của mắt (được gọi là kích thích điện xuyên sọ, hoặc TES) sẽ kích hoạt các đường dẫn ở não, tạo ra các hiệu ứng “đáng kể” giống như thuốc chống trầm cảm và giảm hoóc-môn căng thẳng trên những con vật bị trầm cảm. Không chỉ vậy, kỹ thuật này còn gia tăng biểu hiện của các gien liên quan đến sự phát triển và tăng trưởng của các tế bào não ở hồi hải mã.

Trong các thí nghiệm trên chuột nhằm tìm hiểu liệu phương pháp này có thể áp dụng để chữa bệnh Alzheimer - một dạng mất trí nhớ phổ biến hiện chưa có cách chữa, các chuyên gia phát hiện TES đã cải thiện đáng kể hoạt động của trí nhớ và giảm sự tích tụ mảng bám beta-amyloid ở hồi hải mã, một trong những biểu hiện của bệnh Alzheimer.

Tiến sĩ Leanne Chan Lai-hang, một chuyên gia về kích thích điện các mục tiêu thị giác và phi thị giác trong não, nhận định: kích thích điện xuyên sọ là một phương pháp không xâm lấn, ban đầu được phát triển để điều trị các bệnh về mắt, nhưng nó sẽ là một đột phá khoa học nếu có thể áp dụng để điều trị các bệnh về nhận thức hoặc hành vi. Những phát hiện trên mở đường cho việc phát triển các liệu pháp mới cho người bị mất trí nhớ và trầm cảm kháng trị, song giới chuyên môn cho rằng cần tiến hành thêm thử nghiệm lâm sàng để chứng thực tính hiệu quả và an toàn của nó.

HOÀNG ĐIỂU (Theo SciTechDaily)

Chia sẻ bài viết